Cuộc sống ở tuổi 90 của tác giả ca khúc 'Bến cảng quê hương tôi'

Ở tuổi gần đất xa trời, nhạc sĩ của ca khúc 'Bến cảng quê hương tôi' vẫn trọn vẹn một tình yêu với âm nhạc.

Nhạc sĩ Hồ Bắc hiện sống cùng con trai thứ hai

Nhạc sĩ Hồ Bắc hiện sống cùng con trai thứ hai

Cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Hồ Bắc mang tới nhiều khoảng lặng. Ở tuổi gần đất xa trời, nhạc sĩ của ca khúc “Bến cảng quê hương tôi” vẫn trọn vẹn một tình yêu với âm nhạc.

“Giờ chỉ sống được ngày nào, biết ngày đó”

Chiều mùa hạ cuối tháng 7, chúng tôi tìm tới nhà nhạc sĩ Hồ Bắc. Nằm trong khu chung cư ở Mỹ Đình, căn hộ nhỏ của ông khá yên tĩnh, đối lập hẳn với không khí náo nhiệt bên ngoài. Đón chúng tôi là một người đàn ông tóc đã ngả màu. Anh là Hồ Nam (66 tuổi) - con trai thứ hai của nhạc sĩ Hồ Bắc.

Trong những ký ức chợt nhớ chợt quên của tuổi già, khi nói chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Hồ Bắc chỉ tay lên ban thờ, nơi đặt di ảnh của vợ và giới thiệu: “Vợ tôi!”. Hành động ấy chợt khiến chúng tôi lặng đi. Một người ở tuổi gần đất xa trời vẫn luôn nhớ tới người vợ quá cố, cho thấy ông yêu thương và trân trọng bà tới mức nào.

Nhạc sĩ Hồ Bắc ngồi giữa nhà, trên một chiếc xe lăn. Ông ngước lên chào khách bằng một cái gật đầu. 3 năm trước, ông bị một cơn đột quỵ nhẹ, ngã gãy xương.

Giờ nhạc sỹ chỉ có thể ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt đều do con trai lo liệu. Trước đây, ông sống với vợ nhưng bà đã qua đời cách đây 3 năm. Ông bà có 5 người con, hiện ông sống với con trai thứ hai.

Theo anh Nam, từ khi bị bệnh, ông chỉ ở nhà. Nhà chỉ có hai bố con, anh Nam cũng không dám đi đâu bởi sợ khi mình không có mặt, ông đứng dậy sẽ ngã. “Ông vẫn nghĩ mình đứng được”, anh tâm sự.

Do ảnh hưởng của cơn đột quỵ cùng tuổi già, nhạc sĩ Hồ Bắc bị lãng tai nên ông cũng ít nói chuyện. “Bác bây giờ sống được ngày nào hay ngày đấy. Bác không đi được, cũng không ra khỏi nhà. Các cháu gọi điện đến, anh Nam nghe chứ bác không nghe được”, nhạc sĩ nói.

Ở tuổi 90, tác giả của hàng loạt tác phẩm âm nhạc nổi tiếng từ: “Làng tôi”, “Bên kia sông Đuống”, “Ca ngợi Tổ quốc”… vẫn giữ vẻ khiêm nhường, hiền hậu. Với những người quen biết nhạc sĩ Hồ Bắc, họ đều nhớ tới ông chính bởi đặc điểm: Người nhạc sĩ dịu dàng, nhỏ nhẹ như chính những tác phẩm của ông. Một người mà cố nhà văn Phạm Toàn gọi là “người đàn ông hiền hòa”.

Quả thực, những tác phẩm của Hồ Bắc đều có điểm chung là sự lãng mạn, dịu dàng như chính con người ông. Đến nỗi, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, từng có thời điểm âm nhạc của Hồ Bắc bị chê sướt mướt, tình cảm chủ nghĩa khiến nhạc sĩ nghĩ ngợi và thoáng buồn.

Nhưng, ông vẫn luôn viết theo tình cảm của một nhạc sĩ cách mạng. “Có lẽ cái đắm đuối tình cảm trong các giai điệu của Hồ Bắc là do anh xuất phát từ con người chứ không phải vì công việc, ngành nghề hay sự kiện. Hồ Bắc khám phá lòng người (cũng là lòng mình) để diễn tả sự kiện”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định về người đàn anh của mình.

Dấu ấn “Bến cảng quê hương tôi”

Nhạc sĩ Hồ Bắc (phải) chụp ảnh cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Hồ Bắc (phải) chụp ảnh cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Trong căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Hồ Bắc, ngoài những tập đĩa nhạc được ông sưu tập và được tặng trước đây, hình ảnh của ông cùng các đồng nghiệp, còn có những tấm bằng khen đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật.

Trong đó, treo trang trọng ở một góc nhà là Kỷ niệm chương của Bộ GTVT trao tặng người nhạc sĩ đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển GTVT Việt Nam, với ca khúc “Bến cảng quê hương tôi” từng được bình chọn là 1 trong 10 bài hát hay nhất về ngành GTVT.

