Cuộc sống không mạng xã hội

Khi Kate Bulkeley, nữ sinh trung học ở Westport, bang Connecticut (Mỹ) thực hiện cam kết không dùng mạng xã hội, trong năm đầu tiên, cô bé đã thu được nhiều lợi ích.

Những điểm số xuất sắc ở trường trung học, những cuốn sách đọc được mỗi ngày một dày lên, những bữa tối cả gia đình chuyện trò sôi nổi, bố mẹ và con cái tụ tập xem phim vào cuối tuần..., tất cả những điều giản dị trước đây khó có được nay trở thành hiện thực, nhờ hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử và mạng xã hội.

Kate Bulkeley và em gái Sutton có nhiều thời gian trò chuyện với nhau hơn khi không tham gia mạng xã hội. Ảnh minh họa: AP

Kate Bulkeley và em gái Sutton có nhiều thời gian trò chuyện với nhau hơn khi không tham gia mạng xã hội. Ảnh minh họa: AP

Tuy nhiên, sang năm thứ hai xuất hiện một số vấn đề không mong đợi. Kate bị lỡ mất một cuộc họp của hội học sinh trên ứng dụng Snapchat. Các nhóm hội, câu lạc bộ mà cô tham gia đều đăng giờ giấc, nội dung hoạt động trên các ứng dụng mạng xã hội, cô đã bỏ lỡ nhiều sự kiện vì không kịp cập nhật thông tin.

Với Gabriela Durham, một học sinh cuối cấp trung học ở Brooklyn, New York, từ bỏ mạng xã hội giúp cô tập trung vào việc học và giành kết quả cao, có nhiều thời gian hơn cho các môn thể thao, nghệ thuật và nhờ đó trở thành một vũ công điêu luyện được mời biểu diễn trên sân khấu Broadway. Tất nhiên, việc không tham gia mạng xã hội từng khiến Gabriela trở thành người ngoài cuộc, từng khiến cô có cảm giác bị cô lập, song giờ đây, nó lại khiến cô hài lòng với những thành quả thu được.

Ngày càng có nhiều người trở nên nghiện mạng xã hội, dành quá nhiều thời gian cho cuộc sống ảo mà xa rời đời sống thực. Ý thức được những hậu quả tai hại về sức khỏe tâm thần mà tình trạng nghiện mạng xã hội đem lại, các bậc phụ huynh cũng như nhiều thanh thiếu niên đang tìm mọi cách hạn chế sử dụng mạng xã hội.

Theo AP, nhiều gia đình Mỹ đã đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt ngay từ khi con bước vào tiểu học, không cho dùng điện thoại thông minh cho đến năm 18 tuổi, dù đôi khi đứa trẻ có cảm giác bị cô lập bởi không biết và không thể tham gia các hoạt động hay trào lưu mà bạn bè chúng đua theo trên mạng.

Nhiều trường học tại Mỹ cũng đang nỗ lực hướng học sinh rời xa hoặc chí ít hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú để thúc đẩy giao tiếp trực tiếp thường xuyên hơn giữa các em. Những người trẻ cần hiểu rõ một điều: Nếu sử dụng đúng mục đích và có kiểm soát, mạng xã hội là phương tiện kết nối mọi người; nếu lạm dụng, nó sẽ biến ta thành nô lệ.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/cuoc-song-khong-mang-xa-hoi-5011892.html