Cuộc tìm kiếm ứng viên Thẩm phán Tòa án tối cao: Yếu tố bất ngờ chi phối bầu cử Mỹ
Việc lựa chọn Thẩm phán Tòa án tối cao sau khi bà Ginsburg qua đời có thể giúp Tổng thống Trump gia tăng lợi thế trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gấp rút tìm kiếm ứng cử viên kế nhiệm bà Ruth Bader Ginsburg qua đời hôm 18/9 vừa qua vào vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao. Với thời gian tại vị suốt đời, một vị thẩm phán Tòa án tối cao mới được Tổng thống lựa chọn có thể giúp nhà lãnh đạo này gia tăng lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu tháng 11 tới.
Theo Tổng thống Donald Trump, ông đang cân nhắc danh sách 5 ứng cử viên nữ cho vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao và sẽ sớm công bố lựa chọn của mình trước ngày 26/9 bất chấp sự phản đối của đảng Dân chủ. Một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện cũng được lên kế hoạch trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
“Tôi muốn hoàn thành vấn đề này trước cuộc bầu cử. Điều này sẽ tốt hơn cho đất nước và chúng ta sẽ chọn ra được một ứng cử viên xuất sắc, hội đủ các điều kiện. Nhìn vào các cuộc thăm dò, tôi tin rằng đảng Cộng hòa sẽ giành chiến thắng, bởi chúng ta đang làm rất tốt mọi chuyện. Chúng tôi chưa bao giờ có tinh thần mạnh mẽ như lúc nào, thậm chí còn lớn hơn so với bốn năm trước”.
Việc bà Ginsburg qua đời được dự báo không chỉ làm thay đổi tính cân bằng của Tòa tối cao Mỹ khi Tổng thống Donald Trump có cơ hội bổ nhiệm thêm một thẩm phán theo đường lối bảo thủ, mà còn có thể xoay vần cuộc đua bầu cử Mỹ hiện nay. Một kịch bản tương tự như năm 2000 cũng đã được nhắc tới khi cuộc chiến pháp lý về kết quả bầu cử được đưa ra tòa phân xử.
Thách thức rõ ràng hiện nay là: nước Mỹ liệu có sẵn sàng chấp nhận một Tòa án tối cao theo xu hướng bảo thủ hay không? Là cơ quan chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ như phá thai, chăm sóc sức khỏe, quyền sở hữu súng..., Tòa án tối cao có 9 thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời, chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden và hiện là đối thủ của ông Donald Trump trong cuộc đua trở thành ông chủ Nhà trắng đã ngay lập tức lên tiếng phản đối cho rằng, việc nhà lãnh đạo Mỹ tìm cách đẩy nhanh tiến trình bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao là một hành động thể hiện quyền lực chính trị.
“Các quyết định của Tòa án Tối cao sẽ có tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống và tương lai của chúng ta. Một cuộc khủng hoảng hiến pháp có thể đẩy chúng ta xuống vực và chìm sâu hơn vào bóng tối. Nếu chúng ta lựa chọn con đường này, thì chắc chắn thiết hại sẽ là rất lớn”.
Trước đó đã có 2 thượng nghị sĩ Cộng hòa phản đối việc lựa chọn thẩm phán tòa án tối cao vào thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần. Như vậy chỉ cần có thêm 2 tiếng nói phản đối trong đảng Cộng hòa nữa, thì quyết định bỏ phiếu có thể bị ngăn chặn hoặc trì hoãn.
Trước khi bà Ginsburg qua đời, tòa án gồm 9 thẩm phán có 5 người bảo thủ và 4 người tự do. Vì vậy, ngay cả khi ghế của bà vẫn bị bỏ trống, đảng Dân chủ sẽ cần hai phiếu từ phe bảo thủ để tránh thua hoặc tình thế hòa 4-4 trong bất kỳ kịch bản hậu bầu cử nào.
Nhà Trắng không đưa ra lựa chọn cuối cùng mà thay vào đó đã thu hẹp danh sách ứng viên xuống còn 5 nhân vật. Trong số này, bà Amy Coney Barrett được đánh giá là ứng viên tiềm năng nhất và cũng là lựa chọn an toàn nhất trong tình huống này. Từng đảm nhiệm vị trí thư ký của cố Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia, bà Amy Coney Barrett trước đó cũng được Tổng thống Donald Trump nhắm tới một ghế trong Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7./.
Bất chấp đại dịch Covid-19, Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 diễn ra theo kế hoạch
VOV.VN - Năm 2020, người Mỹ đi bầu cử theo ngày đã được ấn định, cho dù đại dịch Covis-19 vẫn đang hoành hành trên nước này.