Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc: Đa dạng sắc màu âm hưởng dân tộc

Từ ngày 10 đến 14-6, 19 đơn vị nghệ thuật đến từ nhiều vùng miền trong cả nước đã tụ hội tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (46 Trần Phú, TP. Nha Trang) để tham gia Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc (đợt 1) năm 2023. Những thanh âm bổng trầm, da diết từ các tác phẩm âm nhạc truyền thống được thể hiện qua các loại nhạc cụ dân tộc như tiếng lòng của người nghệ sĩ mang đến cuộc thi.

Nhiều sắc màu văn hóa, âm nhạc, nhạc cụ dân tộc

Theo dõi phần thi diễn của các đơn vị nghệ thuật, khán giả được đắm mình trong những không gian âm nhạc được thể hiện qua nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Ngay trong đêm thi đầu tiên, đơn vị Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng của chủ nhà Khánh Hòa đã gửi tới khán giả chương trình Khúc vỹ thanh từ đất, thể hiện đậm nét sắc màu văn hóa của dân tộc Chăm, Raglai và những cư dân miền biển. Các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang lại gửi tới khán giả phố biển chương trình Nẻo về miền đá. Ở đó, những giai điệu âm nhạc của đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc đã được khéo léo chuyển tải tới khán giả bằng thanh âm của tiếng sáo trúc, sáo Mèo, khèn Mông… gợi về một vùng cao nguyên đá, những phiên chợ vùng cao, những lời tự tình của trai gái yêu nhau. Khán giả còn được hòa mình vào không gian văn hóa, âm nhạc dân tộc Khmer miền Tây Nam Bộ do các nghệ sĩ đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh) biểu diễn qua những giai điệu Chhu-chchay, Sa-ra-na… với những nhạc cụ truyền thống độc đáo như: Ro-niêt-ek, Ro-niêt-thung, Tà-khê, Th’ruô-u, đàn Khưm, trống vỗ tay Sko-đay, kèn Sro-lay…

Phần thi của các nghệ sĩ, giảng viên Học viện Âm nhạc Huế với chương trình Đất nước thái hòa đã dành được nhiều tình cảm của khán giả. Ở đó, có tiếng đàn tranh réo rắt bản nhạc Lý ngựa ô Huế, có điệu buồn man mác trên sông Hương trong khúc Nam bình, có niềm hân hoan qua tác phẩm Đất nước thái hòa với những giai điệu âm nhạc đặc trưng xứ Huế được liên tục đảo phách, đổi nhịp. Đến từ miền Đông Nam Bộ, các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Phước truyền tới khán giả thanh âm của đại ngàn, gắn liền với hình ảnh của những chàng trai, cô gái dân tộc S’tiêng. Với chủ đề Hồn đất vọng tình chiêng, các nghệ sĩ đã phô diễn được những nét tinh hoa, độc đáo qua các tiết mục hòa tấu nhạc cụ chiêng, trống, đàn T’rưng, đàn K’lông pút, sáo trúc… Một trong những phần thi tạo được ấn tượng đẹp đến người xem chính là chương trình Nặng tình phương nam của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh). Thông qua những bản hòa tấu các loại nhạc cụ dân tộc, những bản độc tấu đàn bầu, đàn kìm đã dẫn dắt khán giả đến với khung trời phương nam thắm nghĩa nặng tình...

Các nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Huế đưa đến những tác phẩm mang đậm màu sắc văn hóa đất cố đô.

Các nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Huế đưa đến những tác phẩm mang đậm màu sắc văn hóa đất cố đô.

Nơi giao lưu, học hỏi

Theo ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, lựa chọn Nha Trang - Khánh Hòa làm địa điểm tổ chức đợt 1 của Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc bởi nơi đây hội tụ các yếu tố đảm bảo cho cuộc thi diễn ra thành công. Qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn các đơn vị nghệ thuật, trường đào tạo chuyên ngành âm nhạc dân tộc ở Nha Trang - Khánh Hòa có dịp giao lưu, học hỏi từ các đơn vị khác trong toàn quốc. Bởi đây là một cuộc thi chuyên nghiệp nên các đơn vị nghệ thuật tham gia thi đều rất chăm chút, trau chuốt các chương trình, tiết mục của mình, cử những nghệ sĩ xuất sắc nhất tham gia. Thực tế qua phần thi của các đơn vị đã mang nhiều sắc màu văn hóa, âm nhạc, nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam đến Nha Trang - Khánh Hòa. Từ vị trí của một khán giả xem chương trình thi diễn của các đơn vị, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức cho rằng, cuộc thi là một hoạt động rất cần thiết đối với một thành phố phát triển du lịch như Nha Trang, giúp nhân dân được thưởng thức nhiều loại hình nhạc cụ dân tộc với đầy đủ các thể loại âm nhạc truyền thống. Đối với các nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật của tỉnh, đây là cơ hội quý để học tập được nhiều điều bổ ích từ các đơn vị dự thi, trong đó có nhiều đơn vị mạnh đã khẳng định được danh tiếng lâu nay. Đồng tình với điều này, nghệ sĩ Phương Linh (Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng) cho biết: “Sau phần thi của đoàn, tôi đã dành thời gian theo dõi hết các phần thi của các đơn vị bạn để thấy khả năng của mình đến đâu. Tôi cũng có ý tưởng sẽ thử nghiệm những cách thức, kỹ thuật biểu diễn mới để có thể hoàn thiện mình hơn”.

Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc thi, ông ĐINH VĂN THIỆU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp có cơ hội được giao lưu, học hỏi, thể hiện tài năng của mình. Từ đó, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tư tưởng nhân văn để phục vụ công chúng, góp phần gìn giữ, phát huy tinh hoa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202306/cuoc-thi-doc-tau-va-hoa-tau-nhac-cu-dan-toc-toan-quocda-dang-sac-mau-am-huong-dan-toc-ebb30fc/