Tuổi già sống lặng lẽ trong căn hộ nhỏ nhưng ông đã có quãng thời gian tuổi trẻ sôi nổi đầy nhiệt huyết trong âm nhạc. Các tác phẩm của ông gắn liền với hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. “Bến cảng quê hương tôi” ra đời trong kháng chiến chống Mỹ, được ông viết vào năm 1970 trong một dịp được các lãnh đạo TP Hải Phòng mời xuống đi thực tế để sáng tác về đất Cảng.

Khi đó, chiến tranh Việt Nam với Mỹ đang trong giai đoạn leo thang, khốc liệt. Miền Bắc trở thành hậu phương lớn của cả nước và Cảng Hải Phòng là nơi trung chuyển quan trọng, chở những chuyến hàng chi viện cho miền Nam.

Trong những ngày ấy, nhạc sĩ Hồ Bắc đã đi lại rất nhiều lần, chứng kiến những hoạt động nhộn nhịp ở bến cảng lớn nhất miền Bắc. Rồi trong một chiều lang thang ở cầu cảng, nhạc sĩ đã bắt gặp hình ảnh của những cô thanh niên mặc áo công nhân bạc màu, đi giày vải, đội mũ nhựa trắng với mái tóc dài bay trong gió biển.

Lập tức, hình ảnh đậm chất thơ ấy đánh thức cảm xúc trong ông. Cảm phục trước tinh thần lao động nhiệt huyết, hăng say của những người công nhân, chỉ trong hai ngày, nhạc sĩ Hồ Bắc đã viết nên “Bến cảng quê hương tôi”.

Bài hát có nhịp điệu gấp gáp, tươi vui và như thúc giục: Tuổi thanh xuân thiết tha với bến cảng/ Ta chiến đấu nơi đây bao ngày đêm/ Nghe sóng vỗ mênh mang khi triều lên/ Ta bám biển, ta bám tàu/ Cho những con tàu mau rời sang bến mới/ Cho những chuyến hàng lên đường đi đánh Mỹ…

Rất nhanh chóng, ca khúc khi ra đời đã được người dân đất Cảng đón nhận nhiệt liệt. Được biết, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khi đó là ông Hoàng Hải Nhân đã đích thân viết thư tay cảm ơn nhạc sĩ Hồ Bắc và mong có dịp mời ông cùng đến nhà dùng cơm.

Nói về những năm 70, nhạc sĩ Thụy Kha kể, “Bến cảng quê hương tôi” là một trong những bài hát đầu tiên mang hơi thở nhạc nhẹ. Bởi thế, không chỉ ở miền Bắc mà sau khi miền Nam được giải phóng, người dân Sài Gòn cũng hát bài này rất nhiều.

“Lúc mới viết xong, bài hát đã được thu âm trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời đó ca khúc rất hot, từ Bắc vào Nam người dân đều biết”, nhạc sĩ Thụy Kha nhớ lại.

Ca khúc đã giúp nhạc sĩ Hồ Bắc được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001. Và mặc dù trong bài hát không có chữ “Hải Phòng” nào nhưng chỉ cần hát lên, người ta lập tức cảm nhận được sự nhộn nhịp nơi thành phố Cảng. Cho đến giờ, ngoài “Thành phố Hoa phượng đỏ” (sáng tác Hải Như) thì “Bến cảng quê hương tôi” cũng được coi là một “Hải Phòng ca” được người dân yêu thích.

Mặc dù, trí nhớ của tuổi già không cho phép ông nhớ nhiều về những năm tháng sôi nổi đã qua, nhưng nhạc sỹ Hồ Bắc vẫn khiêm tốn khi nhắc về sáng tác của mình. “Tôi chỉ muốn đóng góp một chút gì đó cho Tổ quốc, muốn ca ngợi tinh thần làm việc của anh em công nhân, để họ có tinh thần làm việc hăng say, phục vụ cho đất nước”, người nhạc sỹ năm nay đã 90 tuổi nói.

Suốt một đời cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, giờ đây, ông sống an nhiên bên con trai nhưng tình yêu âm nhạc của người nhạc sĩ vẫn chưa bao giờ thôi cháy bỏng. Ông vẫn được con trai bật cho nghe những bài hát một thời, để rồi khi nhận ra đó là sáng tác của mình, ông quay sang thủ thỉ với niềm tự hào: “Bài của bố đấy!”.

Có một câu chuyện về Hồ Bắc mà ít người biết đến, đó là Tết Mậu Thân 1968, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhạc sĩ đã yêu cầu các nhạc sĩ sáng tác ngay nhiều bài hát mới trong những ngày quật khởi của dân tộc. Việc gấp khiến ông vô cùng căng thẳng và không nuốt nổi cơm. Ông đã viết nên “Sài Gòn quật khởi” chỉ trong một đêm nhưng để có được tác phẩm ấy, nhạc sĩ đã phải xin lỗi vợ con vì… không thể đưa các con đi chơi.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuoc-song-o-tuoi-90-cua-tac-gia-ca-khuc-ben-cang-que-huong-toi-d477363.html