Cuộc thi viết 'TẾT THỜI SỐ': Tết trong tôi là nguồn cội Việt Nam

Tết Nguyên đán của người Việt cần được lan tỏa với cộng đồng như một nét văn hóa đặc sắc cho các thế hệ mai sau ở nước ngoài

Là đứa trẻ gốc Việt lớn lên ở Mỹ từ nhỏ, tôi được giáo dục và truyền thụ nền văn hóa ở nước sở tại từ rất sớm, trong đó có các phong tục, lễ hội phương Tây như Halloween, Giáng sinh, Lễ Tạ ơn… Phải mất rất nhiều năm, bằng nỗ lực không mệt mỏi của mẹ, tôi mới dần có khái niệm về Tết Nguyên đán và hiểu được vì sao nó lại là ngày lễ quan trọng nhất đối với người Việt Nam.

Tôi nhớ cái Tết khi được 8 tuổi, đó là năm Bính Dần 1986. Tôi phụ mẹ quét dọn nhà cửa sạch sẽ và được dạy rằng phải hoàn thành xong trước giao thừa. Bởi nếu như bước sang ngày đầu tiên của năm mới mà vẫn còn quét dọn thì có nghĩa là tôi sẽ quét hết sạch may mắn của gia đình mình. Mẹ tôi nấu rất nhiều món ăn ngon, đặt lên bàn thờ rồi thắp hương để mời tổ tiên của gia đình về.

Đại gia đình chúng tôi ở TP Houston, bang Texas, Mỹ

Đại gia đình chúng tôi ở TP Houston, bang Texas, Mỹ

Mẹ nói, linh hồn của ông bà và những người quá cố của gia đình luôn đồng hành cùng với cuộc sống của chúng tôi. Bằng cách nấu đồ ăn ngon, chúng tôi sẽ mời những linh hồn đó về ăn Tết, thể hiện sự biết ơn và cầu mong họ sẽ tiếp tục phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn mạnh khỏe, bình an. Khói hương kết nối giữa cõi âm và cõi dương. Khi hương tàn cũng là lúc cả nhà tôi ngồi quây quần bên nhau để thưởng thức hương vị đồ ăn Việt Nam.

Vào những ngày Tết, tất cả chúng tôi đều mặc áo dài truyền thống. Ở Mỹ không có nhiều họ hàng, nên chúng tôi cố gắng đến thăm và chúc Tết tất cả những người bạn Việt Nam sống ở Houston (bang Texas). Lũ trẻ con chúng tôi nhận được rất nhiều những phong bao lì xì màu đỏ đựng tiền may mắn đại diện cho sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong năm mới.

8 tuổi, tôi bắt đầu hiểu thế nào là Tết. Không chỉ là dọn dẹp nhà cửa, nấu đồ ăn ngon để dâng lên tổ tiên, thăm hỏi chúc Tết bạn bè, nhận lì xì may mắn, Tết còn giúp chúng tôi duy trì sự kết nối với nguồn cội Việt Nam của ba mẹ, của chúng tôi ở cách nửa vòng trái đất.

Mẹ và tôi sau khi đã chuẩn bị xong các nghi lễ cho dịp Tết

Mẹ và tôi sau khi đã chuẩn bị xong các nghi lễ cho dịp Tết

Tết năm Đinh Sửu 1997, tôi 19 tuổi, là sinh viên đại học và sống ở ký túc xá. Mẹ tôi vẫn giữ gìn truyền thống tổ chức Tết Nguyên đán năm này qua năm khác, nhưng tôi đã trưởng thành và có nhiều mối quan tâm khác hơn là Tết. Tôi không còn nghĩ tới việc bố mẹ muốn gì cho tương lai của tôi nữa mà là tôi muốn gì cho tương lai của mình. Trường đại học là khởi đầu của nhiều dịp Tết sum họp cùng gia đình của tôi bị bỏ lỡ, thế nhưng mẹ tôi vẫn nhẫn nại. Bà luôn nhắn tin cho tôi rằng: "Chúc mừng năm mới, con gái. Ba mẹ rất nhớ con! Hãy cố gắng thu xếp về nhà vào Tết năm sau nhé!"…

