Cuộc sống người dân bên đường sắt: Đi không được, ở không xong
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tư vấn lập quy hoạch xây dựng phương án chạy tàu chung đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia khu vực Hà Nội. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị của Hà Nội trong những năm qua cho thấy, còn rất nhiều bất cập liên quan các lĩnh vực.
Các tuyến đường sắt đô thị đều cố gắng len lỏi qua các khu dân cư, chạy dọc theo những khoảng trống còn lại của thành phố. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho hành lang an toàn giao thông đường sắt nhiều khu vực không đủ điều kiện.
Thùng xốp, phế thải, vật liệu xây dựng,… nằm ngổn ngang. Xe ô tô, xe máy đỗ gần đường ray. Vật dụng sinh hoạt cũng đặt cạnh đường ray. Nắm rõ thời gian tàu hỏa hoạt động, nhiều hộ dân tận dụng hành lang đường sắt làm nơi sinh hoạt, buôn bán. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chạy tàu bất cứ lúc nào.
Không có đường gom cũng không đủ điều kiện hành lang an toàn đường sắt, hàng ngày, người dân ở đây không khỏi bất an, lo sợ mỗi khi tàu hỏa chạy qua.
Tình trạng nhà dân nằm sát đường sắt là điều khá phổ biến ở Việt Nam. Dù cuộc sống bị ảnh hưởng không nhỏ mỗi khi có đoàn tàu chạy qua nhưng vì đã gắn bó hàng thập kỷ và kiếm kế sinh nhai nên người dân không thể dọn đi nơi khác sinh sống.
Theo quy hoạch, TP Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị và mạng lưới các tuyến kết nối đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8 km. Tuy nhiên, khi thực hiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có khung chính sách, tiêu chuẩn, đền bù giải phóng mặt bằng,… chưa đi kịp với thực tiễn. Phải làm sao để chỗ ở mới tốt hơn hoặc tối thiểu phải bằng chỗ ở cũ. Như vậy, người dân mới ủng hộ, yên tâm nhường nơi họ sinh sống cho dự án và những mục đích cao cả hơn.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!
Hà Giang -
Công Kiên