Cuộc gặp tại Stockholm liệu có mở đường cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung?
Khi các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Stockholm, Thụy Điển, các chuyên gia cho rằng hai bên gần như chắc chắn sẽ nhất trí giữ nguyên mức thuế hiện tại, đồng thời hướng đến một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay nhằm đạt được thỏa thuận thương mại lâu dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Stockholm, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong dự kiến tổ chức vòng đàm phán thứ ba trong năm nay, lần này tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển, gần bốn tháng sau khi ông Trump gây chấn động toàn cầu bằng đề xuất thuế quan sâu rộng, bao gồm thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc.
“Chúng ta đã có khuôn khổ thỏa thuận với Trung Quốc”, ông Trump nói hôm thứ Sáu trước khi rời Mỹ đến Scotland.
Ông Bessent cho biết trên kênh MSNBC hôm thứ Tư rằng sau hai vòng đàm phán tại Geneva (Thụy Sỹ) và London (Anh Quốc), hai nước đã đạt trạng thái “bình ổn”.
Mỹ duy đang trì mức thuế 30% với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc áp thuế 10% đáp trả, bên cạnh các mức thuế có từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
“Giờ đây, chúng ta có thể bắt đầu bàn sâu hơn về việc cân bằng lại quan hệ kinh tế song phương”, ông Bessent nói, đề cập đến mức thâm hụt thương mại 295,5 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc trong năm ngoái.
Mỹ muốn đạt thỏa thuận cho phép gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc và thúc đẩy nước này chuyển trọng tâm sang tiêu dùng nội địa.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết Bắc Kinh hy vọng “sẽ có thêm đồng thuận, hợp tác và ít hiểu lầm hơn” sau vòng đàm phán này.
Với mục tiêu hướng đến một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, cuộc gặp tại Stockholm có thể hé lộ phần nào thời gian và tính khả thi của mục tiêu đó.
“Cuộc gặp lần này sẽ rất quan trọng để tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh vào mùa thu”, Wendy Cutler, cựu quan chức đàm phán thương mại Mỹ, hiện là Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định.
“Bắc Kinh chắc chắn sẽ yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đồng ý gặp lãnh đạo cấp cao”, vị này nói thêm.
Theo bà Cutler, tại Stockholm, hai bên có thể tập trung vào việc thống nhất các tuyên bố thương mại sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh, cũng như giải quyết các "điểm nghẽn lớn", bao gồm tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc và việc nước này "kiểm soát lỏng lẻo" các hóa chất tiền chất fentanyl - những nội dung dự kiến cũng sẽ được nêu ra khi ông Tập và ông Trump gặp nhau.
Ông Sean Stein, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, nhận định Stockholm là cơ hội thực sự đầu tiên để hai bên bàn sâu về cải cách cấu trúc, trong đó có quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với các công ty Mỹ.
Giới doanh nghiệp chủ yếu sẽ theo dõi “bầu không khí” của đàm phán, cách mà hai bên mô tả tiến trình. Họ cũng sẽ tìm manh mối về hội nghị thượng đỉnh, bởi bất kỳ thỏa thuận thực chất nào cũng sẽ cần hai nhà lãnh đạo trực tiếp gặp nhau.
Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, Washington Sun Yun cho rằng, tại Stockholm, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ mức thuế 20% liên quan đến fentanyl mà ông Trump áp hồi đầu năm.
Cuộc đối đầu hiện tại bắt đầu từ tháng 2 khi ông Trump áp thuế 10% với hàng hóa Trung Quốc, cáo buộc nước này không kiểm soát được hóa chất tiền chất fentanyl. Tháng sau, ông tăng thêm 10% với lý do tương tự. Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế bổ sung với than đá, khí tự nhiên hóa lỏng và nông sản Mỹ như bò, gà, heo và đậu tương.
Tại Geneva, hai bên đã rút khỏi các mức thuế ba chữ số sau loạt thuế “Ngày Giải phóng” hồi tháng 4 của ông Trump, nhưng Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 20% liên quan tới fentanyl, bên cạnh thuế cơ bản 10%. Trung Quốc giữ nguyên mức thuế đáp trả 10%. Những mức thuế này không thay đổi khi hai bên gặp nhau tại London để đàm phán về các biện pháp phi thuế quan như kiểm soát xuất khẩu.
Chính phủ Trung Quốc từ lâu phản đối việc Mỹ đổ lỗi cho Bắc Kinh về khủng hoảng fentanyl, lập luận rằng gốc rễ vấn đề nằm ở chính nước Mỹ. Washington thì cho rằng Trung Quốc chưa đủ nỗ lực kiểm soát nguồn tiền chất gây nghiện rò rỉ ra thị trường quốc tế.
Tháng 7, Trung Quốc đã đưa hai hoạt chất tiền chất fentanyl vào diện kiểm soát chặt hơn, động thái được coi là đáp lại áp lực từ Mỹ và cho thấy thiện chí đàm phán.
Ông Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành tại hãng tư vấn Teneo, cho rằng khó có khả năng thuế sẽ được gỡ bỏ tại Stockholm, nhưng giảm thuế có thể là một phần trong thỏa thuận cuối cùng.
“Có thể ông Trump sẽ dỡ bỏ thuế 20% liên quan đến fentanyl, nhưng tôi dự đoán mức thuế cuối cùng đối với Trung Quốc sẽ ít nhất ở ngưỡng 15-20%, tương đương các thỏa thuận gần đây với Nhật, Indonesia”, Wildau nói.
Tình trạng dư cung công nghiệp của Trung Quốc gây đau đầu cho Mỹ không kém gì châu Âu. Bắc Kinh cũng thừa nhận vấn đề này, nhưng cho rằng không dễ xử lý.
Theo Cục Thống kê Mỹ, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm từ đỉnh 418 tỷ USD năm 2018, nhưng Trung Quốc vẫn đạt thặng dư gần 1.000 tỷ USD toàn cầu trong năm ngoái, lớn hơn cả tổng thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2024. Trung Quốc cũng nổi lên là nhà sản xuất xe điện và công nghệ mới, khiến nước này trở thành đối thủ chiến lược với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, ngày càng cảm nhận rõ sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc. Người Trung Quốc làm việc chăm chỉ, nhà máy chạy 24/7”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói khi tiếp bà Ursula von der Leyen tại Bắc Kinh.
“Đàm phán Stockholm sẽ hướng tới xây dựng một thỏa thuận thương mại dựa trên cam kết mua hàng và đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đổi lấy việc Mỹ giảm thuế và nới lỏng kiểm soát xuất khẩu”, Wildau nhận định. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng một thỏa thuận toàn diện.
“Tôi nghiêng về khả năng có một thỏa thuận giới hạn, tập trung vào fentanyl. Đây có lẽ là kết quả mà phe "diều hâu" trong chính quyền ông Trump ưa thích, vì họ lo ông Trump sẽ nhượng bộ quá nhiều với ông Tập”, ông nói.