Cuộc thi viết 'Người Thầy kính yêu': 'Nỗi buồn thật đẹp' và ước mơ lấp lánh
Nếu ai hỏi làm cách nào mà đạt được mơ ước tới Nhật Bản, tôi sẽ nói rằng vì đã chọn học khoa Pháp và gặp được người thầy cho mình động lực để cố gắng đạt được ước mơ
Từ khi học mẫu giáo cho tới lúc lên đại học, tôi luôn tiếp thu kiến thức cực kỳ chậm so với bạn bè. Thế nhưng, học xong cấp ba, tôi lại quyết tâm thi đỗ một trường đại học nằm trong top 10 các trường đại học tốt nhất trên cả nước.
Những năm tháng cay đắng
Ngoài việc chọn cho mình một môi trường giáo dục tốt thì tôi cũng muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng mình không phải đứa "thiểu năng trí tuệ" như nhiều người châm chọc.
Tôi chọn thi Trường Đại học Ngoại ngữ, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản. Từ nhỏ tôi đã mê xem phim hoạt hình Nhật và thích tiếng Nhật vô cùng. Tôi mơ ước được tới Nhật ngắm hoa anh đào nở, dù chỉ một lần trong đời thôi cũng đủ mãn nguyện lắm rồi. Nhưng mà xui xẻo thay, năm ấy điểm chuẩn đầu vào khoa Nhật cao chót vót. Điểm của tôi thấp hơn điểm chuẩn tới 7 điểm. Với những người có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn từ 0,25 tới 1 điểm thì có lý do chính đáng để khóc lóc và đau khổ, bởi họ đã nỗ lực rất nhiều cho kỳ thi, chỉ một chút xíu nữa là đã vào được ngôi trường mơ ước rồi. Thật lòng, tôi ghen tị với "một chút xíu" của họ và tôi khóc không phải vì thi trượt mà vì lý do ấy. Tôi thèm được bố mẹ "trách mắng" vì không thể đỗ vào ngôi trường đại học nhưng dường như ai cũng đoán trước vì trước đó có lời nói: "Cứ để nó thi cho biết thôi chứ khó vào trường đó lắm".
Trước đó vào năm lớp 10, tôi bị tai nạn và gãy chân khá nghiêm trọng, bố còn có ý định cho tôi nghỉ học hẳn để ở nhà bán hàng tạp hóa bởi kết quả học tập khá thảm hại.
Việc suy nghĩ nhiều khiến tôi rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi luôn chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực, tự trách móc bản thân và coi mình là đồ vô dụng chẳng được tích sự gì. Nhưng tôi không bỏ cuộc, quyết tâm phải thi lại. Tôi lựa chọn thi khoa Pháp thay vì khoa Nhật vì muốn vào trường ngoại ngữ dù biết năng lực của mình có hạn. Thế rồi tôi thi đỗ Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Cuộc sống xa nhà vô cùng khó khăn với một đứa ít trải nghiệm như tôi. Cuối học kỳ một năm nhất, tôi vô tình bị bọn xấu lừa đảo và xâm hại. Tôi lại rơi vào chuỗi ngày đen tối. Tôi bỏ học triền miên và đi chơi khắp Hà Nội bằng xe buýt. Chỉ một tấm vé thôi, tôi ngồi lê la hết chuyến xe này tới chuyến xe khác, ngắm nhìn thành phố qua ô cửa sổ và vùi mình vào những suy nghĩ vẩn vơ. Hết chặng thì tôi lại xuống xe và tìm xe khác để leo lên.
"Phép mầu" từ tâm hồn thầy giáo
Tôi cứ đi chơi liên tục như thế từ sáng tới tối mịt rồi trở về phòng ký túc xá với cơ thể mệt rã rời. Tới cuối học kỳ hai, một thầy giáo dạy tiếng Pháp đã gọi riêng tôi ra và bảo: "Em nên thi lại vào một trường khác phù hợp với bản thân hơn. Nếu bố mẹ em phản đối thì cứ bảo họ gọi cho tôi". Tôi chỉ cười trừ cảm ơn thầy. Nhưng rồi tôi tự hỏi, mình phải cảm ơn thầy vì điều gì? Thầy không hiểu hoàn cảnh của tôi. Thi lại ư? Tôi chỉ muốn thi vào khoa Nhật nhưng với tình trạng lúc đó, tôi biết mình không thể làm được việc ấy. Giống như một người có đôi chân tật nguyền muốn trở thành quán quân của cuộc thi marathon vậy.
Tôi vẫn tiếp tục theo học ở khoa Pháp dù kết quả năm nhất của tôi ở mức dưới trung bình. Tôi đi học mà chẳng có mục tiêu nào cụ thể. Cho đến một ngày, tôi gặp được người thầy giáo đã giúp thay đổi cuộc đời mình.
Đó là thầy Ngô Hoàng Vĩnh. Thầy là giáo viên dạy tiếng Pháp của tôi vào học kỳ một của năm thứ hai đại học. Ấn tượng của tôi đó là thầy rất giống nhân vật Đôn Kihôtê trong tiểu thuyết "Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra" của nhà văn Miguel de Cervantes. Nhân vật Đôn Kihôtê thì mê truyện kiếm hiệp và luôn hoang tưởng rằng mình là một hiệp sĩ chu du khắp bốn phương trời để cứu khốn phò nguy và diệt trừ yêu quái. Còn thầy tôi thì mê đọc sách văn học, viết rất nhiều tản văn, truyện ngắn và thơ.
Thầy là một trong số ít giáo viên nhớ được tên tôi và quan tâm tới tôi hơn các bạn khác trong lớp nên tôi cực kỳ ấn tượng và thích đi học giờ của thầy dù cũng chẳng mặn mà với việc học tiếng Pháp là mấy, tất nhiên rồi. Ngoài việc dạy học ra, thầy hay đọc tản văn, đọc thơ do thầy sáng tác. Đây mới là điều tôi cảm thấy thú vị vì được truyền cảm hứng để đến lớp mỗi khi có giờ thực hành tiếng Pháp của thầy. Có đứa lớp tôi đùa thầy rằng: "Sao thầy không nộp bản thảo cho nhà xuất bản in thành sách?", thầy đáp với vẻ mặt bình thản: "Tôi không thích xuất bản vì sợ sự nổi tiếng".
Có lần thấy tôi ngồi run cầm cập dưới góc lớp vì sợ bị gọi phát biểu, thầy gọi tôi trả lời câu hỏi "dài như sớ táo quân" của mình. Thấy tôi cứng họng sau khi nghe câu hỏi, thầy bảo cả lớp "Tôi nhìn thấy một vùng sợ hãi vây quanh em". Dù khá hoảng loạn nhưng tôi lại thích câu nói của thầy quá. Hết giờ, tôi lấy giấy bút ra ghi lại câu nói của thầy khiến tôi tâm đắc vô cùng.
Tôi nhớ thầy Vĩnh từng nói một câu đại khái thế này: "Sao niềm vui và nỗi buồn của giới trẻ các bạn bây giờ lại rẻ rúng thế? Buồn những chuyện đáng để mà buồn thì hãy buồn. Những con trai đã đau đớn, khổ sở biết bao vì phải mang trong mình những hạt cát. Suốt cuộc đời, cơ thể chúng phải tiết ra chất xà cừ để bao lấy những hạt cát ấy, rồi khi chết đi thì chúng để lại cho đời những viên ngọc trai thật đẹp. Trong hàng ngàn con trai mới có một con có ngọc, vậy nên ngọc trai mới hiếm và quý. Còn tôi, đôi khi nhìn lại cuộc đời, tôi thấy hạnh phúc vì đời mình có những nỗi buồn thật đẹp".
Tới năm thứ ba đại học, tôi không còn được học thầy nữa. Nhưng tôi luôn nhớ những buổi học, những tản văn chia sẻ và những lời khuyên của thầy. Tôi coi một số câu thầy từng nói là lẽ sống của mình và tự động viên mình vào một số thời điểm cảm thấy vô cùng khó khăn. Tôi biết ơn thầy thật nhiều. Thỉnh thoảng tôi suy ngẫm về một số câu nói hay trong tản văn của thầy: "Tại sao nhiều vĩ nhân lại mắc chứng rối loạn thần kinh hoặc có những hành vi tiêu cực, chẳng hạn như nhà văn Maupassant hay danh họa Van Gogh? Bởi vì cuộc đời quá nhỏ bé và chật chội với những tâm hồn vĩ đại".
Nước mắt rơi khi chạm ước mơ
Thế rồi phép mầu đã xảy ra. Sinh viên theo học tại trường tôi từ năm thứ hai trở đi, ngoài ngành đào tạo chính đã học ở năm thứ nhất, sẽ còn được phép đăng ký học thêm một ngành học thứ hai nữa, gọi là chương trình bằng kép. Trường tôi đã mở thêm chương trình bằng kép ngành Ngôn ngữ Nhật. Tôi đã chính thức trở thành sinh viên khoa Nhật đúng như mơ ước nhờ chương trình bằng kép như vậy đấy…
Sau khi tốt nghiệp khoa Pháp, tôi tham gia kỳ thực tập kéo dài một năm tại Nhật Bản do trường tôi giới thiệu. Và tôi đã đặt chân được tới Nhật Bản, được ngắm hoa anh đào nở, nhìn núi Phú Sĩ khi ngồi trên tàu cao tốc Shinkansen hiện đại nhất Nhật Bản, ngắm những bãi biển tuyệt đẹp từ ô cửa sổ trên tàu và nhiều trải nghiệm lý thú khác.
Ngày chuẩn bị ra sân bay về Việt Nam, đứng giữa lòng thủ đô Tokyo ngắm nhìn tháp Skytree sáng lấp lánh, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi lã chã như mưa. Đó là khoảnh khắc tôi hạnh phúc nhận ra: Cuộc đời tôi có những nỗi buồn thật đẹp và chính thầy đã tạo động lực để tôi đạt tới ước mơ!