Cuộc gọi Việt - Mỹ dưới ánh sáng Từ bi và Trí tuệ
Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ cho thấy cách hành xử mang đậm tinh thần Việt Nam: bình tĩnh, kiên trì, đối thoại, nhẫn nại hướng đến lợi ích chung của hai dân tộc trên tinh thần lợi hòa đồng quân.
Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào những ngày đầu tháng Tư không chỉ gây chú ý với giới quan sát chính trị, mà còn lay động lòng người dân, thu hút sự quan tâm sát sao của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Giữa những khác biệt về chính sách thuế và tiêu chuẩn thương mại, hai quốc gia vẫn nỗ lực tìm điểm chung - bằng thiện chí và trí tuệ đối thoại.
Hành động trực tiếp đối thoại thể hiện rõ tinh thần chủ động, quyết liệt nhưng đầy nhân văn và xây dựng lòng tin của lãnh đạo Việt Nam.

Ảnh: Internet
Đây không đơn thuần là một sự kiện chính trị - ngoại giao, mà còn là biểu hiện sinh động của trí tuệ và từ bi trong cách hành xử vì sự phát triển lợi ích hài hòa, tương hỗ giữa hai nền kinh tế. Với ánh sáng Phật giáo soi chiếu, ta có thể thấy được sự gần gũi giữa đạo lý và chính trị, giữa tâm và thế giới, như có câu Kinh từng nêu: “Tâm bình thì thế giới bình” và "Tâm an thì thế giới An".
Trí tuệ biện tài: Ứng xử hạnh Bồ Tát giữa thời toàn cầu hóa
Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, hình ảnh Bồ Tát Văn Thù được tôn kính là hiện thân của Trí tuệ siêu việt, đặc biệt là khả năng “biện tài vô ngại” - đối đáp, thương lượng, phân tích sáng suốt và khéo léo. Khi đối mặt với những xung đột lợi ích giữa các quốc gia, điều cần thiết không phải là sức mạnh chính trị hay quân sự, mà chính là nội lực trí tuệ, tâm tĩnh lặng và tầm “nhìn xa, nhìn thấu, nhìn rộng”.
Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Việt Nam với nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn như Donald Trump đã mở ra một lối đi: đối thoại trực tiếp thay vì đàm phán qua trung gian, tìm kiếm sự đồng thuận thay vì tranh chấp.
Trong Phật giáo, đó chính là “phương tiện thiện xảo”, không cứng nhắc giáo điều, mà linh hoạt, mềm dẻo, đầy tính thuyết phục nhờ vào sự chân thành.
Đây cũng là bài học thiết thực cho giới trẻ, đặc biệt là những người đang làm sáng tạo nội dung, truyền thông hay kinh doanh: Đối thoại bằng trí tuệ là con đường lâu dài, là biểu hiện của tâm biết mình, hiểu người.
Hành xử không vị kỷ, lợi mình - lợi người

Hình minh họa được tạo bởi AI.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật từng giảng về bốn hạng người: người chỉ lo lợi mình, người chỉ lo lợi người, người không lo ai cả và người biết lợi mình, lợi người, lợi cả hai - đó mới là người cao quý.
Thương mại quốc tế, nếu chỉ đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu mà bỏ qua tổn thất của đối tác bang giao, thì mối quan hệ đó khó có thể bền vững. Nhưng nếu cả hai bên cùng mở lòng, chia sẻ cùng phát triển, thì mối quan hệ bình đẳng, hợp tác win-win sẽ hình thành.
Điều này rất gần với tinh thần “hỷ xả” trong Phật giáo, sẵn sàng buông bỏ quyền lợi ngắn hạn để xây dựng hòa khí lâu bền.
Việc Hoa Kỳ đề xuất từng bước xem xét giảm hoặc gỡ bỏ thuế quan với một số mặt hàng Việt Nam không chỉ là giải pháp kỹ thuật *, mà còn mang thể hiện sự thấu cảm và tôn trọng.
Từ bi trong kinh tế không phải là nhân nhượng yếu mềm, mà là sự trân trọng công sức - sinh kế - nỗ lực của nhau.
Đối thoại thay vì đối đầu: Hành trì vô tránh tam muội
Trong Kinh Pháp Hoa và các bản kinh thiền, có thuật ngữ “vô tránh tam muội” - trạng thái thiền định không tranh đấu, không đối đầu, không thù hằn. Đó là tâm thế của người có trí tuệ: biết kiên nhẫn, biết nhường bước khi cần, biết chọn thời điểm để nói chính ngữ.
Từ bối cảnh chính trị quốc tế dễ gây chia rẽ, sự chủ động và mềm mỏng của lãnh đạo Việt Nam đã góp phần duy trì thế cân bằng, tránh những diễn biến gay gắt, đồng thời giữ thể diện và lợi ích cho cả hai bên.
Nhà chính trị thì không thể là một vị Bồ tát hiểu theo nghĩa tu hành của đạo Phật nhưng ai ai cũng có thể thực hành hạnh Bồ tát, dù là người công nhân, doanh nhân hay một nghệ sĩ. Nhà chính trị biết thực hành hạnh Bồ tát vì lợi lạc của số đông thì nhà chính trị đó được nhân dân tin yêu, gửi gắm niềm tin.
Chính trị và Tu hành giác ngộ là hai lĩnh vực khác nhau nhưng hình ảnh nhà chính trị biết ứng xử vì quyền lợi tối cao của dân tộc gần gũi với hình ảnh người hành trì phật pháp: biết giữ giới, biết tĩnh tâm giữa muôn trùng tranh chấp, giữ được từ bi giữa giông bão cuộc đời.
Với những người làm truyền thông, sáng tạo hay lãnh đạo doanh nghiệp, đây cũng là bài học quan trọng: Lắng nghe và hạ giọng đúng lúc có thể còn mạnh hơn tranh biện và áp đảo bằng sức mạnh của vật chất và quyền lực.
Một hạt cát, cả thế giới: Kinh tế là pháp duyên, chính trị là nhân quả

