Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất và trách nhiệm của thế hệ hôm nay
Cách đây 49 năm, ngày 25/4/1976, cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Đây là bằng chứng về sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta, quyết tâm đánh và đánh thắng mọi thế lực phá hoại nền độc lập, tự do mà ông cha ta đã nhiều năm vun đắp. Những năm qua, mỗi người Việt Nam nói chung và người Yên Bái nói riêng luôn sẵn sàng góp sức trong công cuộc đổi mới, khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Không khí bầu cử tại Thủ đô Hà Nội ngày Tổng tuyển cử 25/4/1976 (Ảnh tư liệu).
Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất - Quốc hội khóa VI diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân ta, là sự kiện chính trị trọng đại, dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển và xây dựng đất nước, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà. Sau 30 năm, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (6/1/1946), đây là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước diễn ra trong điều kiện hòa bình. Nhân dân ta bước vào cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi to lớn đã giành được với niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam.
Cùng với cử tri cả nước 49 năm qua, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, cử tri tỉnh Yên Bái luôn xác định ngày Tổng tuyển cử là ngày hội lớn để mỗi người dân phát huy tinh thần dân chủ, sáng suốt lựa chọn những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Đối với cựu chiến binh Trần Văn Trạch, thôn Tiền Phong, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái năm nay gần 90 tuổi, thì ngày Tổng tuyển cử 25/4/1976 như vừa mới hôm qua. Bởi, ông vẫn còn nhớ như in cuộc Tổng tuyển cử này. Được tổ chức chỉ sau một năm kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, khi niềm vui chung của cả hai miền Bắc và Nam đã lan tỏa khắp đất nước, cuộc Tổng tuyển cử với hơn 23 triệu cử tri toàn quốc tham gia với tư thế của những người làm chủ đất nước đã nô nức thực hiện nghĩa vụ công dân của mình và bầu những đại biểu ưu tú vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Đã có 98,77% cử tri đi bầu cử, trong đó, nhiều đơn vị lực lượng vũ trang đạt 100% quân số đi bầu; một số địa phương đạt trên 99% số cử tri đi bầu cử.
Ông Trạch chia sẻ: "Được bầu ra những người đủ đức, đủ tài tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, tôi rất tự hào, luôn tự nhủ phải làm gì đó để chung tay xây dựng nước nhà. Từ năm 1962, tôi đã lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc rồi tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường. Năm 1975, khi tham gia chiến đấu tại Quảng Trị do ảnh hưởng bởi sức ép của bom, tôi được phục viên và về công tác tại xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. Phát huy tinh thần người lính Cụ Hồ, trong tất cả mọi công việc tôi đều làm hết mình, nhất là tham gia đầy đủ các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp”.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong quá trình mở rộng và củng cố chính quyền Nhà nước. Nhân dân ta tự mình nắm lấy vận mệnh để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây còn là bằng chứng về sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta, quyết tâm đánh và đánh thắng mọi thế lực phá hoại nền độc lập, tự do mà ông cha ta đã nhiều năm vun đắp.
Ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha ông, em Nguyễn Thúy Hiền - Phó Bí thư Chi đoàn Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái cho biết: "Chúng em đã tìm hiểu về cuộc Tổng tuyển cử năm 1976. Năm đó, cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu ngay ở vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Ở vùng mới giải phóng miền Nam, nhiều người là công nhân, nông dân lao động bình thường nhưng có thành tích xuất sắc, có uy tín cao đã được bầu vào Quốc hội; nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước được giới thiệu đã đắc cử”.

Cử tri xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên nghiên cứu danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trước khi bỏ phiếu.
Trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (Quốc hội khóa VI) diễn ra từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976 đã bầu ra: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, hai Phó Chủ tịch nước là Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Hữu Thọ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và những cơ quan lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thống nhất để điều hành công việc của cả nước.
Cùng với đó, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, như lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xác định Quốc kỳ, Quốc ca, Thủ đô là Hà Nội... Đặc biệt, Quốc hội khóa VI cũng xây dựng và thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980... Đây là một sự kiện trọng đại đánh dấu thắng lợi có tính quyết định của nhân dân Việt Nam trên con đường thống nhất nước nhà về mặt nhà nước.
Đến nay, đất nước ta đã trải qua 15 kỳ bầu cử Quốc hội. Mỗi kỳ bầu cử là một sự kiện, nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.
Cùng với cử tri cả nước 49 năm qua, kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, cử tri tỉnh Yên Bái luôn xác định ngày bầu cử là ngày hội lớn để mỗi người dân phát huy tinh thần dân chủ, sáng suốt lựa chọn những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia vào đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Qua đó, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị của công dân tham gia xây dựng bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp. Những năm qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, có nhiều đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện rõ vai trò của mình trước nhân dân và đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, luôn có nhiều cố gắng để xứng đáng là người đại biểu của dân, được cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng, gửi gắm niềm tin. Dù ở cương vị nào, các thành viên trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong quá trình tham gia hoạt động Quốc hội, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân.
Từ thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 đã khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, đòi hỏi mỗi người Việt Nam hôm nay phải cố gắng, quyết tâm, nhiệt huyết để khẳng định bản lĩnh, tinh thần Việt Nam trong thời đại mới. "Chúng em những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ luôn cố gắng với nỗ lực cao nhất để trở thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp” - em Nguyễn Thúy Hiền cho biết thêm.
Kết quả đạt được của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất ngày 25/4/1976 của Quốc hội khóa VI - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là sự kế thừa và phát triển từ Quốc hội khóa I, năm 1946, góp phần vào sự trưởng thành, vững mạnh của Quốc hội Việt Nam. Kỷ niệm 49 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976 - 25/4/2025), là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại ngày lịch sử trọng đại của dân tộc và của Quốc hội Việt Nam, Từ đó, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sẵn sàng góp sức trong công cuộc đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.