Cuộc sống của đồng bào vùng cao nguyên đá khởi sắc nhờ 'hồ treo'

Vùng cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang gồm 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với tổng diện tích 2.356,8km2. Khu vực này nằm ở độ cao trung bình từ 1.100-1.600m so với mực nước biển, là nơi cư trú của 17 dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Nùng, La Chí, Pu Péo, Lô Lô...

"Hồ treo" ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Phạm Văn Phú

"Hồ treo" ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Phạm Văn Phú

Với địa hình chủ yếu là đá (trên ¾ diện tích đất tự nhiên là đá) bị chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt nên vùng cao nguyên đá nổi tiếng là vùng “đất khát” của Hà Giang. Thời gian thiếu nước sinh hoạt chủ yếu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ hàng chục cây số và hứng nửa ngày mới đủ nước sinh hoạt cho gia đình trong 3-4 ngày.

Bên cạnh đó, việc dùng nước phải hết sức tiết kiệm, nước chỉ được dùng để uống và nấu ăn. Vì vậy, nước sinh hoạt đối với đồng bào vùng cao nguyên đá thực sự là một tài sản quý, việc tắm giặt trong mùa khô là một "thú chơi xa xỉ" đối với người dân nơi đây, bởi một gáo nước sau khi vo gạo còn phải được tận dụng để rửa rau, sau đó được hứng tận dụng cho gia súc uống hoặc tưới rau.

Đối với các cán bộ xã và giáo viên thường phải “nhịn tắm” và tập trung quần áo để đến cuối tuần ra phố huyện tắm trả tiền dịch vụ hoặc tắm giặt nhờ nhà người quen ở thị trấn. Nước sinh hoạt cho con người đã khó khăn thì nước dành cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, trải qua bao thế hệ, đồng bào vùng cao nguyên đá chỉ ao ước được "hóa giải cơn khát" trong mùa khô.

Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho đồng bào trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt cho bà con nơi đây. Theo báo cáo của các ngành chức năng, từ năm 1996-2003, nguồn vốn ngân sách được Nhà nước đầu tư với 165 tỷ đồng để xây dựng 139 hệ thống cấp nước tự chảy, 23.895 bể chứa nước công cộng...

Cách đây hơn 20 năm, Viện Địa chất đã tiến hành khảo sát, xây dựng thí điểm hồ chứa nước sinh hoạt tại xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn với dung tích 3.000m3 để chứa nước từ các mạch nước phát lộ trong mùa mưa xung quanh hồ. Qua thực tế cho thấy, hồ đã phát huy khả năng chứa nước tốt, góp phần cung cấp nước cho người dân xung quanh trong thời điểm mùa khô. Năm 2006, hồ chứa nước xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc được xây dựng với quy mô trên 3.000m3. Từ 2 mô hình hồ chứa nước ban đầu đã khẳng định việc xây dựng hồ chứa nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao nguyên đá là việc làm cần thiết và cấp bách.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang vào tháng 3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư cho Hà Giang 30 hồ chứa nước với kinh phí 137 tỷ đồng. Từ đó, các hồ chứa nước như Ha Bua Đa tại xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn có dung tích 10.000m3, hồ Sủng Nhì B tại xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc có dung tích 9.000m3, hồ chứa nước Súa Cán Tỷ ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ có dung tích trên 7.000m3... đã được xây dựng kịp thời để giải quyết cơn khát của đồng bào các dân tộc trong mùa khô.

Bà con dân tộc Mông ở xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lấy nước sinh hoạt từ "hồ treo". Ảnh: Phạm Văn Phú

Bà con dân tộc Mông ở xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lấy nước sinh hoạt từ "hồ treo". Ảnh: Phạm Văn Phú

Trong giai đoạn 2007-2017, tại 4 huyện vùng cao nguyên đá đã được đầu tư xây dựng 115 “hồ treo” (vì hồ được xây dựng trên núi nên có tên gọi như vậy) với tổng dung tích chứa khoảng 406.000m3. Với dung lượng tích nước như vậy, các “hồ treo” đã cung cấp nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho gần 24% dân số vùng cao nguyên đá (khoảng 70.000 người); hiện đã cấp nước cho khoảng trên 50.500 người. Trong đó, huyện Mèo Vạc có 26 hồ, huyện Đồng Văn có 41 hồ, huyện Yên Minh có 26 hồ và huyện Quản Bạ có 22 hồ. Tổng kinh phí được phê duyệt để xây dựng các “hồ treo” là trên 1.300 tỷ đồng.

Chủ trương xây dựng các hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân (nhất là thời kỳ mùa khô) thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại 4 huyện vùng cao nguyên đá. Ngoài ra, chủ trương này đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo tại 4 huyện cao nguyên đá của Hà Giang.

Trong giai đoạn 2018-2025, tỉnh Hà Giang tiếp tục được Chính phủ đầu tư để xây dựng các “hồ treo”, phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% dân số của 4 huyện vùng cao nguyên đá được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ các “hồ treo” với dung lượng bình quân 40 lít/người/ngày.

Để phát huy hiệu quả của các “hồ treo”, tỉnh Hà Giang đang kêu gọi và khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn thiết kế nghiên cứu để đưa ra các giải pháp kỹ thuật trong quá trình thiết kế và sử dụng nguyên liệu nhằm giảm giá thành, nâng cao tuổi thọ của các công trình hồ chứa nước sinh hoạt; đồng thời tăng cường vai trò của các cấp chính quyền địa phương và người dân trong quá trình bảo quản, vận hành và khai thác hiệu quả các hồ chứa nước sinh hoạt nhằm phục vụ cho cuộc sống của người dân tại 4 huyện vùng cao nguyên đá.

Việc xây dựng hồ chứa nước sinh hoạt trên vùng cao nguyên đá đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác quy hoạch các “hồ treo” còn tồn tại những hạn chế như thiếu đồng bộ, chưa sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư, điểm đầu tư xây dựng hồ có nơi chưa phù hợp, thiếu sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó, một số hồ chứa nước mưa chưa đảm bảo vệ sinh, nhiều hồ tích tụ bùn đất, rong tảo... làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước chưa được quy định cụ thể đã làm giảm hiệu quả của các công trình có ý nghĩa quan trọng này trên vùng cao nguyên đá Hà Giang.n

Phạm Văn Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-song-cua-dong-bao-vung-cao-nguyen-da-khoi-sac-nho-ho-treo-post470049.html