Cuộc đua lãi suất toàn cầu: Nguy cơ lặp lại khủng hoảng nợ thập niên 80

Các quốc gia đang phát triển đang lao đao vì khối nợ khổng lồ, lạm phát cao và nền tài chính suy yếu. Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tình hình hiện tại có sự tương đồng như các cuộc khủng hoảng nợ vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.

Ông Ayhan Kose, Nhà kinh tế trưởng kiêm Giám đốc bộ phận triển vọng kinh tế (Prospects Group) của Ngân hàng Thế giới (WB), tỏ ra quan ngại về xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của ngân hàng trung ương tại các nước phát triển trên khắp thế giới. Theo đó, việc siết chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất đã khiến các nền kinh tế mới nổi rơi vào tình thế bấp bênh, thậm chí có thể đẩy các quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng nợ.

Ông Ayhan Kose, Giám đốc bộ phận triển vọng kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB). (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Ông Ayhan Kose, Giám đốc bộ phận triển vọng kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB). (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Ông cho rằng, tình trạng này có sự tương đồng với các cuộc khủng hoảng nợ vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, khi các quốc gia đang phát triển lao đao vì khối nợ khổng lồ, lạm phát cao và nền tài chính suy yếu. Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, giá cả hàng hóa leo thang cùng với những gián đoạn liên quan tới đại dịch có thể làm nghiêm trọng hơn những khó khăn trong chuỗi cung ứng, làm giảm tăng trưởng và đẩy lạm phát lên cao hơn.

Theo ông Kose, rủi ro lớn nhất ở hiện tại là lãi suất có thể tăng vượt mức kiểm soát, điều này đồng nghĩa với việc các điều kiện tài chính đang bị siết chặt hơn. Ngoài ra, khi tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, giá cả hàng hóa vẫn có thể tăng theo lãi suất chứ không giảm.

Bởi giá hàng hóa tăng kết hợp với tình trạng các chuỗi cung ứng đang liên tục bị gián đoạn và đứt gãy sẽ dẫn đến tăng trưởng suy yếu, thậm chí còn khiến cho lạm phát tăng ngược lại. Đây là các yếu tố tạo điều kiện cho tình trạng “stagflation” - tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao.

Rủi ro tiếp theo chuyên gia WB đề cập đến là nguy cơ khủng hoảng nợ ở các nước nhỏ. Ngược về thời điểm những năm 1970, sau một thời gian dài điều chỉnh các chính sách tiền tệ, thế giới đã phải gánh chịu những cú sốc về nguồn cung trên thị trường.

Tương tự, vào những năm 2010, lãi suất danh nghĩa ở mức tương đối thấp còn lãi suất thực bình quân ở mức âm. Và thời điểm này, thế giới cũng đang chứng kiến cùng một kiểu suy giảm tăng trưởng với cuộc khủng hoảng những năm 80.

Dịch bệnh kéo dài khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, lạm phát tăng, thị trường tài chính suy yếu là những điều mà hầu hết quốc gia này đang vướng phải. Ở một số quốc gia đang phát triển khác, tình hình thậm chí còn xấu hơn khi họ đang ngập trong nợ.

Trong khi đó, tình hình tại các nền kinh tế lớn cũng khiến các quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng không nhỏ. Chỉ riêng tháng 7 năm nay, Ngân hàng Trung ương tại các nền kinh tế lớn trên toàn cầu đã tăng lãi suất tổng cộng gần 12% để chống lạm phát.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch FED. (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Ông Jerome Powell, Chủ tịch FED. (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Riêng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm. Nhận xét về động thái này, ông Kose cho rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ đang ưu tiên chống lạm phát và ổn định giá cả trong nước.

Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng tình hình kinh tế của Mỹ là hoàn toàn khác so với các nền kinh tế đang phát triển. Bởi nền kinh tế quyền lực nhất thế giới này đã trải qua thời gian dài tăng trưởng và đi lên, chính vì vậy, họ có khả năng chịu đựng tốt hơn các nền kinh tế nhỏ.

Theo chuyên gia WB, trong bối cảnh áp lực lạm phát như hiện nay, các Ngân hàng Trung ương cần có nhiều hành động nữa để ổn định giá cả, bao gồm xây dựng một kế hoạch chi tiêu trung hạn đủ tốt để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương nhất, đồng thời đảm bảo không làm tăng thêm áp lực lạm phát. Stagflation hiện là rủi ro lớn hơn với các nền kinh tế phát triển so với các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực đồng tiền chung Euro và Mỹ.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/kinh-te-doanh-nghiep/cuoc-dua-lai-suat-toan-cau-nguy-co-lap-lai-khung-hoang-no-thap-nien-80-165806.html