Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Mốc son lịch sử khẳng định nghệ thuật quân sự Việt Nam
Từ mùa xuân Điện Biên Phủ năm 1954, đến mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh năm 1975, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - một điển hình thành công của học thuyết quân sự Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ trên tiền tuyến lớn miền Nam, giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc.
Trận quyết chiến chiến lược này đánh dấu bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại. Đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chốt quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng.
Ngược dòng lịch sử về thời điểm ngày 8-5-1954, trong thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình”. Sau đó, khi từ Tây Bắc trở lại Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến báo cáo với Bác, Người đã nói: “Nhân dân ta còn phải tiếp tục chống Mỹ”.
Dự đoán thiên tài của Người đã trở thành sự thực, khi Mỹ hất cẳng Pháp, dấn thân vào “cuộc chiến tranh bẩn thỉu”, xâm lược Việt Nam. Trong một tác phẩm đã xuất bản, B.Murti - nhà ngoại giao Ấn Độ, thành viên của Ủy ban giám sát quốc tế thi hành Hiệp định Geneva viết: “Chính người Mỹ đã gây ảnh hưởng, viện trợ đô la để Diệm chia rẽ và đánh bại các giáo phái. Cũng chính là người Mỹ đã đẩy Pháp ra khỏi Nam Việt Nam và tạo mọi thuận lợi cho Diệm. Lời hứa viện trợ đô la dồi dào của Mỹ đã tạo được ảnh hưởng lớn ở chính trường hậu thực dân cũ tại Sài Gòn, mở đường cho Ngô Đình Diệm giành ghế tổng thống ở Nam Việt Nam”...

Vĩ tuyến 17 tại cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Ảnh tư liệu
Bằng cách biến vĩ tuyến 17 thành một “bức tường chắn” chống lại Hà Nội, người Mỹ đã lặp lại cách người Pháp tìm cách chia tách Nam Kỳ khỏi Việt Nam năm 1946. Nhưng cũng giống như người Pháp, người Mỹ đã gặp phải sự chống trả quyết liệt và thất bại nặng nề.
Không thể tránh khỏi cuộc đụng đầu lịch sử còn tiếp tục, người Việt Nam lại một lần nữa đồng lòng vượt mọi khó khăn, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với một niềm tin son sắt. Từ mùa Xuân Điện Biên Phủ năm 1954, đến mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh năm 1975, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ trên tiền tuyến lớn miền Nam, giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc.
Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân năm 1975 đánh dấu bước phát triển mới rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại. Đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chốt quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng. Trong những nhân tố chủ quan đưa đến thắng lợi, phải kể đến các cơ quan quân sự chiến lược của Tổng hành dinh. Suốt hàng chục ngày đêm, từ thủ trưởng đến cán bộ, nhân viên, ai cũng làm việc không tiếc sức mình, phục vụ Bộ thống soái tối cao lãnh đạo, chỉ đạo các chiến trường và hậu phương chiến đấu vì chiến thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ chủ chốt họp bàn phương án tác chiến tại Tổng hành dinh. Ảnh tư liệu
Trung tướng Lê Hữu Đức (1925-2018) là Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 từng kể: "Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975 tuy tình hình rất căng thẳng nhưng một không khí rạo rực, say sưa làm việc bao trùm lên tất cả mọi người ở Tổng hành dinh. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ở luôn tại Tổng hành dinh mà không về nhà, dù hai nơi chỉ cách nhau vài trăm mét. Trong phòng làm việc của anh, các đồng chí công vụ đã kê thêm một chiếc giường con. Ngoài các tấm bản đồ treo trên tường, anh còn đặt thêm một tấm bản đồ quân sự miền Nam ngay dưới tấm kính rộng trên mặt bàn để tiện theo dõi”.
Cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 24-3-1975 xác định, thế và lực của ta và địch đã khác hẳn. Phải đánh nhanh, thắng nhanh, phải nghĩ đến tiến công Sài Gòn từ lúc này, kết hợp chặt chẽ tiến công và nổi dậy, thực hiện bước nhảy vọt về chiến lược. Bộ Chính trị khẳng định: Cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với Chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến. Quyết nghị: Nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, tập trung nỗ lực cả nước, tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất vào phương hướng chủ yếu, hành động nhanh chóng, táo bạo bất ngờ đánh cho địch không kịp trở tay, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã gặp và giao nhiệm vụ cho các cán bộ vào chiến trường, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhanh chóng tập trung lực lượng, trang bị... cấp tốc hành quân “xốc tới” chiến trường. Từ Tổng hành dinh, các cuộc họp diễn ra liên tục. Từ các phòng làm việc, ánh đèn sáng xuyên đêm. Các cơ quan Tổng hành dinh “luôn mắt, luôn tay, khẩn trương, phấn khởi”.
“Chiến thắng lớn, dồn dập như một phản ứng dây chuyền nhanh chóng lan ra, làm suy yếu bộ máy ngụy quân, ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở. Bài toán thời gian lúc này không dừng lại ở đáp số tính bằng tháng, mà phải tính bằng ngày. Thế trận chiến tranh nhân dân, với lực lượng bố trí sẵn tại chỗ trên từng chiến trường, từng khu vực, tỏ rõ khả năng chủ động tiến công của quân ta, còn nhanh hơn cả "trực thăng vận" và “cầu hàng không" của Mỹ. Địch ở đâu cũng bị đánh, bị bao vây chia cắt. Chiến lược tổng hợp của ta kết hợp đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận, căng địch ra mà tiêu diệt và đánh rã” - Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại (1933 - 2019), nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu nhớ lại.
Được điều về Cục Tác chiến làm Trợ lý Tác chiến đúng vào giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Đồng Thoại may mắn tham dự nhiều cuộc họp ở nhà Con Rồng tại Tổng hành dinh. Ông cho biết, những ngày cuối tháng 4-1975, một trong những bộ phận giúp việc phải làm “căng” nhất trong Tổng hành dinh là các cán bộ, chiến sĩ cơ yếu, thông tin. Mọi báo cáo từ chiến trường và mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy tới các cánh quân đều phải qua đây. Điện đến - đi luôn kèm theo những chữ: “Dịch ngay”, “hỏa tốc”, “ưu tiên 1”. Các ký hiệu “Tk” (thượng khẩn) đã bị đẩy lùi. Không còn ngày làm việc 10 giờ mà thường xuyên là 14, 18 giờ và trực 24/24 giờ.
Trong hồi ký, Đại tướng cũng viết: “Ở Hà Nội, các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh thường trực 24/24 giờ. Các đồng chí Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái và Cao Văn Khánh cùng tôi thường trực ở Sở Chỉ huy. Anh chị em, thông tin, cơ yếu thay phiên nhau làm việc suốt đêm ngày. Cơm nước được mang đến tận nơi”...
Thực tế chứng minh, thắng lợi của chiến tranh là kết quả của sự hy sinh, nỗ lực to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt, lâu dài giữa ta và địch, của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy ở tầm vĩ mô kết hợp với hoạt động chiến đấu và đấu tranh cụ thể của từng chiến trường, từng đơn vị, không phải chỉ riêng một chiến trường, một bộ phận nào. Trong đó Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các cơ quan tham mưu chiến lược giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Mùa Xuân năm 1975, Bộ Thống soái tối cao đã tỏ rõ tài năng mưu lược, hiểu địch, hiểu mình, điều hành toàn diện cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước. Tất cả các chỉ đạo, mệnh lệnh đều khẩn trương, linh hoạt, thận trọng, chắc thắng. Các chiến dịch đều diễn ra theo một kế hoạch thống nhất của Bộ Tổng tư lệnh, có sự phối hợp với nhau cả về kế hoạch và tình huống chiến dịch, tạo tiền đề cho nhau và cùng tạo ra điều kiện hình thành đòn quyết định chiến lược cuối cùng...

Nhân dân Sài Gòn mừng ngày chiến thắng 30-4-1975. Ảnh tư liệu
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một điển hình thành công của học thuyết quân sự Việt Nam với ngày chiến thắng 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc. Căn cứ vào diễn biến phát triển mau lẹ của tình hình địch, ta trên chiến trường, Bộ Thống soái tối cao đã có những quyết định kịp thời khi thời cơ mới xuất hiện, chuyển kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam từ hai đến ba năm lúc đầu sang kế hoạch thời cơ, rút xuống một năm rồi quyết định kết thúc trước mùa mưa chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, giành được thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn.