Cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học: Tạo nguồn dự án từ cơ sở

Để tạo dựng được phong trào, lựa chọn những dự án xuất sắc tham dự cuộc thi cấp quốc gia, phải tổ chức lựa chọn từ cấp trường, cấp tỉnh...

Giáo viên, học sinh Trường THPT Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) với sản phẩm máy bắt muỗi - giải Ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2021 - 2022. Ảnh: NTCC

Giáo viên, học sinh Trường THPT Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) với sản phẩm máy bắt muỗi - giải Ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2021 - 2022. Ảnh: NTCC

Để có được những dự án chất lượng tham gia tranh tài tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS - THPT, chắc chắn phải tạo dựng được phong trào từ cơ sở, có “nguồn” dự án chất lượng từ cấp trường, cấp tỉnh.

Còn cuộc thi cấp trường, tỉnh?

Quy chế cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS, THPT được Bộ GD&ĐT ban hành kèm Thông tư số 06/2024/TT ngày 10/4/2024; có hiệu lực thi hành từ 27/5/2024. Thông tư số 06 không còn nội dung “đơn vị dự thi chỉ đạo, tổ chức cuộc thi khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học ở địa phương, đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế” như Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT, nên có một số ý kiến băn khoăn: Liệu năm học 2024 - 2025 có còn tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp tỉnh?

Nghiên cứu Thông tư số 06/2024/TT, thầy Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thông tư đưa ra quy định về kỳ thi cấp quốc gia, không có dòng nào nói bãi bỏ kỳ thi các cấp dưới. Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP Hồ Chí Minh vẫn tổ chức kỳ thi cấp trường, ngoài để chọn ra 2 dự án tham dự kỳ thi cấp quốc gia còn nhằm khuyến khích, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ đồng quan điểm và cho rằng: Để tạo dựng được phong trào, lựa chọn những dự án tiêu biểu, xuất sắc tham dự cuộc thi cấp quốc gia, phải tổ chức lựa chọn từ cấp trường, cấp tỉnh - như nội dung trong Thông tư 06 là phù hợp.

Nhiều năm tham gia Hội đồng đánh giá dự án khoa học kỹ thuật cấp trường, đồng thời trực tiếp hướng dẫn một số đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh, thầy Hoàng Công Lữ - giáo viên Trường THPT Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng: Hiểu Thông tư 06 bãi bỏ cuộc thi cấp trường, cấp tỉnh là thiếu cơ sở.

Thông tư 06 không có phần nào quy định không tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, cấp huyện (phòng) và trường THPT. Về quy trình đăng ký, phê duyệt và lựa chọn dự án dự thi, Thông tư 06 yêu cầu người đứng đầu cơ sở giáo dục phê duyệt kế hoạch nghiên cứu và người hướng dẫn theo đề nghị của tổ chuyên môn; chỉ đạo tổ chuyên môn theo dõi, hỗ trợ quá trình nghiên cứu của học sinh theo kế hoạch đã được phê duyệt. Cơ sở giáo dục tổ chức đánh giá dự án của học sinh; lựa chọn dự án gửi đơn vị dự thi để được đánh giá, lựa chọn… Đối với đơn vị dự thi, tổ chức thẩm định dự án của học sinh theo tiêu chí đánh giá tại phụ lục của quy chế, lựa chọn dự án tham gia cuộc thi…

“Nếu cho rằng, Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh chỉ tổ chức ở cấp quốc gia, không tổ chức ở cấp trường đến tỉnh, theo tôi là thiếu cơ sở. Nếu không có cuộc thi cấp trường, phòng GD&ĐT thì làm sao có thể lựa chọn được đề tài, dự án xuất sắc nhất để tham dự cuộc thi cấp quốc gia?

Nếu mỗi đơn vị từ cấp tỉnh trở lên có 1 - 2 dự án tham gia cuộc thi cấp quốc gia, mà không tổ chức vòng thi cấp tỉnh, huyện, trường, thì những dự án đó lấy ở đâu? Chẳng lẽ chỉ định cho một, hai trường THCS, THPT nào đó làm dự án để gửi thi quốc gia? Như vậy sẽ đi ngược lại với tinh thần chung, mục đích và ý nghĩa của cuộc thi do Bộ GD&ĐT ban hành”.

Chia sẻ điều này, thầy Hoàng Công Lữ đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có chỉ đạo, hướng dẫn, thông tin cụ thể liên quan đến việc tổ chức cuộc thi ở các cấp cơ sở, tránh cách hiểu khác nhau liên quan đến Thông tư 06; để các nhà trường, giáo viên và học sinh nắm được thông tin chính xác, kịp thời.

 Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) với dự án ngôi nhà thông minh. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) với dự án ngôi nhà thông minh. Ảnh: NVCC.

Lựa chọn dự án chất lượng từ cơ sở

Để nâng cao chất lượng, thực chất trong tổ chức thi khoa học, kỹ thuật cho học sinh trung học, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thái Bình cho rằng, trước hết các sở GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ để hiểu tinh thần hướng dẫn của Thông tư 06. Từ đó, làm tốt công tác truyền thông tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong ngành Giáo dục để thống nhất trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tạo đồng thuận cao trong ngành và sự ủng hộ của phụ huynh, các tổ chức, cá nhân liên quan.

Căn cứ vào Thông tư 06, sở GD&ĐT xây dựng quy chế tổ chức đánh giá, lựa chọn các dự án của tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia; hướng dẫn cơ sở giáo dục đánh giá, lựa chọn các dự án tham gia cuộc thi cấp tỉnh với mục tiêu, nội dung, yêu cầu, tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng và định lượng được.

Đặc biệt, trong khâu đánh giá, lựa chọn dự án cấp tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia cần đặc biệt chú trọng lựa chọn thành viên ban giám khảo là nhà khoa học, nhà giáo có uy tín, chuyên môn phù hợp với mỗi lĩnh vực của cuộc thi. Điều này giúp lựa chọn được dự án chất lượng, đảm bảo sự trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với năng lực của học sinh.

Từ thực tiễn tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, theo thầy Trang Minh Thiên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ), để nâng cao hiệu quả cuộc thi khoa học kỹ thuật, nhất là ở cơ sở, nhà trường cần được trang bị đầy đủ phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu để học sinh có cơ hội thực hành.

Ngoài ra, kết nối với cơ sở nghiên cứu ngoài trường cũng là cách giúp trò tiếp cận nhiều hơn với môi trường nghiên cứu chuyên sâu. Việc tổ chức phải khoa học, rõ ràng, từ đăng ký tham gia cho đến khâu chấm điểm; có hướng dẫn chi tiết và minh bạch để học sinh, giáo viên dễ dàng nắm bắt, thực hiện.

Bên cạnh đó, cần rõ ràng quy trình đánh giá dự án, có hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể về tính sáng tạo, ứng dụng thực tiễn, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng thuyết trình. Đội ngũ giám khảo nên bao gồm các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực để đảm bảo tính công bằng và đa chiều.

“Xây dựng đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn để chia sẻ, học tập lẫn nhau ở các lĩnh vực nghiên cứu cũng vô cùng quan trọng. Giáo viên hướng dẫn cần được tập huấn chuyên sâu về phương pháp nghiên cứu khoa học, quy trình phân tích, xử lý số liệu trong nghiên cứu; chủ động phát hiện học sinh có tố chất để bồi dưỡng tạo nguồn; khuyến khích học sinh chọn đề tài gần gũi với cuộc sống, có tính ứng dụng cao hoặc giải quyết các vấn đề tại địa phương…”, thầy Trang Minh Thiên chia sẻ kinh nghiệm.

Quá trình làm việc với học sinh, giáo viên hướng dẫn trong trường, tôi nhận thấy nhiều em thực sự đam mê sáng tạo và nghiên cứu, dù chỉ là những dự án nhỏ, như website học tập, máy lọc nước khử khuẩn, mô hình nhà nổi chống lũ lụt, chuông cảnh báo hỏa hoạn… Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực, sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi với đông đảo học sinh. Cuộc thi được tổ chức rộng rãi hằng năm đã tạo thành một sân chơi sáng tạo, cơ hội để các em thỏa sức với những ý tưởng, phát minh của riêng mình. - Thầy Hoàng Công Lữ

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cho-hoc-sinh-trung-hoc-tao-nguon-du-an-tu-co-so-post703862.html