Cuộc sống mới của người Lô Lô

BHG - Những hủ tục nay đã không còn trong đời sống người Lô Lô, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, tích cực tuyên truyền Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong khu dân cư. Đồng bào đẩy mạnh sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng quy mô gia trại, tổ hợp tác, tạo việc làm vững bền, thu nhập ổn định ngay trên quê hương.

Nghề thêu thổ cẩm mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ Lô Lô, thôn Mè Nắng, xã Xín Cái (Mèo Vạc).

Nghề thêu thổ cẩm mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ Lô Lô, thôn Mè Nắng, xã Xín Cái (Mèo Vạc).

Trước đây, trong gia đình người Lô Lô có người chết thì họ hàng sẽ mang nhiều gà, lợn, rượu… đến tang gia để góp làm đám ma cho người quá cố, ăn uống nhiều ngày gây lãng phí tiền của. Thi hài sẽ được giữ trong nhà trong nhiều ngày, chờ thầy cúng đến làm lễ đưa hồn người chết về với thế giới tiên tổ, đã gây mất vệ sinh môi trường khu dân cư. Bên cạnh đó, tục thách cưới cao gây khó khăn cho gia đình nhà trai với: Gạo, thịt lợn, rượu, váy, áo, vòng tay, vòng cổ, bạc trắng… Đồng thời, còn nhiều trường hợp anh em họ gần lấy nhau, vì người Lô Lô cho rằng: Lấy người cùng dòng tộc thì vợ sẽ không bỏ trốn, không phải mất của gả bán ra bên ngoài, nên dẫn đến tình trạng thanh niên người Lô Lô có tầm vóc rất thấp bé, nhiều bệnh, thường xuyên đau ốm, đó là những dấu hiệu suy thoái nòi giống do hôn nhân cận huyết thống gây ra, ảnh hưởng trực tiếp tới thế hệ tương lai. Từ khi người Lô Lô được các tổ chức chính trị địa phương tuyên truyền Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong khu dân cư: Đám tang không còn giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, ăn uống nhiều ngày, người chết đã được đưa vào quan tài sau 24 tiếng và được đem chôn tại nghĩa địa. Nhà gái cũng không còn thách cưới, mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế nhà trai để sắm lễ vật phù hợp với khả năng. Đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, uống ít rượu, đảm bảo không ảnh hưởng tới lao động sản xuất của người dân địa phương. Hôn nhân cận huyết thống nay đã không còn, do nhiều thanh niên người Lô Lô đã mạnh dạn thay đổi tư duy, lựa chọn bạn đời ở dân tộc khác, địa phương khác, giúp cho thế hệ sau được khỏe mạnh, phát triển bình thường, nâng cao tầm vóc và trí tuệ…

Du khách tham quan, trải nghiệm nhạc cụ truyền thống của dân tộc Lô Lô, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Du khách tham quan, trải nghiệm nhạc cụ truyền thống của dân tộc Lô Lô, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong khu dân cư là việc làm cấp thiết, giúp người Lô Lô đẩy lùi khoảng tối trong suy nghĩ, tư duy, để không cản bước sự phát triển chung của đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) cho biết: Hiện nay, thôn có trên 115 hộ, thì người Lô Lô chiếm gần 95%. Các hội, đoàn thể địa phương đã tích cực tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan trong đời sống. Người Lô Lô tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Các hộ trong thôn bày trí sắp xếp đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ dân tộc, chỉnh trang khuôn viên, trồng thêm nhiều loại hoa xung quanh nhà tạo cảnh quan thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực của người Lô Lô. Người dân được tham gia ý kiến trong các cuộc họp thôn, thể hiện được tính dân chủ, luôn đoàn kết yêu thương; tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giúp thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 33 triệu đồng/người/năm…

Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong khu dân cư đã giúp đồng bào Lô Lô biết đẩy lùi điều xấu, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, bản sắc dân tộc. Chị Mà Thị Sính, thôn Mè Nắng, xã Xín Cái (Mèo Vạc) chia sẻ: Mình thường xuyên được các tổ chức chính trị địa phương tuyên truyền về hệ lụy của các hủ tục trong đời sống. Mình và các thành viên trong dòng tộc cùng nỗ lực loại trừ những điều xấu không phù hợp với thực tiễn; đồng thời, lưu giữ và phát huy những nghề truyền thống như đan lát, dệt, thêu thổ cẩm; gìn giữ các nghi lễ tốt đẹp: Cúng Tổ tiên, cúng thần rừng, cầu mưa; truyền dạy cho thế hệ trẻ các điệu múa trống, múa dân gian, trò chơi truyền thống…

Cuộc sống của người Lô Lô trong tỉnh ngày càng đổi thay rõ rệt khi những hủ tục được xóa bỏ. Đó sẽ là điều kiện, động lực để đồng bào xây dựng đời sống ấm no trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: THÁI KHANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202305/cuoc-song-moi-cua-nguoi-lo-lo-f073174/