Cuộc đua 'tam mã' ngành bán lẻ: FRT, MWG, DGW ai đang dẫn đầu?

FRT, MWG và DGW khởi đầu quý 1/2025 đầy ấn tượng với kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, hé lộ tín hiệu phục hồi rõ nét của toàn ngành bán lẻ sau giai đoạn tăng trưởng chậm...

Ba “ông lớn” bán lẻ - FPT Retail, Digiworld và Thế giới di động đều bứt tốc đầu năm 2025, mang đến một bức tranh khởi sắc cho toàn ngành.

FRT gây ấn tượng với doanh thu cao chưa từng có, được tiếp sức mạnh mẽ từ hệ thống nhà thuốc Long Châu. MWG trở lại đường đua lợi nhuận sau khi “lột xác” nhờ tái cấu trúc hiệu quả. DGW không kém cạnh, tăng tốc mạnh mẽ ở mảng gia dụng – một hướng đi đang nóng.

Bộ ba này không chỉ vượt qua kỳ vọng của giới phân tích, mà còn phát đi tín hiệu rõ ràng: ngành bán lẻ đang trở lại mạnh mẽ sau quãng thời gian tăng trưởng chững lại.

BA “ĐẠI GIA” BÁN LẺ BÁO LÃI VƯỢT KỲ VỌNG

Quý 1/2025 đánh dấu một bước nhảy vọt trong hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – mã chứng khoán: FRT) khi ghi nhận doanh thu đạt đỉnh 11.670 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 24% chỉ tiêu cả năm.

Góp công lớn vào thành tích này là chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu với doanh thu đạt 8.054 tỷ đồng – tăng mạnh 46% so với cùng kỳ, chiếm tới 69% tổng doanh thu toàn công ty. Chuỗi FPT Shop cũng duy trì phong độ ổn định với kết quả kinh doanh 3.682 tỷ đồng.

Không chỉ bán lẻ trực tiếp, kênh online của FPT Retail cũng ghi nhận bước tiến vượt bậc với doanh thu 2.146 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Từ đó, lợi nhuận gộp của công ty đạt 2.325 tỷ đồng, tăng tương ứng 29% và giữ vững biên lợi nhuận gộp quanh mốc 20%. Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của FPT Retail đạt 273 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và đạt 30% mục tiêu lợi nhuận năm 2025.

FPT Retail cho biết, doanh thu công ty mẹ tăng trưởng nhờ việc tối ưu vận hành hệ thống FPT Shop và đồng thời mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng như các trung tâm tiêm chủng, giúp cải thiện doanh thu đáng kể trong kỳ.

Kết quả kinh doanh tích cực đã giúp tổng tài sản doanh nghiệp tăng thêm 800 tỷ đồng, chạm mốc hơn 16.600 tỷ. Đặc biệt, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đã tăng gần 1.200 tỷ, lên mức 4.272 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty ghi nhận khoản lãi từ tiền gửi và cho vay lên đến hơn 35 tỷ đồng – tăng hơn 60% so với quý 1 năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí lãi vay cũng tăng lên gần 89 tỷ đồng, gần gấp rưỡi cùng kỳ.

Về cơ cấu vốn, FPT Retail đang vay tài chính gần 8.900 tỷ đồng – toàn bộ là nợ ngắn hạn, tăng nhẹ so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng được bổ sung lên mức hơn 717 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 1/2025, FPT Retail sở hữu mạng lưới 2.794 điểm bán trên toàn quốc. Trong đó, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu tiếp tục bứt tốc với 2.022 cửa hàng, tăng thêm 435 điểm bán so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình của mỗi nhà thuốc đạt ấn tượng 1,3 tỷ đồng mỗi tháng.

Song song, hệ thống tiêm chủng Long Châu cũng tăng tốc mở rộng, nâng số trung tâm lên 144, gần gấp ba lần so với quý 1/2024 (tăng 93 điểm).

Ở chiều ngược lại, chuỗi FPT Shop được tinh gọn chiến lược, giảm còn 628 cửa hàng – ít hơn 115 điểm bán so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) cũng có một quý kinh doanh ấn tượng khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 36.135 tỷ đồng – tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.548 tỷ đồng, tăng vọt 71%, đánh dấu quý có mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của công ty, chỉ đứng sau kỷ lục được thiết lập vào quý 4/2021.

Không chỉ doanh thu tăng trưởng, biên lợi nhuận của MWG cũng được cải thiện đáng kể nhờ vào ba yếu tố chủ lực: Doanh thu tài chính tăng hơn 18%, đạt gần 700 tỷ đồng; Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý được kiểm soát hiệu quả và giảm nhẹ so với cùng kỳ; Lợi nhuận từ liên doanh, liên kết cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Trong năm 2025, MWG đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, tương ứng mức tăng lần lượt 12% và 30% so với năm trước. Với kết quả quý 1 vừa qua, doanh nghiệp đã hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 32% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld – mã chứng khoán: DGW) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 1/2025 với những tín hiệu tích cực. Doanh thu thuần đạt 5.294 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế ghi nhận 105 tỷ đồng, tăng trưởng 14%.

Điểm sáng nổi bật trong kỳ đến từ mảng thiết bị gia dụng, với mức tăng trưởng vượt trội 90%, chủ yếu nhờ sự đóng góp của thương hiệu Philips – dòng sản phẩm được Digiworld chính thức phân phối từ quý 3/2024. Nhóm hàng này hiện chiếm khoảng 8% trong cơ cấu doanh thu.

