Cuộc sống của người Lào trên vùng biên giới Buôn Đôn
Trải qua bao biến cố, thăng trầm khi sinh sống trên vùng đất Buôn Đôn, người Lào luôn sống chan hòa và giao thoa văn hóa với các dân tộc bản địa.
Những dấu ấn của người Lào
Vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, người Lào ngược dòng Sêrêpốk đến buôn bán giao thương, trao đổi hàng hóa với người dân Tây Nguyên tại vùng đất Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Quá trình đi lại, giao thương, thấy phong cảnh hữu tình, người dân mến khách, một số thương lái quyết định ở lại đây lập làng, sinh sống.
Ngay khi có mặt tại vùng đất Buôn Đôn, cùng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, những người Lào đầu tiên định cư ở Buôn Đôn còn buôn bán trâu, bò, voi từ Tây Nguyên sang các khu vực lân cận. Nhờ đức tính cần cù, chăm chỉ làm ăn nhận được sự quan tâm của Nhà nước nên hầu hết người Lào ở Buôn Đôn đều có cuộc sống ổn định, khấm khá.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm, đến nay vùng đất Buôn Đôn đã có 107 hộ gia đình, với 398 khẩu là người Việt gốc Lào, tập trung chủ yếu ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Đây cũng là điểm du lịch nổi tiếng của huyện Buôn Đôn nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Quá trình sinh sống, người Lào đã mang những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo đến vùng đất Buôn Đôn huyền thoại. Cứ như thế, bản sắc văn hóa Lào in đậm dấu ấn qua các hiện vật, truyền thống còn lưu giữ trên mảnh đất Buôn Đôn.
Đó chính là cây Bồ Đề trên 100 tuổi tại buôn Yang Lành (xã Krông Na) đã được tổ chức kỷ lục châu Á, Hội Kỷ lục gia Việt Nam ghi nhận là cây trồng lâu năm nhất trên vùng đất Tây Nguyên. Năm 2015, cây bồ đề này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.
Hay đó ngôi nhà cổ của vua săn voi Y Thu K’Nul - người mang trong mình hai dòng máu Lào - M’Nông. Ông Y Thu K'nul (1828 -1938), được mệnh danh là ông tổ nghề săn voi, người đã có công khai phá, mở đất, lập ra vùng Buôn Đôn. Ông có bố là người Lào di cư tới vùng đất này, nên duyên với mẹ ông là người M’nông.
Điều đặc biệt, ông Y Thu K'nul được biết đến với tài săn bắt và thuần dưỡng được hàng trăm con voi rừng. Ngôi nhà cổ được ông được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, theo kiến trúc chùa tháp của Lào - Thái, có 3 gian song song liền kề. Theo gia phả ghi lại, để xây dựng ngôi nhà này, chủ nhân đã phải huy động 18 con voi kéo gỗ, 14 thợ lành nghề.
Một dấu ấn văn hóa khác phải kể đến là khu nhà mồ của những người săn voi giỏi bậc nhất Bản Đôn nằm ở bìa rừng buôn Trí A, xã Krông Na. Khu mộ được xây dựng theo lối kiến trúc pha trộn giữa người M’nông và Lào với mô típ hình khối đơn giản. Nhiều năm nay, khu mộ này không chỉ được con cháu dòng họ tới lui chăm sóc, mà còn trở thành một điểm viếng thăm của du khách khi đến với Buôn Đôn, tìm hiểu về huyền thoại săn voi ở mảnh đất Buôn Đôn.
Sự hòa quện của hai dòng máu Việt - Lào
Là một người hiểu văn hóa, lịch sử của vùng đất Buôn Đôn, ông Bun Mi Lào cho biết, từ khi đặt chân đến Buôn Đôn lập làng sinh sống, người Lào luôn sống chan hòa, đoàn kết với nhau.
Không chỉ vậy, trong chiến tranh, nhiều con em người Lào ở Buôn Đôn đã một lòng theo Đảng, theo cách mạng chiến đấu để giải phóng quê hương, đất nước. Có không ít người Lào mang quốc tịch Việt Nam đã ngã xuống trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ để bảo vệ buôn làng.
Hơn thế nữa, ở huyện Buôn Đôn, chuyện người Lào lấy người M’Nông, Ê Đê rất phổ biến, hai dòng máu Việt - Lào quyện hòa chảy trong người con, cháu, tình đoàn kết các dân tộc càng thêm thiêng liêng, chung thủy. Họ giao thoa về văn hóa, ngôn ngữ đến mức, nếu chỉ nhìn qua thì rất khó để phân biệt người gốc Lào hay người Ê Đê.
Trao đổi về vấn đề này, một người đàn ông sinh sống tại buôn Trí A (xã Krông Na) cho hay, nhiều năm trước, cha ông đến dạy cách thuần dưỡng voi cho các nài voi người Ê Đê. Sau đó, cha ông lấy vợ người Ê Đê rồi sinh ra ông. Giờ đây, người đàn ông này lại nên duyên với một cô gái Ê Đê.
Hay đó là câu chuyện của chị Nang Bun Sốm Lào, Chủ tịch UBND xã Krông Na. Chị Sốm lớn lên trên mảnh đất huyền thoại Buôn Đôn, rồi kết duyên với chàng trai người Ê Đê và sinh được 2 người con trai.
Chị Sốm cho hay, trên mảnh đất biên giới Buôn Đôn, các dân tộc sống bình dị, gần gũi và không ngừng giao thoa văn hóa, rất nhiều người nói 2 - 3 thứ tiếng các dân tộc. Nhờ vậy, giữa các dân tộc không còn khoảng cách về ngôn ngữ, về văn hóa, thậm chí cả về ẩm thực.
Điều đáng nói, sau nhiều năm sinh sống trên vùng đất Buôn Đôn, người Lào vẫn chưa một lần thôi nhớ về cội nguồn và luôn đoàn kết, bảo ban nhau giữ gìn những nét đẹp, phong tục, tập quán truyền thống. Theo đó, bà con Lào ở đây được tạo điều kiện, thường xuyên về thăm quê để hiểu hơn về nguồn cội, dòng tộc bên Lào.
Không chỉ vậy, cứ vào dịp trung tuần tháng 4 dương lịch hằng năm, cộng đồng người Lào sinh sống tại buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) lại tưng bừng vui đón Tết cổ truyền Bunpimay.
Với những hoạt động đặc sắc, Tết Bunpimay có ý nghĩa hết sức sâu sắc, mang đậm tính nhân văn, không chỉ giúp người Việt gốc Lào nhớ về nguồn cội mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là hành động thiết thực tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào vốn đã gắn bó keo sơn, càng thêm keo sơn gắn bó.
Ông Y Lươm Knul, Phó chủ tịch UBND kiêm Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào xã Krông Na cho hay, Tết cổ truyền của người Lào hay còn gọi là Lễ hội Bunpimay vẫn được Hội Hữu nghị Việt - Lào, chính quyền và Nhân dân địa phương tổ chức thường niên với các nghi thức đúng theo phong tục truyền thống.
Ông Y Sy Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thông tin, Buôn Đôn là vùng đất giao thoa văn hóa, ở đây không chỉ văn hóa các dân tộc tại chỗ, còn có các dân tộc phía Bắc và đặc biệt văn hóa Lào. Bà con dân tộc Lào từ khi sinh sống trên mảnh đất Krông Na đến nay luôn cùng các dân tộc, kề vai sát cánh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng nước được cải thiện.