Cuộc sống sau chiến tranh của lính trẻ em ở châu Phi
Kể từ khi ra đời vào năm 2000 đến nay, Nghị định thư của Liên Hợp Quốc cấm sử dụng binh lính trẻ em đã được 126 nước ký kết. Nhưng đến nay vẫn có khoảng 300.000 - 500.000 trẻ em tại 87 quốc gia khác nhau tham chiến.
Các em vị thành niên bị ép buộc hay tự nguyện trở thành binh lính, điệp viên, liên lạc viên, đầu bếp,… Sức khỏe và tinh thần của các em chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh.
Một số tổ chức nhân đạo đã nỗ lực để giúp các em tái hòa nhập cộng đồng và lấy lại cuộc sống bình thường, tuy nhiên vấn đề này vẫn cần thêm nhiều sự đóng góp và quan tâm từ cộng đồng quốc tế.
Những vết sẹo và…
Tiến sỹ Theresa Betancourt của trường Đại học Harvard (Mỹ) là Giám đốc Chương trình nghiên cứu về trẻ em sống giữa những thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra. Trong 9 năm liền bà và các cộng sự đã đến nhiều quốc gia để phỏng vấn trẻ em đã từng đi lính.
Số liệu mà họ thu được vẽ lên một bức tranh không mấy sáng sủa. Riêng tại Sierra Leone, có tới 77% lính vị thành niên từng chứng kiến người thân bị giết chết, 52% từng chứng kiến các vụ thảm sát, 39% bị buộc sử dụng ma túy, 27% từng giết người, và 45% em gái và 5% em trai từng bị hãm hiếp.
Thật khó để người ta tưởng tượng được một đứa trẻ phải trải qua những điều kinh khủng như thế. Nhưng đây là thực tế hàng ngày tại các vùng chiến sự.
Các cấp lãnh đạo chính trị và chỉ huy quân sự ở nhiều nước hoàn toàn không có một chút do dự nào khi bắt trẻ em đi làm lính cả. Có quá nhiều mối nguy hiểm khác nhau đang chực chờ các em. Các em có thể bị bắn, bị đâm, bị đánh đập, bị tẩy não, bị lạm dụng tình dục, bị mắc bệnh,…
Chiến tranh kết thúc cũng không làm tình hình khá hơn cho những “cựu binh” trẻ con. Về mặt sức khỏe, không thiếu gì trẻ em từng mất đi một phần cơ thể trên chiến trường.
Tại những nước vừa mới xảy ra xung đột, hoàn toàn không có bất cứ cơ sở hạ tầng hay tổ chức nào hỗ trợ các em vượt qua khuyết tật. Đấy còn là chưa kể điều kiện vệ sinh công cộng quá tồi tệ khiến cho nhiều em vốn đã có thể trạng yếu ớt vì thiếu ăn và bị buộc làm việc đến kiệt sức, mắc bệnh.
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi chiến tranh kết thúc ở Congo và Sri Lanka, dịch sốt xuất huyết, kiết lị và đủ các loại bệnh tật nguy hiểm khác xuất hiện. Hầu hết các em mắc bệnh sẽ chết hay chịu thương tật suốt đời vì không tiếp cận được với thuốc men.
Trẻ em gái trong vùng chiến sự thường xuyên bị lạm dụng tình dục. Bà Pernille Ironside, một chuyên gia bảo vệ quyền trẻ em của UNICEF hoạt động tại Congo, cho biết: “Trong thời kỳ nội chiến Congo có đến 200.000 phụ nữ và trẻ em gái bị hãm hiếp. Các bên tham gia chiến tranh sử dụng việc hãm hiếp và dùng dao rạch mặt phụ nữ làm công cụ khủng bố tinh thần… Không hiếm phụ nữ, trẻ em gái đã bị bắt cóc và trở thành “đồ chơi” của binh lính”.
Hai khó khăn lớn nhất mà nạn nhân bị lạm dụng tình dục phải đối mặt khi trở về cộng đồng là sức khỏe và sự kỳ thị. Bà Pernille Ironside chỉ ra số lượng cao đến đáng lo ngại những phụ nữ bị thương bởi bạo lực tình dục. Kể cả trong trường hợp vết thương không nhiễm trùng dẫn đến tử vong, mạng sống của bệnh nhân cũng chỉ tính bằng tháng.
