Cuộc thi viết 'Lòng tốt quanh ta': Người mẹ hiền của trẻ tự kỷ

Hơn 10 năm qua, cô Nguyễn Thị Tình và ngôi nhà Bình Minh đã trở thành mái ấm của phụ huynh và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Dạy trẻ bình thường đã vất vả thì việc dạy trẻ tự kỷ càng khó khăn gấp bội. Hiểu được sự khó khăn ấy, bằng cả tấm lòng, tình yêu thương và trách nhiệm, cô giáo Nguyễn Thị Tình (39 tuổi; xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh, đã giúp nhiều trẻ nhỏ tự kỷ có cơ hội hòa nhập cuộc sống.

Trao yêu thương cho trẻ đặc biệt

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế ngành cử nhân sư phạm tâm lý giáo dục, cô Nguyễn Thị Tình vào TP HCM công tác tại một trường đại học lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian, cô đã tạm dừng công việc mà nhiều người mơ ước, với mức lương ổn định để xin vào làm tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật TP HCM.

Cô Tình chia sẻ cô muốn thực hiện ước mơ ngay từ thuở nhỏ của mình là được giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt như người khuyết tật. Ngoài khiếm khuyết về hình thể, tâm hồn họ rất dễ tổn thương. Vì vậy, việc đồng hành với họ sẽ phần nào giúp những người yếm thế có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Những ngày đầu đi làm, cô đối diện nhiều ánh mắt nghi ngại, nghĩ rằng cô gái trẻ này khó có thể gắn bó với nghề. Cô Tình kể: "Hôm đầu nhận việc, theo thói quen, tôi diện váy công sở, áo sơ mi trắng đến trung tâm. Khi đi qua hành lang, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt đầy hoài nghi. Không ai nghĩ tôi có thể gắn bó với công việc này, vì nó không đơn giản là dạy và học. Và sự thật là trong một tuần đầu, đã có lúc tôi cũng nghĩ không biết mình có thể tiếp tục hay không bởi gặp khá nhiều khó khăn, dù bản thân đã rất cố gắng". Nhưng với tình yêu đặc biệt dành cho trẻ, cô Tình nghĩ "ai cũng ra đi thì lấy đâu ra người chăm sóc, dạy dỗ trẻ" nên đã động viên bản thân phải nỗ lực để bước tiếp những năm tháng sau đó.

Cô giáo Nguyễn Thị Tình được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 tại TP Hà Nội

Cô giáo Nguyễn Thị Tình được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 tại TP Hà Nội

Sau hơn 2 năm gắn bó, do hoàn cảnh gia đình, cô Tình trở về quê hương Quảng Trị. Tại quê nhà, cô đã được nhiều phụ huynh có con là trẻ khuyết tật tìm đến nhờ hỗ trợ với kỳ vọng về một tương lai tốt hơn cho con mình. Từ đó, mỗi ngày, cô Tình lại chạy xe khoảng 100 km để đến nhà các em nhỏ bị tự kỷ để chăm sóc và dạy dỗ. Sau hơn 2 tháng "dạy liên huyện", đi sớm về muộn, cô Tình gầy rộc đi nhưng hạnh phúc khi các em có những bước tiến rõ rệt. Chính hạnh phúc đơn giản ấy đã giúp cô có thêm động lực và quyết tâm mở một cơ sở hỗ trợ cho trẻ khuyết tật tại TP Đông Hà - tiền thân của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh hiện nay.

Đều đặn 8 giờ mỗi ngày, cô Tình đứng trước cửa trung tâm để đón những bạn nhỏ đến học. Một trong những học sinh có sự tiến bộ vượt bậc là cháu Bảo Châu. Đã tròn 4 năm bé Bảo Châu được đồng hành với cô Tình và ngôi nhà Bình Minh. Từ một đứa trẻ hiếu động, mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, không biết nói và gặp vấn đề về phản xạ hành động, nay Châu đã biết giao tiếp với mọi người xung quanh, chơi đùa với các bạn đồng trang lứa.

Chứng kiến sự thay đổi rõ rệt ở con, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, mẹ cháu Bảo Châu, không giấu nổi xúc động; cảm kích trước sự giúp đỡ của cô Tình trong suốt những năm qua. Chị Oanh trải lòng: "Trước khi đến trung tâm, lên 2 tuổi rồi mà cháu không nói được, ba mẹ gọi cháu không để ý và cũng không có phản ứng gì. Tôi đã cho cháu đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tự kỷ. Tôi may mắn được gặp cô giáo Tình, đã dạy dỗ và giúp con tôi cải thiện được vốn từ rất nhiều. Nay cháu đã có thể vào lớp 1".

