Cuộc họp công khai, dân chủ đầu tiên

Thế kỷ XIII, chủ động đối phó dã tâm của đế quốc Nguyên Mông, nhà Trần triệu tập tướng lĩnh cao cấp tham dự hội nghị đặc biệt, bàn định chiến lược, tìm kế sách cụ thể trong cuộc đọ sức không thể nào tránh khỏi với kẻ thù.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao giải tác phẩm đoạt giải báo chí Diên Hồng năm 2023

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao giải tác phẩm đoạt giải báo chí Diên Hồng năm 2023

Cuối năm Giáp Thân 1284, triều đình nhà Trần trân trọng mời các vị bô lão đại diện cho Nhân dân ở các làng xã về dự hội nghị đặc biệt tại cung điện Diên Hồng. Đây là cung điện trong Hoàng thành Thăng Long. Thượng hoàng Trần Thánh Tông và hoàng đế Trần Nhân Tông đích thân chủ trì hội nghị. Các vị bô lão nghe tin tức quân giặc áp sát biên giới nước ta, đề xuất ý kiến tại hội nghị này. Chủ đề của hội nghị là “đánh hay không đánh”, khi quân giặc đã vào bờ cõi nước ta. “Nếu chấp nhận hòa với giặc, nghĩa là mất tất cả, còn như toàn dân đồng lòng liều chết đánh, thì có thể giữ được tất cả. Như vậy, Đại Việt ta nên hòa hay nên đánh?” - nhà vua Trần Nhân Tông hỏi. Nghe chưa xong, các vị bô lão cùng hô vang một tiếng “đánh”, tiếng hô rung chuyển cả điện Diên Hồng.

Sử sách chép, tháng 12 cùng năm, thấy thế giặc rất mạnh, vua Trần Nhân Tông lại ướm hỏi vị tư lệnh chiến trường Trần Quốc Tuấn: “Thế giặc to như vậy, chống với chúng thì dân ta sẽ bị tàn sát, nhà cửa sẽ bị tan hại, hay là trẫm chịu hàng để cứu muôn dân?”. Lập tức, vị tư lệnh trả lời: “Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng tôn miếu, xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng giặc, trước hết xin hãy chém đầu thần đi rồi hãy ra hàng”. Sau câu nói như sắt đá, tướng sĩ, quân dân chung một ý chí quyết đánh. Trai tráng Đại Việt xăm hai chữ “sát thát” vào cánh tay, ùn ùn đầu quân ra trận.

Hiểu rõ được lòng dân, nhà Trần tự tin vạch ra kế sách chống giặc một cách chuẩn xác, hiệu quả. Trong đó, công lao ghi đầu phải nói đến nhân vật kiệt xuất - vua Trần Nhân Tông. “Khi làm vua, ông là minh đế, lúc cầm quân là danh tướng, đi tu ngài là Phật tổ, làm thơ ông là đại thi sĩ” - nhiều tài liệu chấm phá về bậc quân vương hiếm thấy của dân tộc. Cụ thể, thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến vệ quốc chống giặc Nguyên Mông năm 1285 gắn chặt với thành công của cuộc hội nghị lịch sử Diên Hồng đặc biệt, tuy còn phải thêm cuộc kháng chiến lần thứ 3 (từ tháng 12/1287 đến tháng 4/1288) mới toàn thắng sau trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. Sử chép lại mộc mạc lưu dấu: “Do muôn người hô một tiếng đồng lòng quyết đánh giặc. Kẻ thù phải bỏ chạy, không dám ngoái mặt nhìn lại...”.

Nhiều chuyên gia lịch sử khẳng định, triều đình Đại Việt đã thể hiện sự tôn trọng “dân quyền” thông qua cuộc thăm dò, lấy ý kiến bô lão - tầng lớp có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội thời đó. Bên cạnh đó, hội nghị đảm bảo sự công khai, dân chủ do nhà vua triệu tập, lắng nghe. Nhận được sự tôn trọng, lực lượng “lão quyền” đã thay thế cả chính quyền (nhà vua), xung kích trên mặt trận tuyên truyền, phổ biến đường lối và thực hiện chủ trương của bậc quân vương. Hội nghị giống như hội nghị của Nhân dân, nơi mà Nhân dân được đóng góp ý kiến vào vận mệnh tương lai của mình.

Thực tế chứng minh, 3 cuộc vệ quốc chống quân Nguyên Mông thắng lợi vang dội của nhà Trần là thắng lợi của toàn quân, toàn dân nhờ chính sách trọng dân, công khai, dân chủ của triều đình mà thể hiện đỉnh cao ở Hội nghị Diên Hồng. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, một lần nữa tinh thần của Hội nghị Diên Hồng lại được thể hiện tại Quốc dân đại hội (họp ở Tân Trào, Tuyên Quang). Đông đảo của đại biểu đến từ nhiều địa phương trong nước thống nhất ban hành Lệnh tổng khởi nghĩa, làm lễ xuất quân, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc trên cơ sở cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh, mục tiêu giành độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngày nay, mỗi lần giai điệu “toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến...” (Bài hát “Hội nghị Diên Hồng” của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) vang lên, người Việt Nam nhớ ngay Hội nghị Diên Hồng - cuộc “kêu gọi toàn dân đánh giặc” lần đầu tiên của dân tộc. Đây có thể nói là một sáng tạo rất độc đáo của nhà Trần, biểu thị ý thức tin tưởng vào sức mạnh, trí tuệ của toàn dân. Kể từ đó, hai chữ “Diên Hồng” trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí giữa Nhà nước với Nhân dân, mối quan hệ vua - tôi, trên - dưới. Hội nghị Diên Hồng xác định nhân tố cận dân, thân dân là bài học lớn nhất mà dân tộc ta đúc kết, là nguyên lý tạo nên sức mạnh toàn dân tộc, đẩy lùi mọi khó khăn, thử thách của lịch sử.

Hội nghị Diên Hồng của nhà Trần hơn 7 thế kỷ trước đã gần gũi với ý niệm dân chủ, về một Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” mà toàn dân ta đang thực hiện. Hội trường trung tâm dành tổ chức phiên họp toàn thể trong Nhà Quốc hội được đặt tên “Phòng họp Diên Hồng”; giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND gọi là “Giải Diên Hồng”. Hội nghị Diên Hồng sẽ mãi mãi ăn sâu trong tâm thức của người dân Việt Nam, là sức mạnh của truyền thống, gắn liền với mục tiêu phấn đấu cho nền dân chủ hiện đại.

NGUYỄN HẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cuoc-hop-cong-khai-dan-chu-dau-tien-a383408.html