Cuộc đua thu hút sinh viên quốc tế

Thu hút sinh viên quốc tế là vấn đề mà ngành Giáo dục nhiều nước quan tâm, đặc biệt là các nước có tỷ lệ dân số già và thiếu nhân lực cao.

Sinh viên quốc tế góp phần tạo nên sự đa dạng trong môi trường học thuật.

Sinh viên quốc tế góp phần tạo nên sự đa dạng trong môi trường học thuật.

Thu hút sinh viên quốc tế là vấn đề mà ngành Giáo dục nhiều nước quan tâm, đặc biệt là các nước có tỷ lệ dân số già và thiếu nhân lực cao như Nhật Bản, Hàn Quốc... Sinh viên quốc tế mang lại sự đa dạng nhưng cũng có thể làm suy giảm chất lượng giáo dục nếu chính phủ các nước không có chính sách phù hợp.

Giải quyết bài toán tuyển sinh giảm

Kinh tế châu Á bắt đầu bùng nổ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, mở đầu bằng sự phát triển của Nhật Bản và theo sau đó là sự trỗi dậy của bốn con rồng châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông) từ những năm 1960 đến 1990.

Trung Quốc phát triển thành siêu cường thế giới ngay sau đó. Trong giai đoạn này, lĩnh vực giáo dục đại học tại các quốc gia Đông Á đã mở rộng cả về chất lượng lẫn số lượng.

Kết quả của sự phát triển nhanh chóng có thể nhận thấy trong các bảng xếp hạng đại học thế giới. Đơn cử, theo Bảng xếp hạng Đại học châu Á của tổ chức giáo dục THE năm 2020, 24 vị trí đầu bảng thuộc về Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore.

Tuy nhiên, từ những năm 1990, dân số trong độ tuổi đại học tại các nước trên bắt đầu giảm mạnh. Riêng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các chuyên gia nhìn nhận tỷ lệ thanh thiếu niên giảm có thể gây tổn thất hàng triệu USD vào năm 2025. Nhiều trường đại học, cao đẳng ở hai quốc gia này đã, đang và sẽ đóng cửa hoặc tái cơ cấu thông qua sáp nhập.

Vì lĩnh vực giáo dục đại học không thể can thiệp vào chính sách dân số hoặc tỷ lệ sinh nên họ phải tìm các giải pháp khác để đối phó với tình trạng thanh thiếu niên giảm. Việc thu hút sinh viên quốc tế là cơ hội lớn nhất và được nhiều quốc gia áp dụng.

Tại Hàn Quốc, hôm 16/8, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố kế hoạch 5 năm nhằm thu hút 300 nghìn sinh viên quốc tế để giải quyết tình trạng giảm dân số trong độ tuổi đi học và tăng cường khả năng cạnh tranh của các trường đại học địa phương.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cân nhắc thay đổi điều kiện về chứng chỉ tiếng Hàn đối với sinh viên quốc tế năm nhất. Cùng với đó, Bộ sẽ xây dựng bài thi đánh giá năng lực tiếng Hàn (Topik) trực tuyến để thúc đẩy sinh viên nước ngoài học và thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn.

Nước này cũng dự kiến tăng học bổng nhà nước cho sinh viên đến từ các quốc gia có nhu cầu hợp tác kinh tế cao. Cùng với đó, Chính phủ dự kiến giảm thời gian đăng ký thường trú nhân hoặc quốc tịch Hàn Quốc cho sinh viên quốc tế hệ thạc sĩ, tiến sĩ từ 6 năm xuống còn 3 năm. Bộ Giáo dục sẽ giúp những người này tìm việc làm ở các công ty tầm trung sau khi tốt nghiệp.

Về phía sinh viên bậc cử nhân, họ có thể làm việc 40 giờ/tuần thay vì 25 giờ/tuần như trước đây. Sinh viên nước ngoài có thể làm thêm bán thời gian tới 30 giờ/tuần.

Hôm 21/8, Hàn Quốc đã tổ chức hội chợ việc làm quy mô lớn tại Seoul để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm nhân tài, nhất là sinh viên quốc tế. Ước tính 382 công ty tham dự, là số lượng lớn nhất từng tham gia hội chợ việc làm tại Hàn Quốc. Sự kiện cũng thu hút đông đảo sinh viên quốc tế, những người muốn ở lại Hàn Quốc làm việc sau khi tốt nghiệp.

Trước động thái của Chính phủ, phản ứng của lĩnh vực giáo dục đại học và các doanh nghiệp địa phương là rất tích cực.

