Cuộc sống người dân Thái Nguyên ổn định lại sau mưa lịch sử

Trận mưa lớn lịch sử vào đêm và sáng 10-9 làm sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) bị đảo lộn. Các trường học phải nghỉ, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành của nhiều cơ quan trên địa bàn TP Thái Nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng với tinh thần chủ động, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục nên sinh hoạt của người dân, hoạt động của xã hội nhanh chóng trở lại bình thường.

Có thời điểm bị “tê liệt”, nhưng ngay sau khi mưa ngớt, đường Cách mạng Tháng Tám ở trung tâm TP Thái Nguyên đã lưu thông được.

Có thời điểm bị “tê liệt”, nhưng ngay sau khi mưa ngớt, đường Cách mạng Tháng Tám ở trung tâm TP Thái Nguyên đã lưu thông được.

Trận mưa lịch sử

Ảnh hưởng của áp thấpqua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, đêm và sáng10-9, TP Thái Nguyên trở thành “rốn” mưa lớn trên địa bàn, bởi Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên xác định, lượng mưa đổ xuống trung tâm TP Thái Nguyên gần 300mm, tại Phúc Trừu (TP Thái Nguyên) là 360mm, lớn hơn rất nhiều so với các điểm đo mưa trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết, đây là trận mưa rất lớn, lịch sử chưa từng thấy trong nhiều năm qua trên địa bàn thành phố, diễn ra dồn dập trong vòng năm tiếng liên tục đã gây ra những thiệt hại không nhỏ, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Thái Nguyên, trận mưa này làm ba người quê ở Hà Nội, Hà Giang đang làm thợ xây trên địa bàn thiệt mạng; gần 1.500 hộ dân bị nước tràn vào nhà; gần 500ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng; ba tấn gà bị chết, sét đánh chết hai con lợn, hàng nghìn mét tường rào, bờ kênh bị đổ.

Đặc biệt, do lượng mưa quá lớn diễn ra trong thời gian ngắn, hệ thống thoát nước không kịp tiêu úng, nhiều tuyến phố trọng yếu trên địa bàn bị ngập, có chỗ ngập sâu đến gần một mét, 120 trường mầm non, tiểu học và THCS phải nghỉ học.

Trận mưa lịch sử diễn ra trong đêm, sấm sét dữ dội làm cho rất nhiều hộ dân ngỡ ngàng, không kịp trở tay, nước ngập tràn vào nhà gây hư hỏng tài sản. Do thành phố rất ít khi nước ngập đường, nhiều lái xe không có kinh nghiệm, chủ quan nên làm 52 ô-tô hư hỏng. Tại tòa nhà FCC cao nhất thành phố, hàng nghìn khối nước tràn vào tầng ngầm gây thiệt hại không nhỏ.

Tập trung lực lượng ứng phó, khắc phục

Với tinh thần chủ động phòng, chống và khắc phục thiên tai nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Ngay lúc 3 giờ sáng 10-9, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu lực lượng chức năng, dân phòng tháo các tấm đan, mở hết cống xả để thoát nước ở các tuyến phố, vì thế đến 11 giờ trưa cùng ngày, hầu hết các tuyến phố đã hết ngập úng, vài điểm thấp, trũng trên đường Hoàng Văn Thụ, Minh Cầu chưa thoát kịp, nhưng đến gần 12 giờ cũng hết ngập, giao thông trở lại bình thường.

Cũng ngay trong đêm, lãnh đạo thành phố yêu cầu ngừng cấp điện trên diện rộng để đề phòng tai nạn xảy ra. Quả nhiên sau đó, Trạm biến áp 110KV Thịnh Đán bị ngập mà không xảy ra biến cố gì. Lúc 7 giờ 30 phút, sáng 10-9, khi trời vẫn đang mưa như trút nước, lãnh đạo TP Thái Nguyên họp khẩn với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố tại phường Túc Duyên, chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách đối phó và khắc phục hậu quả.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng của thành phố kịp thời có mặt tại hiện trường, cứu hộ vụ sập tường, đưa các thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Tỉnh và thành phố hỗ trợ gần tám triệu đồng cho mỗi nạn nhân, cử cán bộ khâm liệm, bố trí xe đưa về nhà, cùng gia đình thực hiện các nghi thức mai táng theo phong tục địa phương.

Đề phòng tai nạn đuối nước, các lực lượng dân phòng, quân sự, công an được huy động tối đa, ứng trực tại các điểm bị ngập, như: cổng các trường học, khu chung cư Tiến Bộ, cổng Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên, cầu tràn, dùng thuyền, đò, bè đưa đón học sinh, người dân. 30 người dân ở các phường Quang Vinh, Tân Lập và xã Quyết Thắng bị nước ngập đến tận nóc nhà, được thành phố đưa thuyền vào giải cứu kịp thời. Lực lượng quân đội huy động hơn 620 cán bộ, chiến sĩ, sử dụng 10 phương tiện hỗ trợ người dân những vùng xung yếu, không để thiệt hại thêm về người.

Ngành điện huy động hơn 300 cán bộ, nhân viên, 250 phương tiện ứng phó, khắc phục ngập úng tại Trạm biến áp 110KV Thịnh Đán, sửa chữa hệ thống đường dây tải điện bị đứt, gặp sự cố. Đến 17 giờ chiều 10-9, toàn thành phố được cấp điện trở lại.

Mặc dù lũ trên sông Cầu mới ở mức báo động cấp một, nhưng thành phố đã chủ động nguồn nhân lực, gia cố đê bối ở phường Túc Duyên, gia cố đê sông Cầu, bảo đảm lũ vượt báo động ba đê vẫn an toàn.

Họp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thái Nguyên, chiều 10-9, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Tỏ biểu dương, đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống và khắc phục thiên tai một cách rất khẩn trương, hiệu quả của TP Thái Nguyên, đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại của người dân và xã hội.

Sáng nay, 11-9, trên địa bàn TP Thái Nguyên trời hửng nắng, phố phường lại nhộn nhịp, mọi hoạt động kinh tế, xã hội, sinh hoạt của nhân dân trở lại như thường nhật. Qua trận mưa lịch sử này, TP Thái Nguyên rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó có tinh thần chủ động, kịp thời, cùng lúc triển khai đồng loạt các công việc trước mắt và đề phòng mưa, lũ kéo dài, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân và xã hội.

Mặc dù lũ trên sông Cầu mới ở mức báo động cấp một, nhưng tỉnh và TP Thái Nguyên đã chủ động gia cố, đối phó nếu lũ vượt báo động cấp ba, đê vẫn bảo đảm an toàn.

Mặc dù lũ trên sông Cầu mới ở mức báo động cấp một, nhưng tỉnh và TP Thái Nguyên đã chủ động gia cố, đối phó nếu lũ vượt báo động cấp ba, đê vẫn bảo đảm an toàn.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41526102-cuoc-song-nguoi-dan-thai-nguyen-on-dinh-lai-sau-mua-lich-su.html