Hình minh họa được tạo bởi AI.
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật giảng rằng: “Một hạt bụi cũng có thể chứa Tam thiên Đại thiên thế giới.”
Một hành động, một lời nói, một chính sách tưởng như nhỏ, nhưng có thể lan tỏa ảnh hưởng đến hàng triệu triệu người.
Một cuộc điện đàm hôm nay có thể làm thay đổi dòng chảy hàng hóa, giá cả, đầu tư, việc làm và thậm chí là an sinh của biết bao con người ở hai quốc gia và nhiều quốc gia.
Chính vì vậy, những người ở vị trí quyền lực càng cần có chính niệm trong tư duy, lời nói và hành động. Quan hệ quốc tế không chỉ là chuyện của nghị trường, mà là những pháp duyên sâu xa kết nối giữa quốc gia và cộng đồng toàn cầu.
Chính trị, nhìn dưới ánh sáng phật pháp, không tách rời đạo đức và tâm linh.
Mỗi quyết định đều là nhân, mỗi thành tựu đều là quả. Điều quan trọng là người lãnh đạo phải gieo đúng nhân để gặt được quả tốt cho dân, cho nước và cho thế giới.
“Tâm bình thế giới bình” - lời nhắn gửi trong thời đại bất an

Hình minh họa được tạo bởi AI.
Thế giới hôm nay không thiếu khủng hoảng: từ chiến tranh, xung đột lợi ích, khủng hoảng môi trường đến chia rẽ lòng người trên mạng xã hội. Trong hoàn cảnh ấy, hành động mang tính xây dựng, cuộc đối thoại chân thành, mỗi sự buông bỏ cố chấp để tiến về phía nhau… đều là thực hành phật pháp giữa đời sống hiện đại.
Câu nói “Tâm bình thì thế giới bình” không chỉ là triết lý Thiền học, mà còn là định hướng sống cho từng người, từng quốc gia, từng thế hệ.
Khi lãnh đạo biết giữ tâm ổn định, quyết đoán mà không sân hận, mềm mỏng mà không nhu nhược, thì đó là trí tuệ hành động và thực hành hạnh của một vị Bồ Tát trong lĩnh vực mà người đó đang đảm nhiệm.
Một cuộc điện đàm, nhiều bài học
Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ cho thấy cách hành xử mang đậm tinh thần Việt Nam: bình tĩnh, kiên trì, đối thoại, nhẫn nại hướng đến lợi ích chung của hai dân tộc trên tinh thần lợi hòa đồng quân.
Qua lăng kính Phật giáo, đó là sự hội tụ của:
+ Từ bi:vì lợi ích đôi bên
+ Trí tuệ: biết lúc nào cần nói và nói điều gì
+ Vô tránh: không tranh cãi, không hiếu thắng, mà chọn con đường hài hòa.
Đối thoại Việt - Mỹ trong bối cảnh hiện nay không chỉ là ngoại giao, mà còn là hình ảnh đẹp về Từ bi và Trí tuệ được hiện thực hóa trong đời sống chính trị. Bài học từ đó không chỉ dành cho các nhà lãnh đạo, mà còn dành cho mỗi người đang sống giữa thời đại kết nối toàn cầu:
Muốn thế giới bình an - hãy khởi đầu và đón nhận bằng tâm bình an.
Muốn hiểu người - hãy học cách đối thoại từ trái tim.
Tác giả: Thường Nguyên
Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả.
* Kỹ thuật ở đây, là khái niệm “hàng rào kỹ thuật trong thương mại” - Technical Barriers to Trade: Là những tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, vệ sinh… mà một nước đặt ra để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu. Dù không phải là thuế, nhưng chúng có thể gây khó khăn tương đương hoặc hơn cả thuế với hàng hóa của đối tác.