Trong khi đó các bệnh lây lan qua đường tình dục như giang mai và HIV/AIDS đã trở thành đại dịch ở vùng chiến sự. Những trường hợp không may mang thai vì không được tiếp cận với những biện pháp phá thai hiện đại nên buộc phải chọn giữa việc dùng đến những thủ thuật lạc hậu và thiếu an toàn, hoặc sinh con trong tình trạng cơ thể người mẹ còn quá trẻ, chưa đủ phát triển để có thể vượt cạn.
Những em gái bị lạm dụng tình dục khi trở về nhà sẽ phải chịu sự kỳ thị, đặc biệt trong những xã hội còn bảo thủ, nặng về truyền thống. Các em có thể bị gia đình hắt hủi, bị đuổi khỏi làng.
Ở vùng ngoại ô thủ đô Brazzaville của Cộng hòa Congo có một khu vực nơi trẻ em, trong đó có nhiều em từng bị bắt đi lính, tụ tập lại sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”.
Nhiều em gái không còn nhà nên đã phải lưu lạc đến nơi đây. Các em có thể chật vật kiếm miếng ăn không những cho bản thân mà còn cho con mình nữa.
Trải qua quá nhiều chấn động như vậy, không lạ gì khi trẻ em sau cuộc chiến mắc phải chấn thương tâm lý nghiêm trọng.
Theo thống kê ở Uganda, không dưới 25.000 trẻ em bị quân khủng bố Lord's Resistance Army bắt đi làm lính. Một cuộc điều tra tổ chức năm 2012 cho thấy, các em sau khi được giải cứu gặp rất nhiều khó khăn trong điều chỉnh hành vi thường ngày của mình. 51,5% các em từng rơi vào trạng thái mất kiểm soát giữa ban ngày do nhớ lại ký ức thời chiến. 40,9% gặp các vấn đề về mất ngủ, ăn nói khó khăn, sợ tiếp xúc với người khác,…
Đấy là chưa kể những tư tưởng độc hại mà các đối tượng khủng bố từng “nhồi nhét” vào các em. Việc “đánh bật” những tư tưởng này cũng khó khăn và kéo dài tương đương với việc chữa cai nghiện cho trẻ em.
Về phần mình, chính phủ nhiều nước có hai hướng giải quyết đối với vấn đề “cựu binh” trẻ em: làm ngơ hay bắt các em vào tù. Quân IS từng bắt buộc hay dụ dỗ nhiều em nhỏ trở thành chiến binh “thánh chiến”.
Sau khi IS bị đánh đuổi, các em bị quân đội Iraq bắt giữ, đưa ra tòa rồi bỏ tù. Đây là một hành vi rất sai lầm về mặt luật pháp, do không những các em chưa đủ nhận thức về hành động của mình, mà IS còn lừa đảo hay sử dụng vũ lực để buộc các em tham gia chiến tranh.
Về mặt đạo đức, bỏ tù trẻ em không khác nào “giết chết” tương lai của các em. Công tố viên David Crane, người tham gia phiên tòa chiến tranh tổ chức sau cuộc xung đột ở Sierra Leon, đã thẳng thừng tuyên bố: “Đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi buộc tội trẻ em bị bắt làm lính… Tôi muốn buộc tội những kẻ đã buộc hàng nghìn em nhỏ thực hiện các tội ác ghê tởm nhất!”
Quá trình phục hồi, nhưng…
UNICEF và các tổ chức phi chính phủ khác như Save the Children và War Child đã bỏ ra không ít công sức để giúp các em nhỏ tái hòa nhập cộng đồng sau chiến tranh.
Những chương trình nhân đạo của họ được xây dựng dựa trên nhận biết rằng, trẻ em không chỉ là đối tượng bị động trong quá trình tái hòa nhập. Các em có quyền và có khả năng đóng góp tích cực trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh của bản thân.
Tại Congo, Sudan và Sierra Leone, UNICEF đã thành lập được một quy trình hồi phục cho trẻ em bị bắt làm lính rất tốt. Sau khi đã chữa trị hết những thương tích, các em sẽ được chuyển vào những trung tâm chăm sóc chuyển tiếp.
