Cuộc hội ngộ ấm tình của học sinh miền Nam trên đất Bắc

Họp mặt kỷ niệm 70 năm thầy, trò học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên trên đất Bắc vừa diễn ra ấm áp, đầy xúc động tại TP Tuy Hòa. Những người thầy, người cô, học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên trên đất Bắc năm nào, nay đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tề tựu đông đủ trong ngày họp mặt, cùng ôn lại những năm tháng học tập trên đất Bắc với niềm tự hào: những hạt giống đỏ của cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã gieo trồng.

Các đồng chí: Nguyễn Đình Phúc, Đào Mỹ và Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa tặng hoa và quà cho thầy cô giáo dạy học sinh miền Nam ở các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Ảnh: HÀ MY

Các đồng chí: Nguyễn Đình Phúc, Đào Mỹ và Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa tặng hoa và quà cho thầy cô giáo dạy học sinh miền Nam ở các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Ảnh: HÀ MY

Những năm tháng không quên

Năm 1969, theo chủ trương của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô bé Nguyễn Thị Kim Liên (13 tuổi, quê Tuy Hòa) và một số bạn học được đưa ra miền Bắc học trường học sinh miền Nam. Theo chân bộ đội tập kết, vượt dãy Trường Sơn, Liên và các bạn đi bộ ròng rã suốt 6 tháng trời trong mưa bom bão đạn mới đến được Cửa Hội (Nghệ An), sau đó, sắp xếp ăn ở trong các gia đình người dân miền Bắc một thời gian rồi được phân đi các nơi học tập. 6 năm sống và học tập tại các trường miền Nam trên đất Bắc, nữ sinh Liên và hàng ngàn học sinh trường miền Nam được Nhân dân đón tiếp, bao bọc, nuôi dạy như con em.

“Khi ấy nghèo lắm, nhưng đồng bào miền Bắc vẫn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh miền Nam chúng tôi. Do chưa quen khí hậu mùa đông lạnh giá, tôi và một số bạn bị ốm, các bác chủ nhà lại lót ổ rơm dưới manh chiếu mỏng để chúng tôi nằm cho ấm. Mùa hè nóng bức đi gặt lúa, tăng gia sản xuất cùng Nhân dân, bữa cơm quây quần, chủ nhà lại ngồi quạt mát cho các trò ăn xong rồi mình mới dùng bữa. Ngày ấy, học sinh có câu cửa miệng “ngày Bắc đêm Nam”, ban ngày, chúng tôi học tập, vui chơi, sinh hoạt bình thường, nhưng đêm về, nhiều bạn khóc ướt gối vì nhớ ba mẹ, thương quê hương, xóm làng bị giặc giày xéo”, bà Liên nhớ lại.

Năm 1975, sau giải phóng, bà Liên và học sinh trường miền Nam được về lại quê hương, mỗi người một nơi. Thời đó, liên lạc còn khó khăn, nên bà và học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên trên đất Bắc mất kết nối với nhau. 20 năm sau, Ban liên lạc (BLL) Học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên lần đầu tổ chức gặp mặt tại Tuy Hòa, mọi người mới có dịp gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, ôm nhau mà khóc.

Trong hơn 32.000 học sinh miền Nam ra Bắc học tập thời đó, nhiều người trưởng thành từ những trường học sinh miền Nam đã quay về, trở thành thầy giáo dạy những học sinh miền Nam thế hệ sau. Ông Lâm Văn Hiệp (84 tuổi, phường 5, TP Tuy Hòa) là một trong số học sinh ra Bắc sớm vào đầu năm 1954, học trường miền Nam số 19 tại nhà dân ở Sơn Tây. Sau đó, ông tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Vinh năm 1965 rồi về dạy tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình, nơi có nhiều học sinh miền Nam theo học. Đến năm 1975, miền Nam được giải phóng hoàn toàn, ông về lại quê hương Phú Yên, tiếp tục nghề dạy học tại Trường THPT Ngô Gia Tự.

Ông Hiệp chia sẻ: “Hơn 32.000 học sinh được sinh ra ở miền Nam, nhưng lớn lên trong sự đùm bọc của Nhân dân miền Bắc để trưởng thành, về xây dựng lại miền Nam. Khoảng thời gian học tập và giảng dạy tại các trường miền Nam trên đất Bắc là những năm tháng khó khăn vô cùng, nhưng lại rất đáng nhớ. Các thế hệ học sinh miền Nam dù ở đâu, trên cương vị nào cũng không bao giờ quên công ơn của Đảng, Bác Hồ, thầy cô giáo, các chú nuôi và đồng bào miền Bắc dành cho các thế hệ học trò miền Nam chúng tôi”.

