Cuộc hội ngộ của thẩm phán và nhân vật đặc biệt 'Chuyện Thế Nhân' trên VTV

Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về cuộc sống đời thường, nhân vật đặc biệt 'Chuyện Thế Nhân' trên VTV vừa có cuộc hội ngộ với Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa đã xét xử mình.

Bi kịch từ một quyết định sai lầm

Theo lời Thẩm phán Nguyễn Hữu Tuyến, chuyện của Phạm Thế Nhân là những bi kịch, hệ lụy bắt nguồn từ một quyết định sai lầm khiến cuộc sống của anh, vợ, con trở nên bấp bênh, tay trắng, đặc biệt là phải đối mặt với án phạt tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Trở về cuộc sống đời thường, Phạm Thế Nhân vẫn theo nghề biển, lúc nhàn rỗi đi vá lưới để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trở về cuộc sống đời thường, Phạm Thế Nhân vẫn theo nghề biển, lúc nhàn rỗi đi vá lưới để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nguồn cơn của sự việc bắt nguồn từ “sự cố Formosa” năm 2014, khiến Nhân cùng nhiều ngư dân miền biển Quảng Bình rơi vào tình cảnh đánh bắt cá về mà không tiêu thụ được, dẫn đến không đủ tiền trả cho bạn thuyền, nợ nần chồng chất. Đến năm 2018 thì gần như phá sản. Lúc này, Nhân và một số bạn bè nghĩ quẩn nên làm liều, tìm cách vượt biên sang Australia.

Theo đó, Nhân cùng 16 người khác bàn bạc tìm cách vượt biên trái phép bằng đường biển để tìm đến miền đất hứa, với mong muốn đổi đời.

Tuy nhiên, khi vừa đến biên giới Australia, Phạm Thế Nhân bị bắt cùng những người vượt biên khác rồi được trao trả về Việt Nam.

Từ đây, cuộc sống của Phạm Thế Nhân rẽ sang một trang mới, phải bán nhà đất của mình đang ở để trả nợ ngân hàng và đối mặt với tù tội.

Sau khi bán nhà để trả nợ, vợ chồng Nhân thuê quán nhỏ này để buôn bán và tá túc qua ngày.

Sau khi bán nhà để trả nợ, vợ chồng Nhân thuê quán nhỏ này để buôn bán và tá túc qua ngày.

Trả giá cho quyết định sai lầm

Sau 2 lần hoãn phiên tòa, đến tháng 11/2019, vụ án được đưa ra xét xử công khai, TAND tỉnh Quảng Bình tuyên phạt Phạm Thế Nhân 4,6 năm tù. Sau đó, TANDTC tại TP Đà Nẵng giảm xuống còn 4 năm tù.

Sau tất cả, mọi người vẫn đùm bọc yêu thương Phạm Thế Nhân.

Sau tất cả, mọi người vẫn đùm bọc yêu thương Phạm Thế Nhân.

Sau hơn 2 năm cải tạo tốt, cùng với những chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, Phạm Thế Nhân được đặc xá dịp Quốc khánh 2/9/2022, ra tù trước thời hạn 23 tháng trở về cuộc sống đời thường.

Đến tháng 7/2024, Phạm Thế Nhân đã có cuộc hội ngộ với Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa xét xử mình và các đồng phạm.

Chia sẻ cảm xúc khi gặp lại người tuyên án mình, Nhân rất ân hận vì đã có lựa chọn sai lầm, dẫn đến những hệ lụy không chỉ cho bản thân mà cả những người thân trong gia đình. Nhân xem đây là bài học đắt giá, vì sự túng quẫn dẫn đến hành động sai lầm nên đã đánh đổi nhiều thứ quý giá trong cuộc sống. Đồng thời, Nhân cũng nhắn gửi gắm đến mọi người không nên đi theo vết xe đổ của mình, vì rất nguy hiểm đến tính mạng, rồi vướng tù tội, làm khổ cho người thân của mình.

Cuộc hội ngộ của Thẩm phán và nhân vật “Chuyện Thế Nhân” trên VTV

Gặp lại người mà mình tuyên án, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Tuyến tâm sự: Trong cuộc đời làm Thẩm phán, đã xét xử hàng trăm, hàng ngàn bị cáo, cũng có rất nhiều vụ án khó quên. Tuy nhiên, với vụ án này để lại nhiều cảm xúc, một phần cũng bởi Nhân là nhân vật chính trên VTV đặc biệt “Chuyện Thế Nhân” đã lấy nhiều nước mắt của người xem. Hơn nữa, trong nhóm bị cáo này, hầu hết đều họ đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết, lại muốn đổi đời nhanh nên đã dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Thẩm phán Nguyễn Hữu Tuyến, Chủ tọa phiên tòa tặng 5 triệu đồng cho nhân vật mà mình tuyên án tại cuộc hội ngộ.

Thẩm phán Nguyễn Hữu Tuyến, Chủ tọa phiên tòa tặng 5 triệu đồng cho nhân vật mà mình tuyên án tại cuộc hội ngộ.

Tại thời điểm đó, trên các phương tiện truyền thông và Chính phủ Australia cũng đưa ra các biện pháp cực kỳ nghiêm ngặt để ngăn chặn việc công dân nước ngoài nhập cảnh trái phép, nhưng nhóm bị cáo này do khó khăn túng quẫn, dẫn đến làm liều.

Từ một thuyền trưởng giỏi, tiêu biểu, nhận nhiều bằng khen của chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình, nhưng do khó khăn trong cuộc sống, Nhân đã hành động sai lầm rồi vướng vòng lao lý, phải bán đi tài sản để trả nợ. Đây thực sự là bài học cho nhiều người để ngẫm và suy nghỉ trước khi đưa ra quyết định về tương lai của mình.

“Riêng đối với các bị cáo khi đã bị xét xử, cố gắng cải tạo tốt để sớm được hoàn lương, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, Thẩm phán Nguyễn Hữu Tuyến mong muốn.

Thanh Lương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cuoc-hoi-ngo-cua-tham-phan-va-nhan-vat-dac-biet-chuyen-the-nhan-tren-vtv-442393.html