Cuộc sống mới của đồng bào khu tái định cư Mè Nắng

BHG - Những ngôi nhà mới khang trang, mọc lên san sát, cùng hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo, giúp cho đồng bào thôn Mè Nắng, xã Xín Cái (Mèo Vạc) có được nơi ở mới an toàn, vững bền, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cuộc sống no ấm, đói nghèo bỏ lại phía sau.

Người dân thôn Mè Nắng, xã Xín Cái (Mèo Vạc) cải tạo vườn, đồi tạp bỏ hoang chuyển sang trồng rau, đậu.

Người dân thôn Mè Nắng, xã Xín Cái (Mèo Vạc) cải tạo vườn, đồi tạp bỏ hoang chuyển sang trồng rau, đậu.

Thôn biên giới Mè Nắng là nơi sinh sống của người Lô Lô và người Nùng, với 67 hộ dân luôn đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế. Chị Nùng Thị Sinh, người Lô Lô tâm sự: Trước đây, người dân Mè Nắng sống lưng chừng đồi, mùa mưa, lũ thường bị đất, đá trên cao sạt lở làm thiệt hại tài sản và nguy hiểm đến tính mạng của người. Nhưng từ tháng 3.2022, đồng bào được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước xây dựng khu tái định cư trên khu đất rộng, bằng phẳng, vững chắc, đời sống của người dân trong thôn đã bớt khổ hơn trước nhiều. Nhà mới gọn gàng, sạch đẹp; đường nội thôn được bê tông hóa, đi lại thuận tiện, cuộc sống và tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt. Từ khi về sống khu tái định cư, gia đình mình yên tâm lao động sản xuất: Nuôi 3 con bò vỗ béo; 8 con lợn đen sinh sản; gà, vịt luôn duy trì từ 50 – 70 con để bán thịt và trứng, cùng với đó trồng thêm rau, đậu bán tại chợ xã và các địa phương lân cận. Doanh thu đạt 80 triệu đồng/năm.

Anh Ma Văn Hính, người dân tộc Nùng chia sẻ: Đồng bào về sống trong khu tái định cư có đường đi lại thuận tiện, điện, nước đầy đủ nên nhiều gia đình trong thôn đã sắm ti vi, tủ lạnh, xe máy, máy móc nông nghiệp; trẻ em được học tập trong trường, lớp khang trang, sạch sẽ. Người dân được cấp đất sản xuất, truyền dạy các kỹ thuật trong canh tác, trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình.

Đồng chí Ma Ly Khỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Mè Nắng thông tin: Trong năm 2022, tổng diện tích gieo trồng lúa, ngô, đậu tương 73 ha, đạt 100% kế hoạch; diện tích cỏ Voi 8 ha; tổng đàn gia súc: Trâu, bò, lợn 322 con; gia cầm: Gà, vịt trên 1.600 con; diện tích rừng gần 37 ha; học sinh đến trường đạt 100%. Hiện nay, thôn có 10 đảng viên luôn gắng sức cùng các tổ chức đoàn thể trong thôn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 09 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 01 – CT/TTG của Thủ tướng Chính phủ về “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Vận động học sinh đến trường chuẩn bị kỳ thi năm học 2022 – 2023; tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua, bán người; Luật Giao thông đường bộ, pháp luật về xuất, nhập cảnh. Khu tái định cư nằm gần đường liên thôn nên giao thương thuận lợi và thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và tìm mua sản vật địa phương, đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân từ thương mại dịch vụ. Thôn quyết tâm trở thành địa điểm homestay đặc sắc, phát triển theo hướng phục dựng những nét văn hóa độc đáo của người Lô Lô và người Nùng. Đồng thời, tập trung tạo dựng cảnh quan, môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, trồng nhiều cây, hoa cảnh nhằm thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm nét văn hóa, ẩm thực của địa phương.

Đồng chí Phan Văn Hào, Bí thư Đảng ủy xã Xín Cái cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự vươn lên của người dân trong diện tái định cư, đã giúp cuộc sống đồng bào nâng lên rõ rệt, nhất là trong cách nghĩ, cách làm của người dân. Cấp ủy, chính quyền, cùng các tổ chức hội, đoàn thể đã tích cực hỗ trợ bà con trong việc đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, hướng dẫn viên du lịch, nấu ăn; gìn giữ và phát huy nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất cho vùng tái định cư, tư vấn hướng dẫn người dân cải tạo vườn, đồi tạp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng biên và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, giúp đời sống, vật chất và tinh thần của người dân khu tái định cư ngày càng nâng cao.

Bài, ảnh: ĐỨC NINH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202212/cuoc-song-moi-cua-dong-bao-khu-tai-dinh-cu-me-nang-bf233c5/