Bên cạnh đó, mảng laptop và máy tính bảng vẫn duy trì đà tăng ấn tượng 16%, chiếm 25% tổng doanh thu. Thiết bị văn phòng cũng góp phần không nhỏ với mức tăng trưởng 20%, đóng góp 23% doanh thu toàn công ty.

Trong năm 2025, công ty đặt mục tiêu đầy tham vọng: doanh thu 25.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng – mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Với kết quả đạt được trong quý 1, Digiworld đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.

HỨA HẸN NĂM 2025 BỨT PHÁ TOÀN DIỆN

Trong năm 2025, FPT Retail xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 48.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 71% so với thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, FPT Retail sẽ phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận. Cùng với đó, rất nhiều công ty chứng khoán đưa ra những dự phóng lạc quan về giá cổ phiếu FRT trong năm nay.

Guotai Junan Việt Nam đánh giá triển vọng tăng trưởng của FRT tiếp tục tích cực trong trung và dài hạn, chủ yếu đến từ hệ sinh thái dược phẩm và y tế đang được mở rộng. Công ty đặt mục tiêu mở trung bình 300 nhà thuốc Long Châu mỗi năm trong 3 năm tới, bên cạnh việc phát triển bán hàng online và dịch vụ tiêm chủng.

Dự báo cho năm 2025, FRT sẽ đạt doanh thu 43.410 tỷ đồng, tăng 7,8% so với 2024; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.102 tỷ đồng, tăng 101%. Trong bối cảnh thị trường ICT chững lại, FRT vẫn duy trì chiến lược giữ vững mảng FPT Shop ở quy mô hợp lý, đồng thời ưu tiên nguồn lực cho mảng chăm sóc sức khỏe.

Dựa trên phương pháp định giá P/S, giá mục tiêu cho cổ phiếu FRT là 191.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời kỳ vọng 13,8% so với giá đóng cửa ngày 29/4/2025. Do đó, cổ phiếu FRT được khuyến nghị “tích lũy” trong danh mục đầu tư trung hạn, nhất là với nhà đầu tư quan tâm tới nhóm ngành phòng thủ và hưởng lợi từ tiêu dùng y tế.

Tương tự, Chứng khoán KBSV nêu rõ với triển vọng tăng trưởng tích cực của chuỗi nhà thuốc Long Châu cùng tham vọng mở rộng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe, KBSV khuyến nghị “mua” cổ phiếu FRT cho năm 2025 với giá mục tiêu 218.200 đồng/cổ phiếu, tăng 21,5% so với giá ngày 4/3/2025.

Một công ty chứng khoán khác là Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng khuyến nghị đối với cổ phiếu này với giá kỳ vọng 203.800 đồng/cổ phiếu ở thời điểm cuối năm. Ngoài kết quả kinh doanh được dự phóng tăng trưởng mạnh, BVSC cho rằng trong ngắn hạn thương vụ bán vốn tại Long Châu hoàn thành sẽ góp phần hỗ trợ cổ phiếu FRT.

Về phía MWG, Chứng khoán SSI cho rằng, với kết quả kinh doanh mảng sản phẩm công nghệ và điện máy tốt hơn dự kiến và tốc độ mở cửa hàng Bách Hóa Xanh nhanh chóng trong quý 1/2025, ước tính lợi nhuận ròng năm 2025 lên 5,56 nghìn tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.

Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 đến từ chu kỳ thay mới điện thoại cùng với áp lực cạnh tranh suy giảm từ các đối thủ thương mại điện tử khi người bán có thể nâng giá bán cho người tiêu dùng cuối sau khi bị sàn tăng phí gần đây; mở rộng mạng lưới cửa hàng và cải thiện biên lợi nhuận chuỗi cửa hàng bách hóa; không phát sinh chi phí bất thường; chuỗi sản phẩm công nghệ và điện máy tại Indonesia, chuỗi nhà thuốc và chuỗi mẹ và bé đều ghi nhận kết quả hoạt động tốt hơn. Với lợi nhuận điều chỉnh, SSI nâng giá mục tiêu 1 năm lên 74.000 đồng/cổ phiếu, và duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG.

Trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, DGW chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại thị trường nội địa, thông qua hệ thống bán lẻ trong nước, chứ không trực tiếp sản xuất hay xuất khẩu sang Mỹ. Vì vậy, công ty không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp thuế quan đáp trả từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, công ty vẫn có thể chịu tác động gián tiếp nếu thuế quan làm tăng giá bán lẻ, từ đó ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm kinh doanh của DGW có tỷ trọng lớn đến từ nguồn hàng nhập khẩu từ châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc, nên vẫn hạn chế phần nào tác động từ thuế quan của Mỹ.

DGW đang nắm bắt cơ hội từ xu hướng tiêu dùng thiết bị công nghệ cao cấp tích hợp 5G và AI. Các dòng sản phẩm như thiết bị gia dụng và thiết bị văn phòng được kỳ vọng tăng trưởng lần lượt 38% và 25% trong năm 2025. Với đà tăng này, nhóm sản phẩm ngoài ICT được kỳ vọng sẽ nâng tỷ trọng đóng góp từ 28% trong năm 2024 lên 31% trong tổng doanh thu năm 2025.

Tổng doanh thu năm 2025 của DGW theo dự phóng có thể đạt 25.164 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 529 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.

Thúy An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cuoc-dua-tam-ma-nganh-ban-le-frt-mwg-dgw-ai-dang-dan-dau-post559812.html