Cuộc thi viết 'Người thầy thuốc trong tôi': Ở đó đã có bác sĩ Công
Bệnh nhân chảy sắp hết máu rồi, nguy cơ cao anh ạ. Nhận được báo cáo của kíp trực Khoa Sản lúc nửa đêm, TS-BS Phạm Mạnh Công, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), lập tức lao xuống phòng cấp cứu
Sản phụ 31 tuổi, sinh con lần 4, đẻ thường lần thứ 5 non tháng tại tuyến xã; sau sinh chảy máu không cầm, sốc mất máu, chẩn đoán đờ tử cung không hồi phục. Bệnh nhân cũng có tiền sử thiếu máu huyết tán đã cắt mổ lách 6 năm trước.
"Lấy máu của tôi đi"
Nhận định sức khỏe bệnh nhân rất nguy kịch, bác sĩ Công trao đổi với đồng nghiệp: "Một là phải có máu truyền, hai là phải mổ cấp cứu cầm máu cho bệnh nhân ngay".
Vấn đề đặt ra lúc này là sản phụ nhóm máu B, tối thiểu phải có 3 đơn vị mới đủ truyền cấp cứu, trong khi gia đình chỉ có 1 đơn vị và 1 đơn vị khác lấy từ nguồn máu hiến. "Lấy máu của tôi đi, tôi vừa xét nghiệm đủ cả rồi" - bác sĩ Công vừa xắn tay áo vừa báo với nhân viên.
Chưa đầy 15 phút, 1 đơn vị máu của bác sĩ Công được lấy xong. Sản phụ vừa được truyền máu vừa hồi sức. Cuộc mổ sẵn sàng. Bác sĩ Công dù mới hiến máu cũng nhanh chóng mặc áo choàng, đeo khẩu trang, cùng các kỹ thuật viên cắt tử cung cầm máu, cứu sống bệnh nhân đang trong cơn thập tử nhất sinh.
"Các bác sĩ chính là người cha, người mẹ đã sinh ra con và cháu chúng tôi lần thứ 2 trong đời. Là một người mẹ, tôi càng biết ơn các lương y đã giúp con tôi vượt qua đại nạn" - bà Hoàng Thị Chiến, mẹ chồng của sản phụ, viết trong bức thư cảm ơn bác sĩ Công và các thầy thuốc BVĐK khu vực Bắc Quang, 2 ngày sau cuộc mổ cấp cứu.
Nhắc lại câu chuyện, vị bác sĩ gần 45 tuổi chỉ cười, ông coi đó là "chuyện thường ngày ở huyện". "Ở vùng cao, trong điều kiện bình thường, việc lấy máu từ các đơn vị cung ứng máu rất khó, huống chi lúc 1-2 giờ sáng. Ở bệnh viện, nhân viên nào đủ điều kiện đều tham gia hiến máu đều đặn. Chúng tôi không nghĩ ngợi gì khi xắn tay hiến máu thường quy hay hiến cho cấp cứu, thấy chết là phải cứu, bằng mọi giá!" - bác sĩ Công nói.
Tốt nghiệp đại học y năm 2003, chàng bác sĩ trẻ tên Phạm Mạnh Công quê Tuyên Quang quyết xa nhà, lên Hà Giang công tác. Tám tháng tại bệnh viện tỉnh chưa kịp quen đồng nghiệp, anh được điều động lên huyện Yên Minh, nơi cách trung tâm TP Hà Giang gần 100 km, tăng cường 2 năm. "Có lẽ vì thế nên tôi quen với việc không chỉ đảm nhiệm công việc bác sĩ tai mũi họng, tạo hình đã được đào tạo mà còn thực hành nhiều việc trong cấp cứu khác" - ông nhớ lại.
Năm 2017, ông nhận bằng tiến sĩ y khoa khi đang công tác tại huyện Quang Bình. Hai năm sau đó, ông được chuyển về làm Giám đốc BVĐK khu vực Bắc Quang - bệnh viện lớn thứ 2 trong tỉnh Hà Giang về quy mô và là giám đốc bệnh viện tuyến huyện duy nhất có học vị tiến sĩ ở tỉnh này thời điểm hiện tại. Bốn năm qua, bác sĩ Công cùng với hơn 300 cán bộ - nhân viên đã đưa cơ sở y tế này có thêm những bước chuyển mình ấn tượng, với nhiều câu chuyện không phải ở đâu cũng có.
Không ngừng nỗ lực
Không giống vùng đồng bằng, ở vùng cao, để vận chuyển bệnh nhân từ huyện lên tỉnh rất khó khăn. Vì thế, bác sĩ Công xác định bệnh viện địa phương phải nỗ lực hết sức để chủ động phát triển dịch vụ kỹ thuật phù hợp mô hình bệnh tật. Ở BVĐK khu vực Bắc Quang, các kỹ thuật ngoại khoa như mổ các loại chấn thương, xương khớp, vỡ gan, cắt lách, cắt dạ dày… đến nay đã triển khai thường quy.
Tỉ lệ người dân vùng núi bị sỏi thận rất cao, bác sĩ Công cùng đồng nghiệp quyết tâm triển khai tán sỏi laser; gần đây lại liên tục đào tạo nhân lực, đầu tư để phát triển kỹ thuật tán sỏi qua da. Những kỹ thuật như bơm xi-măng cột sống hay sắp tới là mổ thay khớp háng… cũng được bệnh viện chuẩn bị kỹ càng về nhân lực để sẵn sàng thực hiện khi đủ điều kiện.