Cứ khoảng 20 - 30 em sẽ được nhóm vào một nhóm cùng sinh hoạt và học tập cùng nhau không khác nhiều với khi ở trường nội trú. Cũng như nhiều nạn nhân từng bị sốc tâm lý khác, cho các em tiếp xúc ngay với thế giới bên ngoài là điều rất không nên.
Từng em nhỏ sẽ nhận được sự hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia UNICEF. Trong trường hợp tổ chức tìm được gia đình các em, họ sẽ tư vấn cả cho cha mẹ nữa. Gia đình và bạn bè sẽ hỗ trợ trẻ em trong cả quá trình hồi phục. Sau ba tháng đến một năm các em sẽ được trở về với cộng đồng.
Theo tiến sỹ Alexander Butchard thuộc Cục Phòng chống bạo lực, thương tích và thương tật của WHO, cách tiếp cận vấn đề này đã “cho kết quả tích cực. Các đối tượng tham gia không còn xuất hiện những dấu hiệu bất ổn tâm lý trong cuộc sống hằng ngày và đã có thể tham gia lại những hoạt động từng làm trước khi bị bắt làm lính”.
Chiến tranh mang tính chất diệt chủng thường xuyên đã khiến nhiều trẻ em không còn nơi nào khác để trở về sau khi ngừng chiến.
Ông Obonyo Tom, Giám đốc Tổ chức Phát triển cộng đồng Agoro (Uganda), một khu vực bị tàn phá nặng nề bởi nội chiến Uganda kéo dài 17 năm, cho biết: “Tôi thường xuyên nghe thấy nhiều người nói rằng những đứa trẻ sống tốt hơn trong thời chiến vì ít ra còn có chỗ ngủ và được cho ăn”.
Hiệp hội Phát triển cộng đồng Agoro đã liên kết với một tổ chức nhân đạo Canada để xây dựng một trung tâm đào tạo tin học cho trẻ em. Sau quá trình đào tạo tin học, những đứa trẻ ban đầu có thể còn đọc chưa sõi nay đã sử dụng thành thạo máy tính.
Đây chỉ là một trong nhiều mô hình đào tạo nghề cho trẻ em sau chiến tranh đang nở rộ khắp châu Phi. Các em sẽ được đào tạo những nghề nghiệp vừa sức như nghề mộc, nghề may, cắt tóc,… đồng thời hỗ trợ về vốn và công cụ khởi nghiệp.
Việc này không chỉ giúp các em tự kiếm sống bằng sức lao động của mình mà nó còn giúp các em lấy lại sự tự tin để tái hòa nhập cộng đồng.
Thế giới có thể làm được gì?
Tiến sỹ Theresa Betancourt phát biểu trong một buổi hội thảo quốc tế như sau: “Cộng đồng quốc tế cần có những cam kết hỗ trợ lâu dài thay vì chỉ chăm chắm rút trợ cấp sau năm, mười năm đối với các em”.
Một ví dụ được bà Theresa đưa ra là Sierra Leone. Ngay khi hình ảnh đất nước này ngừng xuất hiện trên các đài truyền hình quốc tế, nguồn trợ cấp cho họ cũng cạn ngay. Ngày nay Sierra Leone vẫn phải vật lộn với những hậu quả từ cuộc chiến kết thúc 20 năm trước.
Sierra Leone nằm ở vị trí 158 trên 169 trong danh sách phát triển quốc gia của Liên Hợp Quốc. Cả đất nước chỉ có một bác sỹ tâm lý sắp nghỉ hưu. Thật khó để bất kỳ chương trình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng nào có thể thành công trong hoàn cảnh đó.
Các nguồn lực của UNICEF và những tổ chức nhân đạo khác đang cạn dần. Họ đang phải đối phó với quá nhiều thảm họa nhân đạo, từ chiến tranh ở Trung Đông; hiện tượng xa mạc hóa ở Châu Phi, cháy rừng ở Nam Mỹ và COVID-19.
Trong bối cảnh đó nhiều quốc gia lớn trong đó có Mỹ đã cắt trợ cấp cho những tổ chức này. Thực hiện hoạt động hỗ trợ nhân đạo là cả một quá trình lâu dài và tốn kém. Ước tính chỉ riêng UNICEF cũng sẽ cần 2,5 tỷ USD/ năm để làm tốt nhiệm vụ của mình.