Mưu sinh mùa lũ ở khu phố Ngọc Bồ

Lũ đến thì chạy đồ đoàn, vật nuôi, chạy người... Cuộc sống của hơn 100 hộ dân ở khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) vẫn tuần tự trôi qua...

Người dân khu phố Ngọc Bồ di chuyển bằng thuyền trong những ngày nước lũ.

Người dân khu phố Ngọc Bồ di chuyển bằng thuyền trong những ngày nước lũ.

Nước lũ vừa rút, gia đình ông Vũ Trung Thành (62 tuổi) lại tập trung nhân lực dọn dẹp nhà cửa. Bùn đất lép nhép, bám lên tường, nền nhà rồi tận ngoài sân, bám lên cả lá, mấy thân cây cảnh khiến cả ông và vợ chồng người con phải hì hục gần ngày trời mới xong. Trong tháng 9 này, đây đã là lần thứ 2 nhà ông phải chạy lũ rồi dọn dẹp sau lũ.

Lần trước, sau bão số 3 đổ bộ một ngày, nước sông Bưởi dâng cao, nhà ông bị ngập từ ngày 9/9 đến ngày 18/9. Nước tràn vào tận nhà, bếp núc đã được chuyển lên tầng 2 của căn nhà để đảm bảo nấu nướng. Dọn dẹp xong bùn đất, nền nhà chưa khô ráo thì ngày 22/9 nước lại dâng cao, nhà lại bị ngập. Ông thở dài: “Lũ mà, năm nào chả thế, dân tôi phải chạy lũ thường xuyên. Nước sông Bưởi dâng lên trên mức báo động I thì nhà đã bị ngập”.

Sống trong mùa lũ, cả ngày ông Thành chỉ phải làm duy nhất một việc là ngồi trông mấy con gà ngoài chuồng. Chẳng phải sợ bị mất trộm, mà trong một khoảng chuồng chật hẹp, những con gà chẳng chịu đứng yên, thi thoảng vẫn nhảy bủm xuống nước khi thấy con dế, con nhện trôi qua. Hoặc chúng cắn nhau rồi rơi xuống nước. Những lúc ấy, ông phải nhanh chóng dầm mình lội đến để vớt chúng lên. Trưa hôm trước, vì mệt nên ông ngủ, lúc tỉnh dậy đã thấy 5 con gà mái chết dưới nước phía gần chuồng. Với ông, hơn 60 con gà ấy là cả cơ nghiệp, gia tài. Bởi bị ngâm nhiều ngày trong nước lũ, hơn mẫu lúa và 2 sào mía của gia đình ông coi như mất trắng. Tài sản trong nhà cũng chẳng có gì, vợ lại ốm đau nằm liệt nhiều năm nay.

May mắn là vợ chồng người con trai ở cùng ông không làm nông. Con trai làm thợ xây, con dâu làm công nhân nhà máy may trong huyện nên cũng có bát ăn bát để. Lũ về ngập nhà cửa nhưng không ảnh hưởng nhiều đến chuyện mưu sinh. Còn ông ở nhà, vẫn thường ngày dùng thuyền đưa hai đứa cháu vào bờ đi học.

Phía nhà bên, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (61 tuổi) cũng chẳng khác. Lũ về, đồ đoàn đều được chuyển lên tầng 2 của căn nhà, từ bếp nấu, lúa gạo, cái cuốc, cái liềm... đến con vịt con gà. Do mất điện, mới hơn 3 giờ chiều, vợ chồng ông bà đã ăn bữa cơm tối trong căn phòng tối thui bừa bộn những đồ đoàn. Bà Huệ nói: “Gia đình tôi đã quen với lũ rồi. Chỉ tiếc toàn bộ diện tích lúa và mía bị mất trắng. Mấy hôm trước, do lụt lội lâu ngày, chính quyền thị trấn và các đoàn từ thiện đã đến hỗ trợ gia đình mì tôm, nước uống, bánh chưng. Lũ rút chúng tôi lại dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống”.

Khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân có 216 hộ với hơn 959 nhân khẩu, trong đó có 203 hộ với 423 nhân khẩu sinh sống ngoài đê, gần sông Bưởi. Số hộ dân này, trước đây thuộc thôn 3 Tân Sơn, xã Thành Kim. Năm 2019, thực hiện sáp nhập nguyên trạng diện tích và dân số xã Thành Kim vào thị trấn Kim Tân, thôn 3 Tân Sơn và thôn 4 Tân Sơn vốn là làng Ngọc Bồ trước đây được sáp nhập, trở thành khu phố Ngọc Bồ. Họ đã ở khu vực ngoài đê sông Bưởi từ hơn 100 năm trước và đều có trích lục đất ở.

Bao đời nay, họ vẫn thế, lũ lên thì chạy đồ đoàn, vật nuôi, chạy người. Năm ít thì một lần, năm nhiều phải chạy lũ đến 4 - 5 lần. Hầu hết họ chỉ trồng một vụ lúa, thu hoạch xong xuôi để đất trống cho lũ về. Và để thích ứng với lũ, nhà nào cũng có thuyền để di chuyển khi nước dâng cao và một vài cheo lưới bắt cá. Những hộ có nhà hai tầng, ngoài căn bếp chính ở tầng 1 thì đều có khu bếp dự phòng trên tầng 2 dự phòng trong mùa lũ. Còn những hộ có nhà cấp 4 thì lắp đặt gác xép bên trong, phòng khi nước ngập nền nhà còn có chỗ nghỉ ngơi.

Ngày 23/9, lũ trên sông Bưởi dâng trên mức báo động II, những hộ dân khu vực ngoài đê phố Ngọc Bồ lại bị nhấn chìm trong biển lũ. Nơi cao thì ngập gần 1m, nơi trũng thấp thì ngập sâu hơn, trên 2m. Không hộ dân nào không bị ngập. Cũng chẳng phân biệt được đường đi lối lại, những người lái thuyền phải căn cứ vào hàng cột điện làm phương hướng khi đi cấp phát lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân. Mà nếu thuyền di chuyển không đúng luồng tuyến, rất dễ làm đổ tường rào của người dân ở phía dưới. Còn phía ngoài xa, những cây mía cũng bị ngập, chỉ nhô lên phần ngọn chung chiêng trong dòng nước đỏ ngầu.

Chiều muộn, bên trong những căn nhà, khói vẫn nghi ngút bốc lên cho bữa cơm. Những đàn ông trung niên lại chèo thuyền vào chân đê sông Bưởi đón lũ trẻ đi học về. Ông Vũ Trọng Thành nói, khi nước dâng cao, các nhà trường đều cho học sinh trong khu phố nghỉ học. Nhưng chẳng mấy cháu chịu ở nhà, đều mặc áo phao, ngồi thuyền đi học.

Tôi hỏi một vài người dân ở đây, rằng họ có muốn di dời vào trong đê để ở không. Phần nhiều họ lắc đầu. Bởi ở đây họ có đất đai rộng rãi, thoáng mát, nếu được di dời đến khu tái định cư thì diện tích nhỏ hẹp, họ không quen. Chỉ mong muốn, Nhà nước quan tâm đầu tư đắp cao con đường nội khu phố để tạo thành con đê ngăn nước lũ. Theo người dân nơi đây, nếu con đường này được đắp cao thêm khoảng 1m, thì lũ sông Bưởi có dâng lên mức báo động III, nước cũng chẳng thể tràn vào đồng ruộng và nhà cửa của họ.

Ông Hoàng Khắc Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Kim Tân, cho biết, người dân khu vực ngoại đê sông Bưởi đã có lịch sử định cư lâu đời. Khi nước sông Bưởi dâng cao gần mức báo động II, phần nhiều nhà dân ở khu vực này đã bị ngập. Trong các đợt lũ, chính quyền địa phương đã tập trung lực lượng để di dời người già, trẻ em ở khu vực trũng thấp, nhà cấp 4 đến nơi an toàn. Đồng thời quan tâm thăm hỏi, huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân về lương thực, thực phẩm, nước uống, tuyệt đối không để hộ dân nào bị thiếu đói, hoặc không có chỗ ngủ trong những ngày nước lũ.

Bài và ảnh: Đồng Thành

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/muu-sinh-mua-lu-o-khu-pho-ngoc-bo-226396.htm