Cuộc sống muôn màu nơi Đảo Khỉ
Đời sống của loài khỉ ở Đảo khỉ rất sinh động, mang nhiều cung bậc hỉ, nộ, ái, ố, của cuộc đời: tranh ngôi vương, giành lãnh địa, giành 'phi tần mỹ nữ'.
Hơn 15 năm qua, anh Nguyễn Hữu Trước, Tổ phó Tổ bảo tồn động vật tại Đảo Khỉ (huyện Cần Giờ, TPHCM) đã gắn bó cuộc đời mình với bầy khỉ. Trong lần về công tác tại xã đảo Cần Giờ, anh Trước đã phải lòng cô giáo dạy học tại đây. Anh chấp nhận từ bỏ công việc tại công ty Phát triển nhà quận 5 để về “ở rể”, gắn bó với công việc giữ rừng rồi huấn luyện, chăm sóc loài khỉ hoang dã.
Anh Trước háo hức kể về tập tính của loài động vật thông minh, nhanh nhẹn này: “Loài khỉ đuôi dài sống theo bầy đàn. Mỗi đàn có một “khỉ chúa” cai quản. Chúng là những “tên trộm” khét tiếng với biệt tài leo trèo giỏi. Bản tính chúng hung hăng, tinh nghịch, song cũng sống rất tình cảm, nhất là tình mẫu tử sâu sắc”.
Ngày mới vô nghề, do chưa quen mặt nên anh Trước đã phải khổ sở trước những trò nghịch ngợm, tai quái của chúng. Anh kể: “Chỉ một thoáng sơ sẩy là lập tức có vài tên “đạo tặc” lẻn ngay vào phòng. Sau đó, chúng còn biểu diễn các màn tung hứng, nhào lộn như đang trong “rạp xiếc” mà “đạo cụ” chính là chăn, màn, xoong nồi, thậm chí cả sách vở, quần áo... Đến nỗi, khi phơi quần áo, chúng tôi cũng phải cử người trông coi. Nếu không, mỗi đứa chôm một cái quần, cái áo vừa đi vừa mặc thử. Có lần, một du khách sơ ý bị khỉ giựt cái kính mắt. Tôi phải “trao đổi” một bịch kẹo thì nó mới vui vẻ trả lại”.
Bữa tiệc của đàn khỉ gồm có cơm gạo lứt trộn đậu đen, đậu phộng, muối và các củ quả như ổi, mía, chuối và cả kẹo nữa. Chẳng bữa ăn nào diễn ra một cách trật tự. Khỉ mẹ thì ôm con ngồi bốc cơm lia lịa; các cô, cậu choai choai thì vừa bốc ăn vừa phóng lên cây đu đưa, chí chóe trêu ghẹo nhau. Đặc biệt, không kẻ nào dám bén mảng tới giành ăn của “khỉ chúa”. Bởi chỉ cần một cái chớp mắt là đối phương có thể bị sứt môi, cụt đuôi, mình mẩy đầy thương tích.
Khi anh Trước mới về nhận nhiệm vụ, đàn khỉ chỉ có hơn trăm con. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc của anh cùng các thành viên trong Tổ bảo tồn, đến nay số lượng loài khỉ ở đảo đã phát triển lên tới 1.500 con, chia thành 7 bầy đàn.
Mùa khỉ giao phối thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11. Khi đó, có nhiều cuộc lật đổ, tranh ngôi vương diễn ra. Anh Trước kể: “Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều cảnh tranh giành lãnh địa, giành “phi tần mỹ nữ” của loài khỉ. Với bản tính hung hăng, chúng sẵn sàng gây hấn, xô xát, tấn công nhau dữ dội khiến “đối phương” bị thương rất nặng. Cũng may mà loài khỉ có sức đề kháng cao nên ít có trường hợp “hi sinh” trong các trận chiến này. Khi bị thương, chúng sẽ bỏ vào sâu trong rừng, tìm những cây lá để tự chữa bệnh rồi chờ cơ hội “phục thù”. Dẫu biết là quy luật sinh tồn, song mỗi khi nhìn thấy con què chân, con chảy máu là tôi thương và xót lắm”.
Anh Trước bảo, lũ khỉ trông táo tợn, bạo dạn vậy nhưng chúng tình cảm vô cùng. Đặc biệt khỉ cái rất yêu thương con. Một năm khỉ chỉ đẻ một lứa. Mỗi lần nhiều nhất là 2 con. Khỉ con luôn bám vào bụng mẹ và được “địu” đi khắp nơi. Nếu khỉ con không may bị bệnh mà chết, khỉ mẹ vẫn cứ ôm xác con trong lòng không rời. Chỉ đến khi khỉ con trở thành bộ xương trắng, khỉ mẹ mới chịu rời con và chôn khỉ con ở gốc cây nào đó.
Anh Nguyễn Hữu Trước có thâm niên công tác trên đảo khỉ hơn 15 năm Có lần, anh Trước đi tìm con khỉ cái mang bầu cả tuần vẫn không thấy. Thế rồi, ngay ngày mùng 1 Tết, “cô nàng” bỗng xuất hiện trước mặt anh, “bế” theo cả “em bé”. Anh háo hức: “Đầu Xuân mà đón được tin vui thế này thì còn gì bằng”.
Cuộc sống của anh Trước và những đồng nghiệp trong Tổ bảo tồn động vật tại Đảo khỉ mang nhiều nét đặc thù bởi đa số họ là những người sống vì thiên nhiên, làm việc bằng lòng nhiệt huyết và tình yêu thương động vật. Cứ vào giờ ăn, tiếng hú gọi bầy khỉ của anh lại ngân dài, vọng sâu vào rừng đước. Đàn khỉ nghe được tức tốc truyền cành chao liệng, như chim tìm về cội. Ở đó, chúng hiểu rằng, có những “người bạn” tri kỷ luôn quan tâm, che chở, bảo bọc cho cuộc sống bình yên của chúng trên “Hoa quả sơn” miền duyên hải này.
- Đảo khỉ nằm trong quần cư rừng ngập mặn Cần Giờ, cách trung tâm TPHCM hơn 50 km về phía Nam. Nơi đây được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”.
- Khỉ đuôi dài ở Cần Giờ có màu lông xám, ở đỉnh đầu lông mọc dài và chỉa về phía sau. Con đực có ria ở má và râu mép, nặng từ 4,7 kg đến 8,3 kg. Con cái nặng từ 2,5 kg đến 5,7 kg, có thể sống đến 37 năm.
- Thời gian khỉ con bú mẹ khoảng 14 tháng, trưởng thành sinh dục khi được khoảng 50 tháng tuổi; thời gian mang thai là 165 ngày; thời gian động dục thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11.