Cước vận tải biển giảm mạnh, tàu đi Trung Quốc có lúc chỉ thu mỗi phụ phí
Cước vận tải biển giảm mạnh với các tuyến vận tải biển xa. Với thị trường nội địa, giá cước giảm khoảng 15-20%.
Giá cước đảo chiều sau 2 năm tăng mạnh
Theo nền tảng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry, chỉ số container tổng hợp toàn cầu đã giảm tới tuần thứ 28 liên tiếp và hiện đã giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, chỉ số tổng hợp mới nhất của Drewry WCI là 5.379 USD/ container 40 feet, hiện thấp hơn 48% so với mức đỉnh 10.377 USD đạt được vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn 46% so với mức trung bình 5 năm là 3.679 USD.
Thị trường vận tải container đã bắt đầu điều chỉnh sau chu kỳ tăng mạnh kéo dài hai năm, cả giá cước giao ngay và giá thuê tàu đều đang giảm.
Với các tuyến vận tải biển quốc tế, theo một doanh nghiệp vận tải biển, giá cước đã giảm khoảng 40-50% có những tuyến vận tải biển xa. Cụ th, cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ sẽ khoảng 15.000 USD - 17.000 USD/container 40 feet, nhưng hiện nay chỉ khoảng 11.000 USD.
Thị trường vận tải nội địa giảm thấp hơn, khoảng 15-20%. Theo khảo sát, mức giá đã giảm hàng triệu đồng cho mỗi container vận chuyển nội địa từ Hải Phòng - TP.HCM và ngược lại.
Cụ thể, giá cước chiều từ Hải Phòng - TP.HCM đang dao động khoảng 9,2 triệu - 9,5 triệu đồng/container 20ft và khoảng 12 triệu đồng/container 40ft. Ở chiều ngược lại TP.HCM - Hải Phòng, mức cước khoảng 6 triệu - 8 triệu đồng/container 20ft và 9 triệu - 10 triệu đồng/container 40ft.
Mức giá này đã giảm khoảng 1-2 triệu đồng/chiều so với thời điểm các doanh nghiệp niêm yết giá cước hồi tháng 4/2022.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông đánh giá, giá cước giảm do ảnh hưởng của thị trường cung cầu và ảnh hưởng chung của thị trường quốc tế.
Đặc biệt, ông Tiến tiết lộ có thời điểm, giá cước tàu vận chuyển đi Trung Quốc thậm chí gần như bằng 0 và hãng tàu chỉ thu phụ phí.
Nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân được cho là các nhà máy Trung Quốc đã hoạt động trở lại nên nhu cầu nhập khẩu giảm đi, cũng như việc tắc nghẽn tại các cảng biển được giải phóng nên lượng tàu vận chuyển nhiều hơn, gây ảnh hưởng tới thị trường.
Theo các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, sẽ có thêm lượng tàu container đóng mới ra thị trường. Điều này cũng có thể gây ảnh hưởng tới giá cước vận tải, cũng như thị trường thuê tàu.
“Sau Covid-19, diễn biến thị trường liên tục thay đổi. Hiện nay, thị trường thuê tàu định hạn cũng đang giảm nên từ giờ tới cuối năm, dự báo thị trường khá xấu. Tuy nhiên, giá cước hiện tại vẫn đang cao hơn giá cước thời điểm trước dịch Covid-19”, ông Tiến chia sẻ và nói thêm, lượng hàng hóa đang có dấu hiệu giảm sút và giá cước thời gian qua đã tăng đột biến nên hiện tại, mức giá dần quay lại giá trị thực.
Trong khi đó, theo dự báo của SSI, sự điều chỉnh thị trường vận tải container diễn ra sớm hơn dự kiến do nhu cầu bất ngờ yếu đi nhanh chóng, không phải do tình trạng tắc nghẽn được giảm bớt.
Đồng thời, lạm phát tăng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ảm đạm có thể tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, và ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa. Giá cước vận tải container sẽ dần bình thường trở lại, nhưng quá trình bình thường hóa sẽ phụ thuộc lớn vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, ước tính chưa thể khắc phục cho đến nửa cuối năm 2023.