Các học sinh miền Nam trên đất Bắc tỉnh Phú Yên mừng vui trong ngày hội ngộ. Ảnh: HÀ MY

Các học sinh miền Nam trên đất Bắc tỉnh Phú Yên mừng vui trong ngày hội ngộ. Ảnh: HÀ MY

Phát huy truyền thống hạt giống đỏ

Cứ 2 năm một lần, BLL Học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức họp mặt truyền thống thầy, trò học sinh miền Nam trên đất Bắc tỉnh Phú Yên để ôn lại truyền thống hiếu học, tình nghĩa thầy trò; đồng thời thăm hỏi, động viên nhau phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với trọng trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Chương trình họp mặt không chỉ là ngày hội để thầy cô giáo, học sinh miền Nam trên đất Bắc tỉnh Phú Yên tề tựu ôn lại những năm tháng không bao giờ quên, mà còn là dịp để học sinh miền Nam trên đất Bắc các tỉnh bạn có cơ hội kết nối, tìm lại những người bạn học ở Phú Yên một thời Bắc tiến.

Từ TP Quy Nhơn, ông Nguyễn Anh Phong (73 tuổi) cùng 3 người bạn là học sinh miền Nam trên đất Bắc tỉnh Bình Định đi xe ô tô vào Phú Yên để tham dự chương trình Họp mặt kỷ niệm 70 năm thầy, trò học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên trên đất Bắc. Mặc dù vận động khó khăn, phải dùng đến nạng gỗ, nhưng ông Phong vẫn quyết tâm tham gia chương trình này để gặp lại những người bạn quê Phú Yên một thời từng ra Bắc học chung tại các trường miền Nam trên đất Bắc.

Ông Phong chia sẻ: Đây là năm thứ ba tôi tham gia chương trình họp mặt thầy, trò học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên trên đất Bắc. Tôi đánh giá rất cao BLL Học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên, lãnh đạo địa phương vì đã duy trì tổ chức chương trình này từ nhiều năm qua, trở thành hoạt động truyền thống của học sinh miền Nam trên đất Bắc tỉnh Phú Yên.

Từ TP Đà Nẵng, ông Võ Văn Dương vào Phú Yên tham dự chương trình họp mặt thầy, trò học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên trên đất Bắc với mong muốn tìm một người bạn cùng học tại trường với ông từ năm 1973 đã mất liên lạc 50 năm qua. Và ông Dương đã may mắn tìm được người bạn của mình. Phát biểu trong chương trình họp mặt, ông Dương xúc động đọc bài thơ Nhớ học sinh miền Nam do ông sáng tác: Trẻ miền Nam gặp nhau/ Sum vầy trên đất Bắc/ Anh em kề nhau học/ Chia nhau từng mất mát/ Tìm hơi ấm mùa đông…

Đồng chí Nguyễn Đình Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng BLL Học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên cho biết: Hiện nay, BLL Học sinh miền Nam tỉnh Phú Yên đã thiết lập và củng cố 10 BLL Học sinh miền Nam các huyện, thị, thành phố, khối các LLVT tỉnh và bộ phận thường trực phụ trách khối thầy cô. BLL cấp tỉnh và cấp huyện đã tổ chức các hoạt động hiếu hỷ, hỗ trợ thầy cô giáo, các chú nuôi, các bạn học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc gặp hoàn cảnh khó khăn; họp mặt 2 năm/lần để động viên, khích lệ nhau cùng phát huy truyền thống: “Người học sinh miền Nam, hạt giống đỏ của Bác Hồ kính yêu”.

Cách đây đúng 70 năm, Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương lựa chọn một số con em cán bộ, chiến sĩ, gia đình cách mạng ở miền Nam, trong đó có con em tỉnh Phú Yên đưa ra miền Bắc nuôi dạy, đào tạo, bồi dưỡng những hạt giống đỏ để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước sau này. Từ năm 1954-1975, hơn 32.000 học sinh miền Nam được học tập và trưởng thành ở 40 trường khác nhau trên đất Bắc và cả ở nước ngoài. Riêng ở Phú Yên, từ những năm 1960-1975, Tỉnh ủy đưa hàng ngàn thiếu niên ra miền Bắc đào tạo cùng với các anh chị tập kết năm 1954-1955, tạo nên một đội ngũ học sinh miền Nam quê Phú Yên rất lớn.

HÀ MY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/319453/cuoc-hoi-ngo-am-tinh-cua-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac.html