Khai mạc lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung năm 2025
Sáng 1/4 (tức mùng 4/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp), xã Yên Đồng (Ý Yên), UBND xã tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống năm 2025.

Rước Mẫu thỉnh kinh trong lễ hội Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên).
Phủ Quảng Cung là một trong những trung tâm của Đạo Mẫu, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo các truyền thuyết và thư tịch hiện còn lưu giữ tại phủ, nơi đây ghi dấu lần giáng sinh thứ nhất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền, Phủ Quảng Cung được xây dựng vào năm thứ tư, niên hiệu Hồng Đức (1473). Phủ được xây dựng trên nền nhà sinh ra Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, di tích Phủ Quảng Cung bao gồm các công trình thờ tự: Phủ chính, Đền Quảng Cung, Phủ Thủy sông Đáy. Phủ Quảng Cung hiện còn lưu giữ được nhiều đồ tế tự tiêu biểu, có giá trị như: tượng Mẫu bằng đồng tạc năm 1770 với tư thế ngồi thiền trên đài sen, bát hương bằng đồng chạm “lưỡng long chầu nguyệt” mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, khắc chữ Hán “Quảng Cung linh từ” cùng một số hiện vật quý hiếm, bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối, đại tự ghi dấu sự tích và ca ngợi công đức của Thánh Mẫu. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, Phủ Quảng Cung được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao Bằng bảo trợ di sản năm 2011; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2013. Hàng năm, Lễ hội Phủ Quảng Cung được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch với nhiều nghi lễ tâm linh tôn nghiêm và các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham dự.

Đông đảo người dân và du khách tham dự lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên).
Lễ hội Phủ Quảng Cung năm 2025 diễn ra từ ngày 29/3 đến ngày 7/4 (tức từ mùng 1 đến mùng 10/3 âm lịch) với các hoạt động tín ngưỡng: dâng hương, thực hành nghi lễ Chầu văn (hầu đồng), tế nam quan, tế nữ quan, thanh đồng tế Mẫu, thả đèn hoa đăng, lễ tạ; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống như: trống hội, hát văn, hát chèo, múa lân - rồng… Đặc biệt, vào ngày chính hội (mùng 4/3 âm lịch) tổ chức lễ rước Mẫu thỉnh kinh, rước Nước. Kiệu Mẫu được rước từ Phủ Quảng Cung lên Chùa Đồi thỉnh kinh Phật rồi qua Phủ Thủy sông Đáy, đi qua các đền, đình, chùa tại địa phương rồi quay trở về phủ đóng giá. Đoàn rước dài hơn 1km gồm các đội: múa lân - rồng, trống, hồng kỳ, biểu tượng, kiệu hoa, kiệu lễ, kiệu Thần, bát biểu, bát âm, tế nam, nữ quan, kiệu Long đình, kiệu Võng, kiệu Mẫu cùng các con nhang, đệ tử, thanh đồng, đạo quan, người dân địa phương và du khách thập phương./.