Cuộc thi Thước phim Đà Lạt: Gợi ý nội dung 'lấy điểm' giám khảo, người xem

DNVN – Ban tổ chức cuộc thi 'Thước phim Đà Lạt' gợi ý một số nội dung thể loại phim ngắn giúp tác giả truyền tải được những góc nhìn khác nhau về vẻ đẹp, con người và cuộc sống thành phố ngàn hoa.

Đạo diễn Quốc Thuận, Phúc Phạm ngồi "ghế nóng"

UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa ban hành quyết định thành lập ban tổ chức và tổ phục vụ cuộc thi sáng tạo video clip Đà Lạt năm 2024 với chủ đề “Dấu ấn Đà Lạt – Thước phim thành phố ngàn hoa”.

Thông tin về cuộc thi Thước phim Đà Lạt.

Thông tin về cuộc thi Thước phim Đà Lạt.

Theo đó, bà Trần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt là trưởng ban tổ chức; ông Lê anh Kiệt – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt là phó trưởng ban thường trực.

Đặc biệt, Đà Lạt đã mời nghệ sĩ – đạo diễn Quốc Thuận làm phó trưởng ban tổ chức. Đạo diễn Phúc Phạm làm tổng đạo diễn, thành viên ban tổ chức và giám khảo…

Cuộc thi sáng tạo phim ngắn “Thước phim Đà Lạt” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu những hình ảnh đẹp về du lịch, văn hóa và con người Đà Lạt đến với du khách trong nước và quốc tế theo nhiều hình thức phong phú, đa dạng, ấn tượng và mới mẻ.

Cuộc thi cũng là dịp để tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả chuyên và không chuyên sáng tác các tác phẩm, góc quay mới lạ, độc đáo, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác nghệ thuật tại địa phương.

Là chương trình thiết thực hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024, cuộc thi cũng nhằm đẩy mạnh tiếp cận công nghệ mới, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt.

Gợi ý các nội dung thể loại hot - hit

Theo ban tổ chức, tiêu chí chấm điểm của cuộc thi là đề cao tính sáng tạo, ý tưởng mới lạ, cách thể hiện độc đáo, phong cách trình bày sáng tạo. Nội dung hấp dẫn, lôi cuốn, truyền tải thông điệp rõ ràng, có chiều sâu. Đồng thời, tác phẩm phải có tính lan tỏa cao dựa trên lượt xem, lượt thích, bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội.

Do đó, ban tổ chức đã gợi ý một số nội dung thể loại phim ngắn giúp tác giả truyền tải được những góc nhìn khác nhau về vẻ đẹp, con người và cuộc sống Đà Lạt. Từ đó có thể “lấy điểm” từ ban giám khảo và thu hút người xem.

Dốc Nhà bò Đà Lạt xuất hiện trong phim điện ảnh “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Dốc Nhà bò Đà Lạt xuất hiện trong phim điện ảnh “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Điển hình là thể loại Vlog du Lịch (Travel vlog). Phong cách này dễ tiếp cận và thể hiện sự chân thực, gần gũi. Tác giả có thể ghi lại một ngày khám phá Đà Lạt, tập trung vào những địa điểm nổi tiếng hoặc ít người biết đến. Nhân vật chính dẫn dắt người xem đi qua các điểm tham quan, chia sẻ cảm nhận về nơi chốn, con người và ẩm thực.

Thể loại phim nghệ thuật (Cinematic), với khung cảnh thiên nhiên Đà Lạt, những thung lũng mây mù, đồi thông bạt ngàn và ánh sáng bình minh hoặc hoàng hôn. Nhấn mạnh cảm giác yên bình và lãng mạn. Qua đó tạo ra một đoạn phim ngắn đậm chất nghệ thuật với cảnh quay đẹp mắt, ánh sáng và âm nhạc hài hòa. Giúp người xem chìm đắm vào không gian và cảm xúc, tạo ấn tượng mạnh về thị giác.

