Cuộc sống bận rộn của nhiếp ảnh gia cho tổng thống Mỹ

Pete Souza là cựu nhiếp ảnh gia chính thức cho Nhà Trắng. Ông có lịch trình bận rộn và luôn cố gắng để 'tàng hình' trước các vị tổng thống.

Pete Souza là người đầu tiên trở thành nhiếp ảnh gia cho hai đời tổng thống Mỹ. Ông làm việc cho Tổng thống Reagan từ năm 1983 đến năm 1989, sau đó ông phục vụ Tổng thống Obama và từng trải qua nhiều khoảnh khắc lịch sử quan trọng. Ông có cuộc sống bận rộn khi luôn theo chân và ghi lại mọi hoạt động của các nguyên thủ quốc gia.

Cuốn sách "The President's Photographer - Fifty Years in the Oval Office" (tạm dịch: Nhiếp ảnh gia của Tổng thống - 50 năm trong phòng Bầu dục) ghi lại những thói quen, cuộc sống bận rộn của Pete khi còn là nhiếp ảnh gia cho tổng thống Mỹ.

 Cựu nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng có lịch trình bận rộn khi luôn phải theo chân tổng thống. Ảnh: AP.

Cựu nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng có lịch trình bận rộn khi luôn phải theo chân tổng thống. Ảnh: AP.

Hội chứng sợ bỏ lỡ

Trước chính quyền Clinton, luôn có một tiệm cắt tóc ở tầng hầm ở cánh tây Nhà Trắng. Nhưng bây giờ nơi này chỉ còn lại một tấm gương lớn treo tường, và căn phòng trở thành văn phòng của Pete Souza. Đối với khách tham quan, căn phòng mang lại cảm giác cân bằng kỳ lạ.

Hơn 8h sáng một ngày làm việc bình thường, Pete ngồi trước máy tính, tay cầm con chuột và duyệt trang web của Văn phòng Hành chính Phủ Tổng thống. Đây là công việc ông làm mỗi ngày, quen thuộc như chuyện luôn phải cắm thẻ nhớ vào máy ảnh.

Ông sẽ tải xuống ảnh về hành trình hàng ngày của tổng thống từ trang web này, in ra với kích thước 1:3, sau đó cắt và ghim vào một tập sách nhỏ bỏ túi.

Lịch trình hàng ngày của tổng thống cũng chính là lịch trình của Pete. Hành trình chính ngày hôm nay là đến New York, tổng thống sẽ phát biểu tại Phố Wall.

Không ai nói với Pete nên chụp những gì. Nhưng dựa vào kinh nghiệm, ông chỉ cần nhìn vào hành trình của tổng thống và biết mình cần chụp ra sao.

Pete ghi lại những khoảnh khắc quan trọng. Ảnh: @petesouza.

Pete ghi lại những khoảnh khắc quan trọng. Ảnh: @petesouza.

Pete tính thời gian, bắt đầu thu dọn đồ đạc để đến New York. Máy ảnh ông sử dụng lần này là Canon EOS 5D Mark II. Ông thường dùng một ống kính góc rộng 35mm hoặc 50mm để chụp cận cảnh, và ống kính tele tầm trung 85mm hoặc 135mm để chụp ảnh tổng thống ở khoảng cách xa.

Khi làm việc ngoài trời, Pete thường sẽ mang theo ống kính zoom 24-70 mm hoặc 70-200 mm, ngoài ra còn có pin dự phòng, đèn flash và thẻ nhớ dự phòng.

Pete biết rằng người chụp ảnh tổng thống cần làm hai việc. Thứ nhất, chụp một số bức ảnh cần thiết, chẳng hạn như cuộc gặp gỡ của tổng thống với các quan chức cấp cao, du khách hoặc khách mời. Phần công việc này có thể được gọi là phần công việc như "thợ chụp ảnh cưới"

Thứ hai là phải ghi lại mọi thời điểm có thể có ý nghĩa lịch sử trong nhiệm kỳ tổng thống. Pete từng nói rằng đây là công việc "cần phần lớn năng lượng để hoàn thành".

Pete làm việc 6-7 ngày/tuần và số giờ làm ít hơn vào cuối tuần. Trung bình, Pete làm việc 12-15 tiếng mỗi ngày, chưa kể thời gian đi công tác với Tổng thống.

Mỗi ngày, ông đến Nhà Trắng lúc 8h, sớm hơn một giờ so với thời gian tổng thống đến Phòng Bầu dục. Buổi tối, ông rời đi sau khi tổng thống nghỉ 1 tiếng, thường vào khoảng 19h.

Nhưng tổng thống và đệ nhất phu nhân còn có các cuộc gặp gỡ xã hội chính thức hàng đêm, vì vậy Pete mắc phải hội chứng phổ biến của nhiếp ảnh gia - hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO).

Tàng hình

Việc cố gắng xóa bỏ sự hiện diện của bản thân trước tổng thống không chỉ là trải nghiệm mà còn là cách Pete làm việc. Đối với vị nhiếp ảnh gia, làm tốt mọi việc có nghĩa là có mối quan hệ tốt, để ông có thể gần gũi hơn với tổng thống, nhưng không có nghĩa ông phải từ bỏ những quan điểm cá nhân trong xử lý vấn đề.

"Tôi không chắc phải mô tả mối quan hệ với tổng thống như thế nào. Tôi nghĩ ông ấy có thể nói tôi là bạn, nhưng với tôi, giữa chúng tôi là mối quan hệ công việc".

Pete cố gắng "tàng hình" trước tổng thống để có thể ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất. Ảnh: @petesouza.

Pete cố gắng "tàng hình" trước tổng thống để có thể ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất. Ảnh: @petesouza.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1970, nhiếp ảnh gia chính thức của Tổng thống Lyndon B. Johnson, Yoichi Okamoto, nói rằng ông đã cố gắng "hướng dẫn tổng thống" để ông ấy không nhìn thấy sự tồn tại của mình.

"Tôi đến văn phòng mỗi sáng để ông ấy gặp tôi ngay khi bước vào văn phòng. Nếu ông ấy không chào tôi, tôi sẽ không chào. Điều này chủ yếu để làm cho tổng thống cảm thấy như tôi như một món nội thất, là một phần của căn phòng này. Sau một thời gian, ông ấy bỏ qua sự tồn tại của tôi", Yoichi Okamoto nói.

Pete cũng làm theo cách này.

Ông Obama từng bày tỏ: "Đối với mọi tổng thống, bị giám sát trong một thời gian dài là điều không dễ chịu. Đây cũng là một trong những khó khăn khi làm nguyên thủ. Nhưng nếu người bên cạnh bạn đáng tin cậy như Pete Souza, một người cố tình 'ẩn mình', bạn thậm chí không nhận thấy sự hiện diện của anh ấy, mọi thứ sẽ đơn giản hơn".

Bà Obama cũng thừa nhận khả nặng "tàng hình" đáng nể của Pete. Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ từng chia sẻ với New York Times rằng "Pete là người thường xuyên xuất hiện nhất" nhưng đôi khi bà không hề nhận ra vị nhiếp ảnh gia đang ở cạnh mình.

"Tôi nghĩ rằng họ hoàn toàn quen với sự hiện diện của tôi nên không còn đề ý đến nó nữa", Pete giải thích. Điều này cũng giúp ông ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất của gia đình tổng thống.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-ban-ron-cua-nhiep-anh-gia-cho-tong-thong-my-post1177575.html