Cuộc đua không gian: Triều Tiên xác định tầm quan trọng, Nga 'chơi lớn' cùng Trung Quốc trên Mặt trăng

Phát triển không gian tiếp tục được nhiều quốc gia trên thế giới xác định là có tầm quan trọng và tính toán các kế hoạch tham vọng.

Thiết kế của tàu kéo vũ trụ hạt nhân Zeus.

Thiết kế của tàu kéo vũ trụ hạt nhân Zeus.

Ngày 27/4, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cuộc phỏng vấn với các thứ trưởng môi trường và viễn thông của nước này và một quan chức cấp cao của cơ quan khí tượng về sự cần thiết phải chế tạo "các vệ tinh ứng dụng".

Các quan chức trên nhấn mạnh: "Xây dựng ngành công nghiệp vũ trụ là một dự án không thể thiếu để phát triển quốc gia và cải thiện cuộc sống của người dân".

Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường Jon Chol-su cho biết, các nỗ lực quản lý đất đai và chống thiên tai của Triều Tiên có thể sẽ đạt được sức hút nếu nhiều vệ tinh ứng dụng được phóng vào không gian và truyền dữ liệu theo thời gian thực.

Hồi tuần trước, trong chuyến thăm Cục Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo các quan chức chuẩn bị phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên theo kế hoạch. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ phóng vào cuối tháng này.

* Trong khi đó, ngày 26/4, Giám đốc điều hành Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) Yuri Borisov xác nhận, tàu kéo vũ trụ hạt nhân Zeus của nước này sẽ tham gia dự án xây dựng trạm khoa học Mặt trăng chung với Trung Quốc.

Ông Borisov chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng sẽ triển khai con tàu này trên thực tế vào năm 2030. Đây là một trong nhiều sản phẩm sẽ hỗ trợ chúng tôi trong quá trình mở rộng lên Mặt trăng”.

Cũng theo ông Borisov, tàu Zeus sẽ giúp đưa các vật thể lớn từ quỹ đạo gần Trái đất đến quỹ đạo Mặt trăng.

Cuối năm ngoái, Roscosmos thông báo, cơ quan này đã ký kết với Cục Hàng không Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2023-2027.

Ngoài ra, chính phủ Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thành lập trạm khoa học Mặt trăng quốc tế. Dự kiến, hoạt động xây dựng trạm phải hoàn thành vào năm 2035.

Hồi năm 2021, Roscosmo đã đưa ra thông báo về việc tàu kéo không gian - thuật ngữ chỉ tàu vũ trụ vận chuyển phi hành gia hoặc thiết bị từ quỹ đạo này sang quỹ đạo khác - dự kiến sẽ thực hiện một sứ mệnh liên hành tinh vào năm 2030.

Theo đó, dự án này sẽ sử dụng module năng lượng Zeus - bản chất là một nhà máy điện hạt nhân di động có công suất 500 kilowatt - được thiết kế để tạo ra đủ năng lượng đẩy hàng hóa nặng vào không gian sâu trong vũ trụ.

Khi đó, Sputnik đưa tin, tàu kéo vũ trụ hạt nhân Zeus sẽ tiếp cận Mặt trăng trước, sau đó tiến về phía Sao Kim. Từ đây nó có thể sử dụng lực hấp dẫn của hành tinh để chuyển hướng về điểm đến cuối cùng, Sao Mộc. Toàn bộ sứ mệnh sẽ kéo dài 50 tháng.

Ngoài ra, theo thông tin từ Văn phòng thiết kế Arsenal (thành viên của Roscosmos), tàu kéo vũ trụ hạt nhân Zeus còn có thể được sử dụng để vô hiệu hóa tàu vũ trụ của đối thủ tiềm tàng bằng xung điện từ và "bắn" tia laser.

(theo Yonhap)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-dua-khong-gian-trieu-tien-xac-dinh-tam-quan-trong-nga-choi-lon-cung-trung-quoc-tren-mat-trang-225072.html