Cuộc đua giành suất chỉ định thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam
Các nhà thầu xây lắp tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội nhận gói thầu nghìn tỷ khi Chính phủ quyết định triển khai 12 dự án cao tốc Bắc - Nam bằng vốn đầu tư công.
Rút ngắn tiến độ nhưng vẫn lựa chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng là mục tiêu của Chính phủ khi áp dụng cơ chế chỉ định thầu tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Thời gian không còn nhiều khi Chính phủ đã đặt mục tiêu hoàn tất chỉ định thầu xây lắp và khởi công 12 dự án vào cuối năm 2022, hoàn thành thi công trong năm 2025.
Trước sứ mệnh nối liền mạch đường bộ cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Chính phủ phải lựa chọn được các đơn vị thi công uy tín, chất lượng, không được lặp lại sai lầm như tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Về phía các nhà thầu xây lắp, họ không chỉ kỳ vọng được tham gia dự án mà còn mong muốn được tạo thuận lợi khi triển khai thi công; tránh những khó khăn như chậm giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu từng xảy ra tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020.
Nhà thầu mong muốn chủ đầu tư công khai tiêu chí
Trao đổi với Zing, ông Hồ Đình Chung, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết doanh nghiệp đã xác định sẽ tham gia thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Tuy không còn cơ hội làm nhà đầu tư BOT, Đèo Cả vẫn sẵn sàng nhận vai trò thi công, xây lắp.
"Với kinh nghiệm đã quản lý và thi công nhiều dự án lớn, khó... chúng tôi sẵn sàng nhận vai trò làm tổng thầu thi công, xây lắp, tại những dự án này", ông Chung khẳng định.
Theo lãnh đạo Đèo Cả, hình thức chỉ định thầu là cách lựa chọn nhà thầu nhằm rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ dự án. Bên mời thầu vẫn sẽ đưa ra đầy đủ các tiêu chí về hồ sơ năng lực kỹ thuật, tài chính, nhân lực, kinh nghiệm để đánh giá, lựa chọn.
"Để cuộc chơi minh bạch, tránh cơ chế xin - cho, chủ đầu tư cần công khai bộ tiêu chí lựa chọn nhà thầu, có cơ chế giám sát nhà thầu. Cũng cần tính đến khả năng các bộ tiêu chí đưa ra nhưng không sát thực tế, không hấp dẫn khiến các doanh nghiệp không tham gia", Tổng giám đốc Đèo Cả góp ý.
Đặc biệt, chủ đầu tư cần nhìn lại các bài học về việc lựa chọn các nhà thầu yếu kém năng lực kinh nghiệm, tài chính, rơi vào vòng lao lý. Cần ưu tiên nhà thầu có năng lực, đã được chứng minh khi hoàn thành dự án hạ tầng giao thông thời gian qua.
"Ngoài ra, chúng tôi muốn có cơ chế thưởng phạt rõ ràng. Nếu làm tốt thì cần khuyến khích nhà thầu bằng hình thức giao việc", ông Chung đề xuất.
Rút kinh nghiệm giai đoạn 2017-2020
Từng điều hành doanh nghiệp tham gia vào 3 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 là Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt và Phan Thiết - Dầu Giây, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc tập đoàn Cienco 4, thấm thía những bất cập khi triển khai dự án trên thực địa.
Dự án Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư công nhưng bị chậm tiến độ hơn 3 tháng do thiếu mỏ vật liệu. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của địa phương vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến nguy cơ kéo dài thời gian thi công.
Tại 2 dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, do hình thức đầu tư là đối tác công tư PPP, nhà thầu lẫn đơn vị liên quan đều phải chờ đợi mỏi mòn để dự án tìm được nhà đầu tư và nhà đầu tư tìm được ngân hàng tài trợ vốn tín dụng.
