Cuộc sống mới ở Pà Cò
Đến Pà Cò hôm nay không còn màu tím hoa anh túc. Những mảnh ruộng trồng ngô xơ xác ven chân đồi ngày xưa, giờ được thay thế bằng vườn cà chua trái mùa bắt đầu cho thu hoạch. Giàn su su sai trĩu quả, những trái đào chín đỏ cành và rặng hoa ngũ sắc bung nở dẫn lối bước chân du khách vào các homestay xinh xắn của bản Mông. Pà Cò yên bình. Người dân Pà Cò đã mạnh dạn bước ra bên ngoài để học cách trồng cây gì, nuôi con gì và cách làm du lịch cộng đồng. Cánh cửa bản Mông đã được bà con nơi đây mở rộng để giao lưu, phát triển, bắt nhịp cùng với sự đi lên của huyện Mai Châu và của tỉnh nhà.
Chính sách phù hợp tạo đòn bẩy cho bản Mông
Pà Cò vẫn được biết đến là xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, tình hình ANTT có những vấn đề phức tạp. Gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông với những nét phong tục riêng biệt, tập quán sản xuất lạc hậu, chưa áp dụng nhiều KHKT vào sản xuất nên kinh tế chậm phát triển, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thu nhập bình quân đầu người thấp…Trước những khó khăn, để sớm đưa bản Mông thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đảm bảo ANCT - TTATXH, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03 và Đề án số 09 về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với phát triển KT - XH, bảo đảm QP-AN.
Sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ đối với Pà Cò trước tiên dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH. Đường giao thông đến xã được mở rộng, nâng cấp; 6/6 xóm có đường bê tông giúp đi lại thuận tiện. Các công trình nước sạch được xây dựng và duy tu, sửa chữa cung cấp cho các xóm Pà Háng Lớn, Pà Cò I, Pà Cò Lớn; khoan 2 giếng cho bà con xóm Xà Lĩnh. Hệ thống lưới điện được nâng cấp, sửa chữa cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống. Chợ dân sinh của xã được đầu tư xây dựng với diện tích hơn 4.000 m2 gồm 245 ki ốt đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân trong xã và khu vực. Trường học xây dựng khang trang, kiên cố. Trạm Y tế xã được đầu tư xây 2 tầng, đủ các phòng chức năng theo quy định, có vườn thuốc nam, xử lý rác thải y tế...
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, năm 2022, xã đầu tư trang thiết bị nhà văn hóa cho 2 xóm Pà Háng Lớn và Xà Lĩnh với tổng số vốn 60 triệu đồng. Năm 2023 dự kiến tiếp tục mua trang thiết bị nhà văn hóa cho 3 xóm Pà Háng Lớn, Xà Lĩnh, Pà Cò Lớn với kinh phí 20 triệu đồng/xóm.
Đồng chí Sùng A Màng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thời gian qua, người dân Pà Cò rất phấn khởi khi được hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế. Bà con được hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Hỗ trợ vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt là việc hỗ trợ vốn, Ngân hàng Agribank huyện Mai Châu đã giải ngân cho 170 hộ vay vốn phát triển kinh tế với số tiền hơn 11 tỷ đồng; Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho 383 hộ vay, số tiền hơn 15 tỷ đồng. Đầu tư về hạ tầng và hỗ trợ vốn là đòn bẩy quan trọng để người dân Pà Cò quyết tâm phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường phát triển kinh tế
Cảm nhận của chúng tôi khi trở về thăm Pà Cò và có dịp trò chuyện với bà con nơi đây đó là người Mông đã có tinh thần, quyết tâm thoát nghèo. Hằng năm, trên cơ sở các chỉ tiêu phát triển KT- XH được giao, xã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa những nội dung hoạt động, những việc cần làm để tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy ý chí tự lực, tự cường phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Xã căn cứ điều kiện tự nhiên như: thời tiết, khí hậu, nước tưới, thổ nhưỡng… để xác định loại hình sản xuất, cây, con giống phù hợp để đầu tư. Với lợi thế khí hậu mát mẻ, ngoài cây trồng chính là ngô, Pà Cò tập trung sản xuất các loại rau trái vụ như cà chua, su su, đậu cô ve. Ví dụ như cây cà chua, khi những nơi khác thu hoạch hết thì người dân Pà Cò bắt đầu xuống giống và sẽ cho thu trái vụ với giá bán cao gấp đôi, gấp ba so với cà chua chính vụ. Ngoài ra, xã duy trì và mở rộng diện tích trồng đào cho thu sản phẩm là hoa, quả và gốc đào. Trồng chè Shan tuyết tiếp tục duy trì trên 120 ha, chủ yếu ở xóm Chà Đáy; trồng mận hậu đang được mở rộng diện tích. Đặc biệt là mô hình du lịch homestay, hiện trong xã có 6 homestay hoạt động, lượng khách khá ổn định, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Sùng A Màng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Với rất nhiều nỗ lực, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 20 triệu đồng; giá trị tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm. 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia; trên 90% hộ dùng nước hợp vệ sinh. Xã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, năm 2023 dự kiến đạt thêm 2 tiêu chí. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với những mô hình kinh tế mới triển khai đang có hiệu quả tốt thì chúng tôi tin rằng, kinh tế địa phương thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc. Kinh tế phát triển, nhận thức đi lên, chất lượng cuộc sống của người dân cũng từng bước được cải thiện. Bà con yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất, tai, tệ nạn xã hội vì thế đã từng bước được đẩy lùi.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/180156/cuoc-song-moi-o-pa-co.htm