Cuộc họp Nga-OSCE không đạt kết quả, các bên cảnh báo lẫn nhau

Ngày 13/1, cuộc họp giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Viên (Áo) đã kết thúc theo hướng mà cả hai bên đều bày tỏ thất vọng. Điều này cho thấy bất đồng khó có thể giải quyết giữa Nga và phương Tây trong những vấn đề mang tính then chốt.

Theo Trưởng phái bộ Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Đại sứ Alexander Lukashevich, Nga đã không nhận được phản hồi thỏa đáng từ các đối tác cho các đề xuất của mình: “Nếu chúng tôi không nhận được phản hồi mang tính xây dựng đối với các đề xuất của chúng tôi trong một khung thời gian hợp lý và hành vi hung hăng đối với Nga vẫn tiếp diễn, chúng tôi sẽ buộc phải đưa ra kết luận phù hợp và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo cân bằng chiến lược và loại bỏ các mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Ảnh minh họa: KT

Ảnh minh họa: KT

Hai trong số những đề xuất chủ yếu của Nga đó là NATO không được kết nạp Ukraine và không mở rộng quân sự về phía Đông đều bị phía các nước phương Tây bác bỏ. Hiện, NATO triển khai các hệ thống tên lửa ở Romania và Ba Lan, đồng thời còn đề cập đến việc kết nạp Ukraine, điều mà Nga coi là "lằn ranh đỏ" không được vượt qua.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, chính quyền Nga đang nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua ngoại giao, nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ trong trường hợp tình hình miền Đông Ukraine leo thang. Theo ông Ryabkov, các chuyên gia quân sự đã đưa ra và tiếp tục đưa ra các phương án cho Tổng thống Putin trong trường hợp tình hình Ukraine xấu đi, nhưng “chúng ta cần trao cho ngoại giao cơ hội.”

Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau bày tỏ bi quan sau cuộc họp và cho biết các cuộc đối thoại đã không có bước đột phá nào. Ông Zbigniew Rau cảnh báo an ninh khu vực đang ở mức căng thẳng nhất trong hơn 3 thập niêm qua.

“Tôi chắc chắn rằng OSCE là nền tảng tốt nhất có thể để thảo luận về vấn đề này bởi chúng ta có 57 quốc gia và tất cả những người tham gia cuộc họp đều được trao quyền. Tuy nhiên, các bên có sự khác biệt về tầm nhìn an ninh chung, có nghĩa là có khác biệt về mức độ cam kết. Vì vậy, tôi phải nói rằng, căng thẳng luôn hiện diện tại khu vực OSCE do sự bất đồng về việc nhìn nhận an ninh châu Âu”, ông Zbigniew Rau nói.

Mặc dù tuyên bố phải chuẩn bị cho trường hợp có thể leo thang căng thẳng với Nga song phía Mỹ vẫn để ngỏ khả năng ngoại giao và đối thoại với Nga.

Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng: “Chúng tôi tin rằng ngoại giao và hiểu biết ngoại giao có thể đạt được giữa Mỹ, các đồng minh và đối tác châu Âu của chúng tôi và Nga, có thể đóng góp vào sự ổn định ở châu Âu; có thể đạt được tiến bộ về những vấn đề như tên lửa và tập trận. Điều đó có thể giảm rủi ro và quản lý xung đột làm cho tình hình an ninh chung ở châu Âu ổn định hơn. Điều đó chắc chắn khả thi nếu Nga sẵn sàng tham gia”.

Mặc dù kết quả các cuộc đàm phán cho thấy những bất đồng sâu sắc và tình trạng thiếu niềm tin chiến lược lẫn nhau giữa Nga và các nước Phương Tây, nhưng cơ hội đối thoại vẫn được các bên để ngỏ. Đây được cho là điểm tích cực hiếm hoi của các cuộc đàm phán vừa qua giữa Mỹ và các nước phương Tây, chí ít cũng ngăn cản các bên đẩy căng thẳng leo thang hơn nữa trong những ngày đầu năm mới này./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-hop-nga-osce-khong-dat-ket-qua-cac-ben-canh-bao-lan-nhau-post918293.vov