Bước sang giai đoạn 2 (2021-2025), toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều được đầu tư bằng vốn ngân sách. Ông Thọ đánh giá đây là điều đáng phấn khởi nhất. Nhà thầu sẽ không phải lo ngại những rủi ro chậm trễ mà dự án PPP mang lại. Đầu tư công cũng được coi là phương án nhanh nhất để phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, những lo ngại về thiếu nguồn nguyên vật liệu và chậm giải phóng mặt bằng vẫn còn đó. Lãnh đạo Cienco 4 kỳ vọng khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, các địa phương phải đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng sạch, đồng thời tạo điều kiện cho nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ vật liệu thay vì để chủ mỏ nắm rồi thổi giá lên cao.
Một lo lắng nữa của nhà thầu là vấn đề chất lượng của bản thiết kế dự án. Theo cơ chế sắp tới, Bộ GTVT sẽ chỉ định nhà thầu tư vấn, lập thiết kế dự án. Bản thiết kế sau đó là cơ sở để nhà thầu triển khai thi công.
"Đơn vị tư vấn, thiết kế được chỉ định phải đảm bảo năng lực, tạo ra bản thiết kế chuẩn xác, tránh tình trạng nhà thầu vào triển khai vấp phải những vướng mắc, thay đổi trong thiết kế", ông Thọ chia sẻ.
Với những vướng mắc mang tính liên ngành, vượt quá thẩm quyền của ban quản lý dự án và Bộ GTVT, đại diện nhà thầu kỳ vọng sự hỗ trợ khẩn trương từ bộ, ngành.
"Trước đây có những vướng mắc trình lên đến Chính phủ rồi, phó thủ tướng chỉ đạo rồi nhưng để nhà thầu xách máy ra hiện trường thi công được thì mất rất nhiều thời gian", lãnh đạo Cienco 4 chia sẻ.
Tính cạnh tranh vẫn cao
“Chỉ định thầu thì vẫn có cạnh tranh, người thắng kẻ thua. Nếu không muốn làm kẻ thua thì anh phải chuẩn bị”, ông Phí Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty LICOGI, chia sẻ với Zing khi được hỏi về kế hoạch tham gia thi công dự án cao tốc Bắc - Nam thời gian tới.
Lãnh đạo LICOGI cho biết doanh nghiệp có sự chuẩn bị cách đây một vài năm bằng việc tham gia thi công nhiều tuyến cao tốc để lấy kinh nghiệm.
"Nhà thầu phải từng tham gia các dự án cao tốc tương tự, có quy mô lớn, và phải có năng lực thật sự thì mới lọt được vào tầm mắt của chủ đầu tư", ông Ngọc Anh chia sẻ.
Khác với đấu thầu là gửi hồ sơ dự thầu, ở phương thức chỉ định thầu, nhà thầu sẽ gửi thư quan tâm tới chủ đầu tư. Trong thư quan tâm phải nêu ra năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, đồng thời phải có cam kết cụ thể để thuyết phục chủ đầu tư chỉ định mình. Phía chủ đầu tư sau khi nhận thư quan tâm của nhiều nhà thầu sẽ sàng lọc, lựa chọn mời sơ tuyển.
Trong cơ chế chỉ định thầu, doanh nghiệp xây lắp vẫn phải chuẩn bị thứ đầu tiên là năng lực thi công. Tiếp đến là tìm hiểu xem gói thầu có phù hợp với năng lực cốt lõi của mình hay không. Nếu phù hợp thì mới tính đến chiến thuật cạnh tranh, giảm giá để được chủ đầu tư lựa chọn.
Theo quy định tại Nghị quyết 18 của Chính phủ, doanh nghiệp được chỉ định thầu xây lắp phải đưa ra mức giá thấp hơn giá dự toán khoảng 5%.
"Mục đích của quy định này là để chọn ra nhà thầu có năng lực quản lý vận hành tốt. Doanh nghiệp càng lớn, vận hành càng chuyên nghiệp thì lợi nhuận kiếm được càng cao, từ đó mới có khả năng chiết khấu thêm cho chủ đầu tư 5% chi phí", ông Ngọc Anh phân tích.
Theo tìm hiểu của Zing, Đèo Cả, LICOGI, Cienco 4 và nhiều doanh nghiệp xây lắp khác đều có kế hoạch tham gia cuộc đua trở thành nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam. Họ đang chờ đợi Chính phủ đưa ra hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự thầu cũng như yêu cầu kỹ thuật đối với từng gói thầu.