Phim tài liệu ngắn (Documentary Short): kể lại một câu chuyện hoặc khía cạnh đặc biệt của Đà Lạt qua hình thức phim tài liệu. Có thể là cuộc sống của một người trồng hoa, người làm nghề thủ công, hoặc một nhân vật địa phương nổi tiếng với câu chuyện đời thú vị. Qua đó giúp người xem hiểu rõ hơn về con người và văn hóa địa phương.

Trải nghiệm cá nhân (Personal Experience): nhân vật chính chia sẻ về những kỷ niệm hoặc cảm xúc khi quay trở lại Đà Lạt. Sử dụng cảm xúc cá nhân để kết nối sâu sắc hơn với khán giả. Phim có thể xoay quanh một chuyến đi đặc biệt, một kỷ niệm gắn liền với một địa điểm tại Đà Lạt như Thung lũng tình yêu, hồ Xuân Hương hoặc đồi Cỏ hồng...

Tương tác thực tế (Interactive Film): ghi lại những khoảnh khắc đời thường nhưng có sự tương tác với người dân địa phương hoặc thiên nhiên Đà Lạt. Nhân vật tham gia các hoạt động địa phương như hái dâu tây, thưởng thức cà phê, hay trò chuyện với những người làm vườn tại làng hoa. Tương tác thực tế tạo nên sự chân thực và kết nối tốt giữa khán giả và nội dung.

Thử thách (Challenge): thực hiện một thử thách thú vị tại Đà Lạt, thu hút sự chú ý và khiến người xem cảm thấy gần gũi, tương tác. Có thể là thử thách check-in 5 địa điểm nổi tiếng trong vòng 1 giờ, hoặc thử các món ăn đường phố chỉ với 100 ngàn đồng. Thể loại thử thách mang tính giải trí cao và thu hút người xem trẻ tuổi.

Phim hành động (Action Film): khai thác những cảnh quay tốc độ cao, đầy năng lượng và thú vị với khung cảnh đặc trưng của Đà Lạt. Nhân vật chính tham gia hoạt động như đạp xe quanh hồ, leo núi hoặc cắm trại trên đồi… Phim hành động giúp thể hiện sự năng động, trẻ trung, phù hợp với những khán giả thích phiêu lưu.

Phim khoa học viễn tưởng (Sci-Fi Short): sáng tạo một câu chuyện ngắn mang yếu tố viễn tưởng, sử dụng bối cảnh Đà Lạt làm nền. Có thể là câu chuyện về một thế giới khác tồn tại song song với Đà Lạt hiện tại, hoặc những điều kỳ diệu diễn ra trong rừng thông huyền bí. Thể loại này tạo điểm nhấn sáng tạo và mới lạ cho cuộc thi, giúp nổi bật giữa các phim khác.

Review địa điểm (Location Review): đánh giá và giới thiệu các địa điểm nổi bật, đẹp mắt tại Đà Lạt. Nhân vật đi qua các quán cà phê, điểm check-in, homestay, hoặc khu nghỉ dưỡng đẹp tại Đà Lạt, chia sẻ đánh giá về dịch vụ, không gian và giá cả. Thể loại review rất hữu ích cho những người đang lên kế hoạch du lịch Đà Lạt.

Phim tình cảm lãng mạn (Romantic Short Film): tạo một câu chuyện tình cảm ngắn, lấy bối cảnh các địa điểm lãng mạn ở Đà Lạt như: hồ Than Thở, Thung lũng tình yêu, hoặc cầu gỗ… Một cặp đôi trải qua những khoảnh khắc đẹp trong hành trình của họ tại Đà Lạt, nhấn mạnh sự lãng mạn và yên bình của thành phố. Thể loại tình cảm luôn thu hút và dễ dàng tạo được sự kết nối với người xem.

Viên Hữu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/cuoc-thi-thuoc-phim-da-lat-goi-y-noi-dung-lay-diem-giam-khao-nguoi-xem/20241025072014724