Nhà giáo tận tâm

Hơn 10 năm qua, cô Nguyễn Thị Tình và ngôi nhà Bình Minh đã trở thành mái ấm quen thuộc của các bậc phụ huynh và các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cô Tình cho hay: "Trẻ rối loạn tự kỷ, rối loạn phát triển vốn chịu nhiều thiệt thòi. Do vậy, tôi và đồng nghiệp phải không ngừng học hỏi, tìm các phương pháp mới để hỗ trợ các em và phụ huynh ngày càng hiệu quả hơn, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng".

Cô Nguyễn Thị Tình và một học sinh tại lớp học. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Thị Tình và một học sinh tại lớp học. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hiện nay, trung tâm đang giúp đỡ, nuôi dạy 210 em, từ 2 tuổi trở lên và không giới hạn độ tuổi. Chăm sóc các em nhỏ bình thường đã khó, chăm sóc các em nhỏ bị rối loạn tự kỷ, rối loạn phát triển còn khó gấp bội. Nhưng bằng tất cả tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm, cô Tình cùng 54 giáo viên khác đã cố gắng làm tốt vai trò của mình. Cô cùng các giáo viên ở trung tâm phối hợp can thiệp cho 4 nhóm trẻ chính gồm: Rối loạn phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; rối loạn phổ tự kỷ; khuyết tật học tập; tăng động giảm tập trung chú ý. Hằng ngày, các cô tổ chức 4 hoạt động học tập: Can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, trị liệu - tâm vận động và hoạt động tiền tiểu học. Mỗi đứa trẻ đến trung tâm đều gặp vấn đề riêng. Vì vậy, việc chăm sóc, giáo dục các em không giống nhau. Cô Tình và đồng nghiệp phải kiên trì, nhẫn nại dạy trẻ từng việc nhỏ như: Nhai, nuốt, giao tiếp bằng mắt, điều phối hơi thở để phát âm… Sau những buổi học, các cô nói không ra hơi, tay chân rã rời.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại đến từ phụ huynh. Một số người đưa con em đến đánh giá tình trạng nhưng lại không chấp nhận sự thật. Thậm chí, có trường hợp đưa trẻ đi cúng bái khắp nơi khiến con em họ mất nhiều thời gian quý báu học tập, chữa trị.

Hạnh phúc khi các con trưởng thành

Từ những nỗ lực đó, trải qua rất nhiều lứa học trò, các em giờ đây đều đã khôn lớn, có thể đi học, hòa nhập, phát triển như bạn bè đồng trang lứa. Đây có lẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô Tình và tập thể giáo viên tại trung tâm. Cô Tình chia sẻ: "Hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là các con trở thành những học sinh bình thường, có những em đi thi học sinh giỏi và giành giải cao.

14 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, niềm vui, nỗi buồn, thậm chí cả ước mơ của cô Nguyễn Thị Tình cũng xoay quanh các em. Cô Tình chia sẻ dự định xây dựng một ngôi trường "có đầu vào và đầu ra" cho trẻ tự kỷ. Qua thực tế công việc, cô biết phần lớn trẻ mang trong mình khiếm khuyết đều được tạo hóa bù đắp. Nếu được giúp đỡ, các em có thể trở thành những người đặc biệt hoặc ít nhất là tự kiếm được đồng tiền bằng chính đôi tay mình. "Chúng tôi nguyện làm ánh bình minh cho các em nhỏ tự kỷ. Hy vọng cuộc đời của các con sẽ có những gam màu tươi vui, xán lạn" - cô Tình nói trước khi chia tay tôi ở cánh cổng trung tâm.

Nhận bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam

Với tình yêu thương dành cho trẻ và sự tận tụy của mình, năm 2018, cô giáo Nguyễn Thị Tình vinh dự là một trong 48 thầy cô được nhận bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam và được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời đến gặp mặt, chia sẻ với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Nhưng sau tất cả, có lẽ phần thưởng lớn nhất của cô Tình đơn giản chỉ là được nghe các cháu hát ca, vui cười, được phát triển bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa.

Vân Trình

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-long-tot-quanh-ta-nguoi-me-hien-cua-tre-tu-ky-196250516201211031.htm