Cước vận tải biển tăng 'dựng đứng', giải pháp nào cho doanh nghiệp xuất khẩu?

Giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi châu Âu tăng gấp 2 - 3 lần so với cuối năm ngoái và dự kiến sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Nhiều tuyến tàu sang châu Âu, cước vừa đắt vừa không còn chỗ trống gây thiệt hại nhiều cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bị bào mòn lợi nhuận

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động, ảnh hưởng đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Thực tế trong thời gian qua, doanh nghiệp bị bào mòn lợi nhuận vì cước vận tải biển tăng "phi mã".

Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Tươi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chuyên xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi sang nhiều thị trường trên thế giới. Giám đốc Võ Thanh Châu bày tỏ lo lắng: Nhiều lô hàng xuất đi châu Âu, đến phút cuối lại bị hoãn vì không có tàu. Các công ty dịch vụ logistics báo giá cước tăng liên tục trong khi giá đơn hàng đã hợp đồng từ trước.

Cước vận tải biển tăng cao bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cước vận tải biển tăng cao bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Giá cước đang thay đổi hằng tuần theo chiều hướng tăng khiến chúng tôi trở tay không kịp. Khi giá tăng quá cao, chúng tôi buộc phải chọn các tuyến đi đường vòng. Tuy nhiên, những sản phẩm như trái cây, nông sản tươi dễ hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”, bà Châu chia sẻ. Để tránh thiệt hại, Công ty Thanh Tươi buộc phải tạm ngưng xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường có giá quá cao hoặc vận chuyển bằng máy bay.

Lo lắng cho tình hình xuất khẩu hàng hóa, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và đây cũng là khu vực có cước tàu biển tăng cao nhất.

Theo đó, giá cước tàu biển từ Việt Nam đi châu Âu trên dưới 4.000 - 5.000 USD/container, tăng gấp 2 - 3 lần so với cuối năm ngoái. Trung bình một container xuất đi Mỹ khoảng 6.000 - 7.000 USD, tăng gấp đôi so với trước đó.

Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng, dao động từ 1.000 - 2.000 USD/container.

"Cước vận tải biển tăng cao cùng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như chúng tôi.

Ngoài việc tăng cước phí thì thời gian vận chuyển hàng hóa cũng tốn nhiều hơn từ 7 - 10 ngày. Điều này làm đảo lộn các kế hoạch giao nhận hàng và sản xuất của chúng tôi cũng như các đối tác" - ông Lĩnh cho hay.

Phân tích về những tác động của việc giá cước tăng đến doanh nghiệp Việt, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, giá cước tàu biển bất ngờ tăng vọt và biến động hằng ngày như vậy khiến cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn khi chi phí bị đội lên cao và đối diện với nhiều rủi ro, chậm trễ trong giao hàng...

Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp nên dừng đặt tàu để nghe ngóng tình hình nếu không bị áp lực xuất khẩu. Hơn thế nữa, hiện các hãng tàu lớn trên thế giới đều không còn chỗ trống hoặc tăng giá, vì vậy doanh nghiệp cũng không có sự lựa chọn nào khác.

Đề xuất giải pháp thiết thực

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế hướng về xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỉ USD, tăng 14,9%; trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỉ USD, tăng 17,3%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 11,85 tỉ USD.

Bộ Công Thương yêu cầu có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Bộ Công Thương yêu cầu có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cũng theo Bộ Công Thương, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cục bộ tại một số cảng khu vực châu Á, thiếu container rỗng đã tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương vừa có Công văn số 5178 gửi các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu; các hiệp hội lĩnh vực logistics; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam về giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.

Công văn chỉ rõ, trong thời gian vừa qua, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cục bộ tại một số cảng khu vực châu Á, thiếu container rỗng đã có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Vì vậy, Bộ Công Thương yêu cầu có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã có thư gửi ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) đề xuất một số nội dung liên quan đến vấn đề cước vận tải biển.

Bộ trưởng mong muốn ông Turgut Erkeski và FIATA có thể hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn trên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng mong muốn FIATA hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu. Đồng thời, ủy quyền cho các tổ chức Việt Nam tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ FIATA để góp phần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cao.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/cuoc-van-tai-bien-tang-dung-dung-giai-phap-nao-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-1101176.html