Cuộc 'trở về' đặc biệt
Sau 56 năm bị vùi lấp, một ngôi mộ tập thể gồm di cốt của 60 liệt sĩ đã được phát hiện bởi công cuộc phối hợp tìm kiếm của những con người từng ở hai bên chiến tuyến, gây xúc động lòng người.
Trong ngần tiếng ve, ảo huyền hương khói
Ngày 17/4, một ngày thật đáng nhớ ở huyện trung du Hoài Ân của tỉnh Bình Định. Buổi sáng, trước lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện, tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ thuộc huyện, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn. Buổi lễ có sự hiện diện của các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng cùng lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định, hàng trăm cựu chiến binh Sư đoàn 3-Sao Vàng, các thân nhân liệt sĩ và đông đảo nhân dân.
Trong ngập tràn nắng vàng, tiếng ve ngân và khói hương huyền ảo, những người dự lễ truy điệu đã lặng người xúc động khi nghe từng đoạn điếu văn do đồng chí Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đọc.
"Đã 56 năm trôi qua, hình hài xương thịt các đồng chí đã trở thành đất đá, cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ, hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc. Sự hy sinh của các đồng chí đã để lại độc lập, tự do cho Tổ quốc; hạnh phúc của nhân dân; đã để lại cho mảnh đất Hoài Ân anh dũng, kiên cường - nơi đã sản sinh ra Sư đoàn 3 anh hùng hôm nay những vườn cây trái tốt tươi, cánh đồng trĩu hạt, cho tuổi thơ xinh màu áo học trò; cho ngói đỏ mái trường và tình thương của xã hội; cho tiếng chim ca trong nắng vàng sớm mai; cho khúc nhạc công nghiệp trải dài và phát triển"…
"Trước vong linh, hương hồn các anh hùng liệt sĩ kính nhớ, tất cả chúng ta đốt nén nhang thơm để làn khói là lời ru bất tận của tình người thủy chung, ánh mắt lan tỏa; để nghe lòng bùi ngùi, trĩu quặn... Cỏ cây, hoa lá chở che, ngân ru hồn liệt sĩ. Vẫn còn đó dây thắt lưng, bình tông, tăng, võng, những đôi dép cao-su, những mảnh dù mục vụn, những tấm khăn choàng, những kỷ vật vợ trao chồng, mẹ trao con trước lúc lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc…" .
Bài điếu văn kéo dài sự lặng lẽ càng khiến buổi lễ truy điệu trở nên thiêng liêng. Trên cao, phía sau án thờ, nghi ngút khói hương là chiếc quách phủ cờ đỏ bên trên có lẵng hoa cúc trắng. Trong chiếc quách là những lọ thủy tinh chuyên dụng có gắn ký hiệu đựng sinh phẩm mà trước đó tổ cất bốc đã kỳ công tìm kiếm, cọ từng chút kỷ vật! Chiếc quách không lớn gói gọn vào đó 60 di hài liệt sĩ có danh tính, gồm 51 đồng chí là cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng và chín đồng chí quân, dân, chính đảng địa phương. Sau lễ truy điệu chiếc quách được trang trọng đưa đến phần mộ tập thể bên cạnh tấm bia đá đặt ở phần trước của nghĩa trang.
Nơi các anh ngã xuống và những cuộc kết nối ly kỳ
Xác định tỉnh Bình Định là địa bàn chiến lược quan trọng, cuối năm 1965, kẻ địch đã tập trung hơn 20.000 quân Mỹ và chư hầu với 500 máy bay phản lực các loại, hàng chục tiểu đoàn thiết giáp, pháo binh nhằm thực hiện mục đích "tìm diệt" và "bình định".
Sau thất bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1966-1967), quân Mỹ chủ trương xây dựng các cứ điểm để đứng chân dài ngày như Gò Loi, Chóp Chài, trận địa pháo Xuân Sơn để đẩy mạnh "tìm diệt" làm chỗ dựa cho quân ngụy và quân chư hầu tiến hành "bình định". Đồi Xuân Sơn thuộc xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân có độ cao 198 mét. Đêm 25 rạng sáng ngày 26/12/1966, Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng với quân, dân huyện Hoài Ân tổ chức tập kích cứ điểm Xuân Sơn. Đây là trận đánh có ý nghĩa quan trọng nhằm kéo quân Mỹ ra để tiêu diệt, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng nổi dậy, chống địch càn quét gom dân, lập ấp chiến lược, phá âm mưu "bình định" của Mỹ, ngụy.
Những hình ảnh tư liệu chụp vào sáng 27/12/1966 cho thấy, dù quân Mỹ bị tổn thất nặng nề, nhưng cán bộ chiến sĩ của ta hy sinh cũng không ít. Trận đánh kết thúc, địch dùng xe cơ giới kéo thi thể của các liệt sĩ vùi lấp vào hố chôn tập thể gần đồn đóng quân của chúng.
Từ năm 1998 đến nay, được sự phối hợp, giúp đỡ tận tình của các cấp, các ngành, các cựu chiến binh cùng nhân dân địa phương, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã gặp gỡ nhân chứng, rất nhiều lần tổ chức khảo sát, tìm kiếm hài cốt của các liệt sĩ đã hy sinh trong trận tập kích cứ điểm Xuân Sơn, nhưng do địa hình, địa vật của chiến trường xưa có nhiều thay đổi, nên việc khảo sát, tìm kiếm trở nên vô cùng khó khăn.