Là bệnh viện tuyến huyện nhưng BVĐK khu vực Bắc Quang luôn là một trong những bệnh viện thường xuyên tham gia các buổi hội chẩn khám chữa bệnh trực tuyến (telehealth) cùng các chuyên gia của bệnh viện lớn như Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Đại học Y Hà Nội…
Cách đây 2 tuần, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 76 tuổi bị thủng tạng rỗng, hoại tử, thủng ruột lớn, mất máu nặng. Nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên cách đó 60 km, nguy cơ tử vong rất cao nên buộc phải mổ cấp cứu luôn. Các thầy thuốc vừa gọi điện tham khảo ý kiến chuyên môn của chuyên gia tuyến trung ương, bệnh viện tỉnh vừa phẫu thuật nội soi cầm máu, nối thông, cắt 2/3 dạ dày tại chỗ.
Bệnh nhân qua cơn nguy kịch, các thầy thuốc vẫn chưa yên tâm hoàn toàn, liền viết báo cáo đăng ký tham gia hội chẩn trực tuyến cùng chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. "Thật may, các thầy đánh giá chúng tôi đã thực hiện khá chính xác, đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp cứu cho bệnh nhân" - bác sĩ Công chia sẻ về kỹ thuật mới triển khai từ đầu năm 2023 ở BVĐK khu vực Bắc Quang.
Một kỹ thuật cao khác cũng giúp cứu nhiều bệnh nhân được triển khai tại đây là cấp cứu cầm máu can thiệp nội soi. Theo bác sĩ Công, trước đây, 90% bệnh nhân xơ gan, vỡ tĩnh mạch thực quản khiến mất máu nặng tử vong trên đường chuyển tuyến. Số còn lại nếu đến được tuyến trên cũng sẽ tử vong nếu không có máu truyền. Sau khi triển khai kỹ thuật mới hơn 1 năm nay, 20 bệnh nhân mất máu nặng được cứu kịp thời.
"Cải tiến, phát triển đa dạng danh mục chuyên môn kỹ thuật là cách để thu hút người dân đến khám chữa bệnh, đồng thời níu thầy thuốc ở lại gắn bó với y tế cơ sở, những nơi có đến 100% bệnh nhân BHYT" - bác sĩ Công nhấn mạnh.
Nâng chất nguồn nhân lực
Để triển khai kỹ thuật cao, đào tạo nhân sự là yêu cầu đầu tiên. Hiện tại, gần 30 cán bộ, bác sĩ của BVĐK khu vực Bắc Quang đang được gửi đi đào tạo ở Đại học Y Hà Nội, chưa kể số cán bộ đào tạo ngắn hạn.
Với quan điểm dành tối đa nguồn lực có thể để chia sẻ khó khăn với cán bộ, bác sĩ đi học, lãnh đạo bệnh viện quyết định hỗ trợ 80%-100% học phí và một phần phí sinh hoạt, giữ nguyên lương, phụ cấp và thu nhập tăng thêm. Bệnh viện cũng duy trì quỹ khuyến học do PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) ủng hộ cùng một số đơn vị và cán bộ y tế của viện đóng góp để chia sẻ cho cán bộ, bác sĩ một số ngành rất cần đào tạo ngay nhưng chi phí tốn kém (như hồi sức cấp cứu).
Đào tạo được nhân lực nhưng yếu tố then chốt để đánh giá hiệu quả đầu tư phải là cơ sở hạ tầng. Với nguồn lực hạn chế, lãnh đạo BVĐK khu vực Bắc Quang nảy ra ý tưởng để cán bộ - nhân viên trong bệnh viện gắn bó với cơ quan.
"Thầy thuốc chúng tôi không chỉ biết chữa bệnh, cứu người. Khi bệnh viện xây dựng khối nhà hành chính, khu vực vệ sinh cho người bệnh, tất cả cán bộ trong bệnh viện đều đóng góp rất nhiều ngày công. Chúng tôi cùng nhau xây nhà, đào đất, đảo vữa, vận chuyển gạch ngói, đất cát… Mỗi người một khả năng, giám đốc cũng đi làm. Vất vả lúc đó nhưng khi ngắm nhìn công trình hình thành, ai cũng cảm thấy ấm áp và gắn bó, bởi trong đó có một phần công sức của mình" - bác sĩ Công tự hào chia sẻ.
Nói về mơ ước của bản thân, bác sĩ Công mong bệnh viện được đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, như máy chụp cộng hưởng từ, máy C-Arm… Và mong ước lớn nhất là thành lập được đơn vị truyền hóa chất điều trị ung thư, điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đời…
Hết lòng vì bệnh nhân
Không chỉ tập trung phát triển chuyên môn, chuyển đổi số, bác sĩ Phạm Mạnh Công còn rất quan tâm đến việc thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế theo hướng chuyên nghiệp nhất có thể.
Có không ít bệnh nhân người dân tộc thiểu số vào cấp cứu, chỉ định phẫu thuật ngay nhưng họ không dám thực hiện bởi... không có tiền.
"Bác sĩ phải hứa, cam kết với bệnh nhân là "mổ đi, tiền không phải lo", họ mới đồng ý mổ" - bác sĩ Công kể. Sau lời hứa đó, cán bộ - nhân viên bệnh viện lại tìm nguồn hỗ trợ, chia sẻ với bệnh nhân.