Cước tàu biển 'ăn mòn' lãi, Thủy sản Nam Việt (ANV) cách xa mục tiêu kinh doanh cả năm

Mặc dù sản lượng tiêu thụ đã có tín hiệu phục hồi, biên lợi nhuận của Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV) đang bị 'bào mòn' bởi giá cước tàu biển tăng cao.

Sau 9 tháng đầu năm, Thủy sản Nam Việt mới hoàn thành 14% kế hoạch lợi nhuận năm đã đề ra.

Sau 9 tháng đầu năm, Thủy sản Nam Việt mới hoàn thành 14% kế hoạch lợi nhuận năm đã đề ra.

Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt 1.341 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 103%, đạt 172 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận gộp theo quý cao nhất trong 6 quý vừa qua của công ty.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Thủy sản Nam Việt ghi nhận lãi ròng đạt 28 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1 tỷ đồng đạt được trong quý 3/2024.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thủy sản Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.550 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ và lãi ròng đi ngang, đạt 42,5 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lãi cả năm.

Bên cạnh việc tiêu thụ cá tra tại Trung Quốc, thị trường chủ lực của Thủy sản Nam Việt, phục hồi chậm dưới tác động của các khó khăn kinh tế, lợi nhuận của công ty còn bị bào mòn bởi giá cước vận tải biển tăng cao. Chi phí vận chuyển trong 2 quý gần đây của của Thủy sản Nam Việt đã tăng gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá sơ bộ của một số hãng chứng khoán, Thủy sản Nam Việt sẽ khó có thể hoàn thành kế hoạch lãi đặt ra trong năm nay bởi giá cước tàu sẽ khó giảm trong quý 4 khi tình hình xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp. Điều này làm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của Thủy sản Nam Việt bởi chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu chi phí của công ty này.

Về triển vọng xuất khẩu cá tra trong thời gian tới, hãng Chứng khoán KB (KBSV) hiện kỳ vọng ngành cá tra Việt Nam sẽ phục hồi vào cuối năm nay nhờ động lực chủ yếu từ thị trường Mỹ. Trong đó, giá cá tra xuất khẩu dự kiến sẽ tăng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu ANV của Thủy sản Nam Việt từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu ANV của Thủy sản Nam Việt từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 3 quý đầu năm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, đối với các doanh nghiệp nội địa, Thủy sản Nam Việt giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cá tra với sản phẩm chủ lực là cá đông lạnh thành phẩm. Sản phẩm này chiếm 80% cơ cấu doanh thu của Thủy sản Nam Việt.

Trong một diễn biến có liên quan, Thủy sản Nam Việt cho biết sẽ phát hành hơn 133,1 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 01 cổ phiếu thưởng nữa.

Nguồn vốn phát hành là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2023. Sau đợt phát hành, Thủy sản Nam Việt dự kiến thu về 1.331,3 tỷ đồng, giúp vốn điều lệ tăng gấp đôi, đạt 2.666,7 tỷ đồng. Qua đó, đưa Thủy sản Nam Việt trở thành doanh nghiệp chế biến cá tra có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, Thủy sản Nam Việt cũng dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt vào ngày 27/12. Tỷ lệ thực hiện quyền là 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng cổ tức. Với 133,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty cần chi khoảng 66,6 tỷ đồng để trả cổ tức.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/cuoc-tau-bien--an-mon--lai--thuy-san-nam-viet--anv--cach-xa-muc-tieu-kinh-doanh-ca-nam-128775.htm