Cuộc trò chuyện 1 phút của nữ điều dưỡng với người yêu qua cổng khu cách ly
'Các cô cũng ăn Tết trong này à, vất vả quá nhỉ!'. 'Vâng, khi nào các bác được về, bọn cháu cũng mới được về', nữ điều dưỡng trong khu cách ly đáp lại lời động viên của một người F1.
Nếu Covid-19 không ập đến một lần nữa thì hôm 6/2 là ngày chị Kiều Thị Thủy, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội), đáp chuyến bay vào Cần Thơ để ăn Tết cùng chồng con.
“Tôi định vào ăn Tết đến mùng 10 mới ra Hà Nội thì Covid lại đến” - chị Thủy kể.
Cả quê chị và quê chồng đều ở Thạch Thất nhưng hơn 1 năm nay, chồng chị chuyển vào Cà Mau làm ăn. Mẹ chồng chị sống ở Cần Thơ nên cứ dịp hè và Tết, vợ chồng chị lại hẹn nhau hội ngộ ở Cần Thơ để sum họp gia đình.
“Con lớn của tôi năm nay học năm thứ 3 đại học ngành dược ở Cần Thơ. Đứa nhỏ học lớp 4. Hè năm ngoái, cháu cũng vào Cần Thơ với bà nội luôn”.
Vậy là cả gia đình chị 4 người ở 3 nơi. “Hiện tại, tôi chẳng vướng bận gì, nhà chỉ có một mình, nên khi ban giám đốc phân công đi khu cách ly, tôi nhận lời ngay”.
Tất nhiên, nhận nhiệm vụ này đồng nghĩa với việc chị sẽ mất một cái Tết sum họp cùng gia đình sau nhiều ngày xa cách. Nhưng chị nói: “Dịch dã như vậy, cả cơ quan bận rộn, mình lại ưu tiên cho lợi ích riêng thì cũng không đành lòng. Nếu không được ăn Tết cùng gia đình thì ăn Tết một mình ở nhà hay vào trong này ăn Tết cũng như nhau thôi”.
Trước khi đi, chị thông báo với chồng và gia đình. “Anh ấy bảo điều kiện mình đang không vướng bận gì thì cứ đi. Công việc ban giám đốc phân công mình nên tuân thủ. Mẹ chồng tôi và con gái thì khóc vì lo lắng”.
Chị bảo, tính chị vốn mạnh mẽ và lạc quan. Mặc dù phải tiếp xúc với F1 nhưng đã có các biện pháp bảo hộ, khử trùng, tự mình cũng có ý thức phòng dịch cao hơn để đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng nghiệp.
“Hiện tại, tôi khá yên tâm làm việc và ăn Tết ở đây khi có các anh bộ đội chăm lo, giúp đỡ. Ở nhà thì có ban giám đốc, các đồng nghiệp phòng ban hết sức quan tâm. Ngày nào các sếp cũng gọi điện hỏi thăm anh em trong khu cách ly. Trước khi đi, công đoàn, phòng hành chính cũng chuẩn bị đầy đủ cho chúng tôi đồ dùng cá nhân, thực phẩm ăn sẵn, đồ khô… ”.
Nữ điều dưỡng 23 tuổi 2 lần vào khu cách ly
Nhóm của chị Thủy gồm bốn người đều đến từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất. Ba người còn lại là 3 điều dưỡng trẻ, trong đó một bạn nam đã có gia đình, hai cô gái còn lại vẫn độc thân.
Mới 23 tuổi, vừa ra trường đi làm được hơn 1 năm nhưng điều dưỡng Nguyễn Thanh Mai đã có kinh nghiệm 2 lần phục vụ trong khu cách ly tập trung.
Đợt 1, Mai cũng được phân công tới Trung đoàn Pháo binh 58 (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) để chăm sóc y tế cho những người Việt trở về từ châu Âu. Lần này, Mai quay trở lại đây với nhóm đối tượng mới 100% là F1.