Khi tôi trưởng thành và đi làm, công việc càng mang tôi rời xa gia đình mình. Những chuyến bay công tác đến các tiểu bang khắp nước Mỹ khiến tôi nhận thấy, Tết của cộng đồng người Việt nhỏ bé giữa nước Mỹ ồn ào, vội vã và náo nhiệt. Đôi lúc, tôi thấy lòng mình trùng xuống bởi những cố gắng của mẹ. Bà vẫn đều đặn gọi điện và nhắn tin cho tôi vào mỗi dịp Tết: "Mẹ đã quét dọn nhà sạch sẽ rồi. Vì con không về nên ba mẹ tổ chức đơn giản thôi… Mẹ sẽ gửi phong bao lì xì cho con… Thi thoảng con hãy về nhà đón Tết nhé! Lâu lắm rồi con không ăn Tết cùng cả nhà…"

Tết năm Nhâm Thìn 2012, tôi đã lập gia đình và sinh được 1 trai, 1 gái. Công việc của vợ chồng tôi bận rộn tới mức gần như giao phó hết lũ trẻ cho ba mẹ tôi hỗ trợ. Năm ấy, tôi trở về nhà vào đêm khuya, thấy phòng khách vẫn sáng đèn. Mẹ đợi tôi về. Bà đưa cho tôi bao lì xì màu đỏ: "Chúc mừng năm mới, Judy!", "Ôi, con xin lỗi mẹ, con quên mất hôm nay là Tết", tôi cuống cuồng giải thích.

Mẹ nhìn xa xăm ra phía cửa sổ, giọng trầm ngâm: "Chúng ta đã không tổ chức Tết trong vài năm gần đây, kể từ khi con có gia đình riêng. Mẹ biết các con bận rộn. Thế nhưng, lũ trẻ sẽ lớn lên, và chúng cần hiểu về nguồn cội của chúng…". Từng lời nói của mẹ khiến trái tim tôi thức tỉnh. Tôi đã luôn chắc chắn rằng, chừng nào tôi còn mẹ thì Tết không bao giờ mất. Thế nhưng, mẹ đang già đi. Và sẽ thiệt thòi biết bao cho những đứa trẻ không biết thế nào là Tết. Tôi suy nghĩ thực sự nghiêm túc về những điều mẹ nói. Tôi cần trở thành người tiếp nối và duy trì truyền thống của gia đình.

Bố mẹ tôi lì xì cho các cháu

Bố mẹ tôi lì xì cho các cháu

Tết năm Quý Mão 2023, chúng tôi mời nhiều người bạn Mỹ đến nhà ăn Tết. Ba mẹ và gia đình anh trai tôi cũng góp mặt đông đủ. Tự tay tôi đã chuẩn bị đầy đủ tất cả các nghi thức đón Tết và hướng dẫn cho con gái của mình. Sau cái Tết này, ba mẹ tôi sẽ chuyển hẳn về Việt Nam. Họ đã thực sự yên tâm về chúng tôi và muốn trở về sinh sống ở quê hương.

Nhìn lũ trẻ con xúng xính trong những tà áo dài truyền thống, háo hức nhận phong bao lì xì, tôi như nhìn thấy cả tuổi thơ của mình. Tôi biết ơn mẹ vô cùng. Mẹ không chỉ cho tôi những ký ức đẹp về Tết mà còn cho tôi hiểu được, tại sao Tết lại quan trọng đối với người Việt Nam. Khi đón Tết, người ta quên đi chuyện buồn năm cũ, phơi phới niềm tin vào những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.

Nhờ có mẹ, tôi hiểu rằng tổ chức đón Tết là duy trì sự kết nối với nguồn gốc Việt Nam của chúng tôi. Và Tết truyền thống, Tết Nguyên đán của người Việt cần được lan tỏa ra cộng đồng như một nét văn hóa đặc sắc cho các thế hệ mai sau ở nước ngoài.

Lê Phương Dung (Theo lời kể của Judy Lê ở Mỹ)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-tet-thoi-so-tet-trong-toi-la-nguon-coi-viet-nam-196250208092353377.htm