Cuộc sống con người phải là trung tâm trong bảo vệ di sản

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có sự ứng xử khác nhau đối với các đối tượng di sản, cuộc sống con người phải là trung tâm trong bảo vệ di sản.

Chiều 18-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Tiến Thành.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Tiến Thành.

Thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) dẫn câu nói của chuyên gia Ấn Độ cho rằng: “Nếu ứng xử một cách máy móc với di sản thì chúng ta đang vô nhân đạo đối với người đang sống”. Đại biểu cho rằng thực tế này đang xảy ra, ngay tại Hà Nội. “Nếu chúng ta cứ bảo tồn nguyên vẹn, máy móc thì dẫn đến tình trạng khu phố cổ Hà Nội sẽ mong muốn không lọt vào danh sách di sản, làng cổ Đường Lâm sẽ sẵn sàng trả lại danh hiệu vì vào danh sách di sản sẽ bị “đóng băng”, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sinh kế của người dân”, đại biểu nói và cho rằng cần có sự ứng xử khác nhau đối với các đối tượng di sản, cuộc sống con người phải là trung tâm trong bảo vệ di sản.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) thảo luận tại tổ. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) thảo luận tại tổ. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, các chính sách về di sản văn hóa rất nhiều, tuy nhiên chính sách nhà nước về di sản văn hóa vật thể rất hạn chế. Dự thảo luật đề cập tới chính sách đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích xuống cấp nghiêm trọng; bảo vật quốc gia…; còn di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật nhà nước không có chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

“Đề nghị ban soạn thảo xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực…”, đại biểu Trần Văn Tiến nói.

Đại biểu Đoàn Vĩnh Phúc cũng cho rằng, quy định như dự thảo thì hiển nhiên được xây dựng mới nhà ở riêng lẻ trong phạm vi khu vực bảo vệ, mặc dù hộ gia đình đã lấn hoặc chiếm đoạt đất di tích, chỉ cần ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Tôi đề nghị quy định không được xây dựng mới, chỉ được cải tạo, chống xuống cấp đối với nhà ở riêng lẻ nằm trong phạm vi khu vực bảo vệ và có phương án di dời, trả lại đất cho di tích”, đại biểu nói.

Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về vấn đề này, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) đề nghị bổ sung quy định về trường hợp được xác định là có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích đối với công trình nhà ở riêng lẻ, làm căn cứ để các hộ gia đình, cá nhân đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước (UBND cấp huyện, hoặc các cơ quan chủ trì cấp phép xây dựng theo quy định của Luật Di sản), và cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để thực hiện quy định liên quan đến việc cho ý kiến theo quy định của Luật, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Cho rằng dự thảo Luật chưa thể hiện được vai trò quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn Kiên Giang) đề xuất bổ sung một điều về vấn đề này tại dự thảo Luật. Cụ thể, đưa các quy định về việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về di sản văn hóa, hiện đang nằm rải rác trong các điều khoản của dự thảo luật này, cấu trúc thành các khoản dựa trên việc phân loại theo đối tượng thực hiện tuyên truyền, phổ biến từ cơ quan trung ương, địa phương đến các cá nhân, tổ chức chủ sở hữu, cơ quan tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di sản văn hóa.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) thảo luận. Ảnh: Tiến Thành.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) thảo luận. Ảnh: Tiến Thành.

Về quy định Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa trong dự thảo Luật, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) bảy tỏ sự đồng tình và cho rằng đây là nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm quy định để tranh thủ nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài tham gia Công ước UNESCO 1972.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, hiện nay, có sự chồng lấn về phạm vi quản lý giữa di sản danh lam thắng cảnh (trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và tài nguyên địa chất (di chỉ địa chất, di sản địa chất) trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đại biểu cho rằng quy định tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chưa thực sự phù hợp với các thuật ngữ quy định về di sản danh lam, thắng cảnh, vì các khu vực có giá trị khoa học về địa chất nằm trên mặt hoặc trong lòng đất, là một dạng của tài nguyên địa chất. Các khu vực tài nguyên địa chất này phân bố ở những khu vực có hoặc không có các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, khoa học. Đây là những di sản địa chất được quy định trong Luật Địa chất và Khoáng sản.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cuoc-song-con-nguoi-phai-la-trung-tam-trong-bao-ve-di-san-669618.html