“Tôi còn nhớ năm ngoái khi vào đây, tôi mới đi làm được 2 tháng nên cũng hơi lo lắng. Đến ngày thứ 4 thì có ca phát hiện dương tính, tôi thực sự sợ hãi. Nhưng cũng may có mọi người trò chuyện, động viên nên tôi quen dần.
Lần này, tôi không lo lắng gì vì tin rằng chỉ cần bản thân bảo hộ tốt sẽ an toàn. Chỉ có điều phải ăn Tết ở đây, tôi hơi buồn”, cô gái 23 tuổi nói.
Mai kể, cô chưa bao giờ phải xa nhà lâu đến thế và đây cũng là cái Tết đầu tiên cô gái trẻ phải xa bố mẹ. “Hồi đi học, tôi học ở tỉnh khác nhưng bận đến mấy cũng chỉ 2 tuần là sắp xếp về thăm nhà một lần. Tôi rất hay nhớ nhà”.
Chuyến đi lần này bố Mai chỉ nhắn tin, chứ không gọi hằng ngày như lần trước. “Vì bố sợ tôi nhìn thấy bố mẹ là tủi thân, rồi khóc. Mặc dù bố không nói nhưng tôi biết bố cũng lo. Bố hay hỏi khi nào thì được về, có được về sớm không”, Mai kể lại.
Cô nói: “Hiện tại, tâm lý tôi vẫn còn khá ổn định, vui vẻ nhưng có lẽ đến 29, 30 Tết sẽ lại khác một chút”.
Khi được hỏi Mai đã có người yêu chưa, chị Thủy, ngồi bên cạnh, nói vui: “Hôm trước người yêu vào thăm nhưng chàng với nàng người trong người ngoài, nói chuyện với nhau qua cửa sắt của doanh trại”.
Mai ngại ngùng chia sẻ: “Anh ấy vào đưa thêm đồ cho tôi. Chiều hôm được đưa vào đây, tôi chỉ có 30 phút để về nhà lấy đồ. Lúc ấy, không có ai ở nhà nên tôi cũng chưa kịp chào gia đình và tạm biệt người yêu. Hai đứa đứng nói chuyện khoảng 1 phút rồi anh ấy lại về ngay”.
Dân, quân, y cùng chung sức
Hiện tại nhóm 4 người của bác sĩ Thủy làm nhiệm vụ đo nhiệt độ 2 lần/ ngày toàn bộ 145 người đang cách ly ở Trung đoàn Pháo binh 58. Nếu người nào có biểu hiện khác thường, chị Thủy sẽ kê, phát thuốc trong trường hợp là các loại bệnh thông thường.
“Có một số loại thuốc mình không mang sẵn theo sẽ báo cáo về bệnh viện để gửi lên đây. Rất may, tới hiện tại, các công dân mới chỉ mắc những chứng bệnh thông thường, chưa có ca cấp cứu hay trường hợp nào nguy hiểm”.
Bác sĩ Thủy cho biết, khi vào tới đây, đội ngũ nhân viên y tế được ban chỉ huy trung đoàn hỗ trợ rất nhiều, từ bữa ăn, giấc ngủ cho tới hỗ trợ công tác y tế.
“Chúng tôi cố gắng tìm mọi cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mọi người. Ví dụ hôm trước, có một bé sơ sinh gần 2 tháng tuổi bị dị ứng với dung dịch clo phun khử trùng nên da bị mần đỏ, trông rất thương. Tôi đã nhờ anh trung đoàn trưởng cho người đi kiếm lá chè xanh gửi vào. Sau đó, tôi đưa cho mẹ bé và hướng dẫn cách dùng nước chè lau rửa cho con. Hôm nay, da bé đã trắng trẻo lại”.
Bác sĩ Thủy nói rằng, những niềm vui nhỏ như thế hay những lời cảm ơn, chia sẻ hằng ngày của người dân cũng khiến đội ngũ y bác sĩ cảm thấy có một nguồn động viên lớn để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong những ngày tới.