Cuộc gọi lúc nửa đêm và những người muốn bịt miệng truyền thông

Gặp khủng hoảng, doanh nghiệp đều muốn 'bịt miệng truyền thông'. Song đó không phải là lựa chọn đúng.

 Tác giả Lê Quốc Vinh (người đồng sáng lập LeBros) chia sẻ tại lễ ra mắt. Ảnh: Đức Huy.

Tác giả Lê Quốc Vinh (người đồng sáng lập LeBros) chia sẻ tại lễ ra mắt. Ảnh: Đức Huy.

“Hiện nay chỉ có hai loại doanh nghiệp, doanh nghiệp đã gặp khủng hoảng và doanh nghiệp sẽ gặp khủng hoảng”, ông Nguyễn Đình Thành, người đồng sáng lập Elite PR School chia sẻ tại sự kiện ta mắt cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông.

Nhận định của ông Thành cho thấy các doanh nghiệp hiện nay dù lớn hay nhỏ cũng phải đối mặt với các khủng hoảng và những người lãnh đạo cần có tầm nhìn, chiếc lược để xử lý chúng.

Khủng hoảng từ trong nội tại

Mở đầu cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông, tác giả Lê Quốc Vinh đã chia sẻ về cuộc gọi lúc 11h đêm. Một lãnh đạo doanh nghiệp sợ hãi gọi điện ra lệnh cho người sáng lập Le Bros cử người đến doanh nghiệp để không cho một cơ quan truyền thông nào khác tiếp cận.

Đối với ông Lê Quốc Vinh, những cuộc gọi như này là chuyện cơm bữa bởi là một chuyên gia ông hiểu rằng rơi vào khủng hoảng, việc sợ hãi là một cảm xúc tất yếu.

Chính từ những cuộc gọi đó và quá trình gắn bó với các doanh nghiệp, ông Lê Quốc Vinh mới nhận ra bản chất của cuộc khủng hoảng không xuất phát từ những câu chuyện truyền thông. Nó cũng có thể đến từ trong chính doanh nghiệp.

“Khủng hoảng dễ đến nhất khi doanh nghiệp coi trọng lợi ích của họ hơn khách hàng. Khủng hoảng tiếp theo là việc thiếu minh bạch trong truyền thông, thông tin, lãnh đạo muốn giấu thông tin với nhân viên. Điều này dẫn tới việc nhân viên không biết điều gì đang xảy ra, trốn tránh truyền thông, lãnh đạo tổ chức khi truyền thông hỏi về sự cố không dám đối diện. Vì vậy thông tin tiếp tục đồn thổi, nhiều thuyết âm mưu, tin giả”, ông Lê Quốc Vinh chia sẻ tại lễ ra mắt sách.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Thành cũng nói thêm rằng một bộ phận doanh nghiệp hiện nay vẫn nghĩ rằng xử lý khủng hoảng truyền thông là phải bịt miệng truyền thông. Điều này có thể gây ra phản tác dụng, chính các doanh nghiệp đó sẽ làm mất niềm tin của cộng đồng.

Những phương pháp xử lý khủng hoảng bằng cách ngăn chặn thông tin tiêu cực xuất hiện trên báo chí và truyền thông, không những không mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp. Nguyên nhân cơ bản của sai lầm này đến từ nhận thức sai lệch về PR - quan hệ công chúng, với tư duy rằng PR là tạo ra vầng hào quang lấp lánh cho doanh nghiệp và cá nhân trên các phương tiện truyền thông, trong khi bản chất của nó chính là quản trị mối quan hệ tích cực giữa thương hiệu và các nhóm đối tượng liên quan.

Trong cuộc thảo luận, hai chuyên gia đều nhận định rằng nguyên nhân sâu xa của các cuộc khủng hoảng truyền thông doanh nghiệp phải đối mặt đến từ chiến lược quản trị, triết lý kinh doanh. Nếu không điều chỉnh được những điều này, doanh nghiệp sẽ gặp đi gặp lại những cuộc khủng hoảng có tính chất tương tự nhau và thậm chí mức độ nghiêm trọng còn tăng lên.

“Hãy trở thành doanh nghiệp được mọi người yêu thích, tạo thiện cảm nhiều hơn với cộng đồng, điều này tạo nên cho tâm lý thấu cảm ở người tiêu dùng, khi doanh nghiệp mắc phải những lỗi nhỏ, họ có thể bỏ qua và tiếp tục ủng hộ, gắn bó”, ông Lê Quốc Vinh nói.

Bí mật người xử lý khủng hoảng

Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Đình Thành, xử lý khủng hoảng truyền thông là một công việc đặc biệt bởi họ luôn phải đối diện với những mặt trái của xã hội, tiếp xúc với những thứ tiêu cực. Để có thể bám trụ với nghề, họ cần phải là một người có bản lĩnh, vững vàng trước các thử thách.

Về ý kiến trên, ông Lê Quốc Vinh thừa nhận rằng đây không phải là một công việc dễ dàng gì. Nhưng điều quan trọng mà mọi người xử lý khủng hoảng truyền thông cần phải hiểu là luôn bình tĩnh. Điều này ông đã học được sau những cuộc gọi lúc nửa đêm được đề cập trong phần đầu cuốn sách.

Tác giả Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông cũng cho rằng sự bình tĩnh, tỉnh táo giúp bản thân thoát khỏi các cuộc tranh cãi không có kết quả và tập trung xác định đối tượng mình cần trao đổi.

 Cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông. Ảnh: LeBros.

Cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông. Ảnh: LeBros.

Về vai trò của người làm truyền thông, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh mục tiêu tối thượng của những người xử lý khủng hoảng truyền thông là mang đến cho báo chí những thông tin trung thực nhất, đúng đắn nhất để có cái nhìn đa chiều và khách quan.

“Người làm truyền thông cũng như luật sư vậy. Công việc của anh ta không phải là biến không thành có, đổi trắng thay đen, mà là giúp cho những người cầm cân nảy mực có đầy đủ thông tin khách quan nhất để đưa ra kết luận cuối cùng, không làm trầm trọng hơn thực tế lỗi của doanh nghiệp, càng không thể để doanh nghiệp bị hàm oan vì những cáo buộc không đúng”, ông Lê Quốc Vinh tâm sự.

Về cuốn sách mới ra mắt, ông Vinh còn cho biết hiện phía công ty RIO Book đã áp dụng hình thức làm sách mới thay vì truyền thống như một số nhà xuất bản. Cụ thể, mỗi tuần các biên tập viên của RIO Book đều đến và trò chuyện với ông Lê Quốc Vinh trong khoảng 2-3 tiếng, sau đó chuyển thành văn bản và để tác giả duyệt lại. Quy trình này khác với truyền thống rằng tác giả phải viết xong mới gửi tới các nhà xuất bản.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/khung-hoang-truyen-thong-cua-doanh-nghiep-bat-nguon-tu-dau-post1482349.html