Ông Cho Hoon, Giám đốc văn phòng quốc tế của Hội đồng Giáo dục Đại học (KCCE), cho biết: “Kế hoạch thu hút sinh viên quốc tế đã tính đến vai trò của các trường đại học, cao đẳng và việc nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục. Chúng tôi kỳ vọng chính sách mới giúp các trường thu hút nhiều sinh viên quốc tế hơn”.

Sinh viên quốc tế học đại học tại Nhật Bản.

Sinh viên quốc tế học đại học tại Nhật Bản.

Góp phần tạo nên sự đa dạng

Tương tự Hàn Quốc, Bộ Giáo dục Nhật Bản dự đoán số lượng sinh viên vào đại học ở Nhật Bản năm 2050 là khoảng 490 nghìn người, ít hơn 130 nghìn người so với năm 2022. Tuyển sinh giảm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý của các trường đại học. Trong đó, các cơ sở giáo dục tư nhân bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vì học phí và lệ phí tuyển sinh chiếm tới 70% thu nhập của họ.

Hiện nay, một nửa trong số khoảng 600 trường đại học không hoạt động hết công suất và 1/3 trường nằm trong diện “đỏ”, tức có nguy cơ đóng cửa hoặc sáp nhập. Nhiều trường đã tính đến phương án đóng cửa vì tình hình hoạt động không khả quan.

Con số trên cảnh báo các trường đại học có thể phải đóng cửa nếu không thể lấp đầy chỉ tiêu bằng cách thu hút sinh viên nước ngoài, nhất là từ các nước châu Á. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã đặt mục tiêu thu hút 400 nghìn sinh viên nước ngoài đến Nhật Bản và 500 nghìn sinh viên Nhật Bản ra nước ngoài vào năm 2033.

Kế hoạch trên nhằm nâng cao chất lượng quốc tế hóa trong lĩnh vực giáo dục đại học, đồng thời, hỗ trợ các trường đại học nâng cao chỉ tiêu tuyển sinh, duy trì hoạt động.

Thu hút sinh viên quốc tế không chỉ giúp giải quyết bài toán suy giảm dân số cho các quốc gia Đông Á mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Chưa kể, các nghiên cứu cho thấy sinh viên quốc tế nâng cao tính đa dạng trong môi trường học thuật và nghiên cứu khoa học.

Sinh viên quốc tế cũng mang lại màu sắc, văn hóa, tư tưởng mới, từ đó, xây dựng các góc nhìn độc đáo, tăng cường hiểu biết toàn cầu cho các cá nhân chưa được tiếp xúc với các xã hội hay quan điểm khác nhau.

Điều này dẫn đến tư duy cởi mở hơn và giúp người dân của quốc gia sở tại nâng cao kiến thức, nhận thức về các nền văn hóa; từ đó, kích thích sự trao đổi và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, việc thu hút sinh viên quốc tế cũng đối mặt với nhiều vấn đề. Đầu tiên, có thể thấy để thu hút sinh viên quốc tế, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nới lỏng các quy định khá chặt chẽ về điều kiện nhập cảnh và du học. Trong đó, Hàn Quốc tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn dễ dàng hơn.

Như vậy, nhiều sinh viên quốc tế có thể chưa đạt đủ khả năng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh để giao tiếp cơ bản hoặc học tập tại các cơ sở giáo dục Hàn Quốc. Chưa kể, sinh viên quốc tế được tăng thời gian làm thêm nên có thể chểnh mảng học tập. Điều đó khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng chất lượng giáo dục sẽ suy giảm.

Chưa kể, sinh viên quốc tế sẽ cạnh tranh cao với sinh viên trong nước khiến cơ hội vào đại học của sinh viên trong nước thấp hơn. Sinh viên trong nước cũng có thể không được hưởng học bổng, chính sách ưu đãi hay trang thiết bị, cơ sở vật chất tương đương với sinh viên quốc tế nếu du học sinh đóng học phí cao hơn. Đây là tình trạng đã xảy ra ở những quốc gia phát triển giáo dục quốc tế như Mỹ, Anh...

Trong các quốc gia phát triển ở Đông Á, chỉ Trung Quốc đang ở vị trí thuận lợi về mặt nhân khẩu học. Nước này chưa rơi vào tình trạng tỷ lệ sinh giảm như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều khả năng trong tương lai, Trung Quốc sẽ đối diện với nguy cơ trên vì nhiều người trẻ có xu hướng ngại kết hôn, ngại sinh con hoặc chỉ sinh một con.

Nguyễn Minh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuoc-dua-thu-hut-sinh-vien-quoc-te-post654281.html