Đến tháng 1/2022, từ những thông tin của một cựu chiến binh ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã mang đến hy vọng mới cho cuộc tìm kiếm. Ông là thiếu tá Đặng Hà Thụy, nguyên cán bộ Đoàn 5501. Ông Thụy sinh năm 1945, có cha đi tập kết khi còn rất nhỏ. Năm 1961, theo lời nhắn của cha, ông trở lại quê tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ tuyên truyền vũ trang trên địa bàn quận Hoài Nhơn. Giữa năm 1964, ông được cử đi học lớp kỹ thuật quân khí ở Quân khu 5, rồi được rút về xưởng Quân giới Tỉnh đội Bình Định để huấn luyện kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí, bom mìn cho du kích. Năm 1973, ông làm trưởng ban Quân giới tỉnh. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm Trưởng ban Hậu cần cho Trường Huấn luyện Quân khu 5 rồi sau đó cùng đoàn 5501 hành quân sang chiến trường Campuchia chiến đấu suốt bốn năm.
Sau khi nghỉ hưu, ông thường đến các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh chụp ảnh, ghi chép thông tin liệt sĩ ở các tỉnh xa; ông thường xuyên gửi tin "Nhắn tìm đồng đội" cho Đài Tiếng nói Việt Nam, chia sẻ qua mạng xã hội thông tin chỉ giúp mộ liệt sĩ và phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện cất bốc, đưa nhiều hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang địa phương.
Cuối năm 2018, qua facebook, ông kết bạn với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng ở TP Hồ Chí Minh - người từng giúp tra cứu, tìm 140 hài cốt binh lính Mỹ ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Anh Thắng đã cho ông địa chỉ facebook, email của các cựu binh Mỹ. Ông mạnh dạn soạn tin giới thiệu sơ lược về mình, bày tỏ mong muốn làm quen, nhờ chỉ giúp những hố chôn tập thể liệt sĩ do binh lính Mỹ chôn lấp trên các chiến trường Bình Định, nhờ google dịch rồi gửi đến facebook của cựu binh có tên Spencer Matteson. Ông này từng chứng kiến cuộc chôn lấp thi thể quân giải phóng Việt Nam ở đồi Xuân Sơn trong trận đánh đêm 26/12/1966 và giới thiệu cho ông Thụy thêm một cựu binh có tên Bob March (đang làm quản lý tại một trường đại học thuộc bang Texas, trường này có lưu trữ hồ sơ về chiến tranh ở Việt Nam). Các cuộc thư đi tin lại của các cựu binh ở hai chiến tuyến đã cho kết quả bất ngờ.
Một ngày đầu năm 2022, ông Thụy nhận thư của ông Bob March. Qua thư, ông Bob cho hay đã dành gần sáu tháng để tra cứu hồ sơ, tìm số phone và liên lạc với các nhà báo, cựu binh từng lái xe ủi, cầm xẻng chôn lấp những người lính Bắc Việt tại đồi Xuân Sơn để xác minh vị trí, vẽ lại bản đồ… Qua mấy tấm ảnh cũ và những tờ bản đồ Bob cung cấp, ông Thụy biết đồi Xuân Sơn có hai hố chôn tập thể: một bằng xe ủi và một bằng xẻng. Cả hai, ước tính hơn 80 liệt sĩ!
CCB Thụy đối chiếu không ảnh do cựu binh Mỹ cung cấp với thực địa đồi Xuân Sơn.
Với kiến thức quân sự học được từ quân ngũ, ông Thụy cầm những tờ bản đồ đến đồi Xuân Sơn. Sau mấy ngày loanh quanh, luồn lách trong những trảng keo, rẫy chuối của người dân, ông đã xác định được vị trí hố chôn tập thể bằng xe ủi và điện báo nội dung sự việc đến Ban Chính sách Tỉnh đội Bình Định. Ngày 10/3/2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Hoài Ân tổ chức khai quật hố chôn thứ nhất. Sau 13 ngày tìm kiếm, đội quy tập mộ liệt sĩ đã tổ chức tìm kiếm, khai quật trên diện tích rộng hơn 1.200 m2. Qua đó đã phát hiện và cất bốc rất nhiều sinh phẩm như răng, xương, cùng với nhiều di vật: võng dù, bọc nylon, tấm che võng, dây thắt lưng, dép cao-su... xác định khoảng 60 hài cốt liệt sĩ nằm cách mặt đất tầm 2-3 mét.
Sau hơn 50 năm lặng lẽ nằm trong lòng đất lạnh, những người con trung nghĩa, quả cảm đã trở về trong niềm thương tiếc nhưng phần nào được an ủi của người thân, và sự trân trọng, thành kính tri ân của lớp lớp hậu thế.
"Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể cho các bạn"
Khi chúng tôi viết bài này, ông Thụy vẫn thầm lặng trao đổi những vướng mắc với các cựu binh Mỹ để họ cung cấp thêm thông tin về hố chôn thứ hai bằng xẻng. Ông đã kết nối được với nhiều cựu binh có mặt trong cuộc chôn lấp như: Thomas Crabtree, Vory Whitake, Comas Johnson, Stephen Chesnut… Họ trân trọng việc làm đầy tính nhân văn của Chính phủ Việt Nam và cựu chiến binh Đặng Hà Thụy và cảm thấy có trách nhiệm với việc tìm kiếm hài cốt quân giải phóng Việt Nam. Ông Spencer Matteson bày tỏ nỗi niềm qua email gửi ông Thụy: "Tôi rất hối hận khi tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Mặc dù không phải là người xúi giục, khơi mào nhưng tôi luôn cảm thấy day dứt. Tôi sẽ luôn sát cánh và làm tất cả những gì có thể làm được cho các bạn".
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/cuoc-tro-ve-dac-biet-695039/