Cuộc xướng họa thơ trên Báo Văn nghệ Sóc Trăng năm 2000
Xướng họa thơ là một hoạt động văn chương tao nhã, thể hiện thú tiêu khiển có văn hóa của những người làm thơ. Trong truyền thống sinh hoạt văn chương Việt Nam, có rất nhiều cuộc xướng họa thơ nổi tiếng một thời và còn lưu lại hậu thế với nhiều ý nghĩa và giá trị đáng quý, trong đó, cuộc xướng họa bài thơ 'Tôn phu nhân quy Thục' giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị là còn lưu truyền đến ngày nay với quan điểm chính trị rõ ràng của Phan Văn Trị đối với cách lập luận đầy tính ngụy biện của Tôn Thọ Tường. Ở Sóc Trăng, trên Báo Văn nghệ xuân Canh Thìn năm 2000 đã có một cuộc xướng họa như thế. Chúng tôi xin giới thiệu cuộc xướng họa đó.
Theo Dương Quảng Hàm, trong một cuộc xướng họa thơ thì hình thức của bài họa phải dùng lại đúng từ cuối cùng ở các câu 1, 2, 4, 6, 8 của bài xướng theo đúng thứ tự từ trên xuống, hoặc ngược từ dưới lên (gọi là họa ngược). Không được xáo trộn thứ tự các từ cuối ở các câu trên. Về nội dung, bài họa phải cùng một chủ đề, một nội dung với bài xướng, đáp lại ý nghĩa của bài xướng, có thể biểu đồng tình hoặc phản đối với tư tưởng bài xướng nhưng phải cùng trong chủ đề mà bài xướng đã nêu.
Cuộc xướng họa năm Canh Thìn gồm 1 bài xướng của tác giả Tô Liên Bửu và 5 bài họa của các nhà thơ, nhà văn ở Sóc Trăng (Nguyễn Tử Quang, Quốc Bình, Tiểu Hùng Tinh), Cần Thơ (Nguyễn Tương Quang) và Vĩnh Long (Sông Rồng). Bài xướng của tác giả Tô Liên Bửu như sau:
Mừng năm mới Văn nghệ tỉnh Sóc Trăng
Chúc mừng Văn nghệ Sóc Trăng ta:
Xuân mới mang vui khắp mọi nhà.
Kỷ Mão đã vươn rừng trúc trẻ,
Canh Thìn vẫn sáng cụm mai già.
Cửa nhà, kinh phí... tuy eo hẹp,
Nhiệt huyết, đồng tâm vẫn vượt qua.
Năm mới mong Rồng mang lộc mới
Sóc Trăng Văn nghệ ngát vườn hoa.
Đây là bài thơ thất ngôn bát cú đường luật với chủ đề mừng năm mới cho Văn nghệ Sóc Trăng. Hai câu đề là lời chúc Văn nghệ tỉnh nhà một năm mới đầy hứng khởi. Hai câu luận điểm lại thực tế đời sống văn nghệ hai năm qua với hai hình ảnh ẩn dụ: Rừng trúc trẻ (thế hệ nhà văn mới cầm bút), cụm mai già (thế hệ các nhà văn lão thành). Hai phó từ “đã” và “vẫn” cho thấy sự đan xen và hỗ trợ nhau giữa các thế hệ văn nghệ sĩ. Hai câu luận là lời động viên đội ngũ đoàn kết (đồng tâm) vượt qua khó khăn vì cơ sở vật chất thiếu thốn (eo hẹp), điều kiện kinh tế còn nhiều vất vả. Hai câu kết là lời chúc cũng là lời mong ước cho một năm văn nghệ phát triển. Bài thơ xướng có vần chính là “a” ở các câu: 1, 2, 4, 6, 8; chủ đề rõ ràng, ngôn từ giản dị nhưng có sức gợi.
Các bài thơ họa đều đáp ứng về hình thức ở các chữ. Mỗi bài một vẻ nhưng đều cùng chung một đề tài “văn nghệ Sóc Trăng đón xuân”. Bài của Vô Ngã - Nguyễn Tử Quang có hai câu luận độc đáo: “An bần, sự thế thì như thế /Lạc đạo, can qua rồi cũng qua”. Câu này vừa đối vừa chơi chữ (sự thế - như thế; can qua - cũng qua) tạo nên những tầng nghĩa đa dạng.
Riêng gì Văn nghệ Sóc Trăng ta,
Xuân đến đem vui khắp mọi nhà
Phảng phất hương bay hồn thắm trẻ,
Long lanh sương đượm chí thêm già
An bần, sự thế thì như thế
Lạc đạo, can qua rồi cũng qua
Mưa tạnh mây tan trời sáng lại,
Vườn văn nắng ấm rực ngàn hoa
Bài họa của Quốc Bình có hai câu thực đậm chất hiện thực: “Bảy năm ở đậu đau lòng trẻ/ Một kiếp làm văn tủi phận già”. Câu thơ miêu tả thực tế về cơ sở vật chất thiếu thốn của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh những năm đầu mới thành lập. Bài họa của Sông Rồng gửi lời chúc cụ thể đến tờ tạp chí Văn nghệ: “Càng ngày tạp chí càng thêm sắc/ Văn nghệ Sóc Trăng trổ lắm hoa”.
Các tác giả còn lại nhìn chung có những câu thơ cũng chúc mừng văn nghệ Sóc Trăng một năm đầy hứng khởi:
Bút lực nâng tầm hồn vẫn trẻ
Văn phong sắc nét trí không già (Tiểu Hùng Tinh)
Chiếu rượu mừng xuân hồn vẫn trẻ
Câu thơ chúc Tết ý không già(Nguyễn Tương Quang)
Nhìn chung, các bài họa đều đáp ứng quy tắc thơ văn xướng - họa. Một thú chơi văn thơ đầy ý nghĩa, có giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi bài thơ là một tâm sự của người làm văn nghệ gửi gắm đến độc giả. Bài thơ cũng là phương tiện để nói lên cái chí khí và lý tưởng của tác giả. Bài thơ còn là sự thể hiện phong cách sống của tác giả. Chẳng hạn với hai câu luận của tác giả Nguyễn Tử Quang, chúng ta cũng hiểu phần nào lý do tác giả chọn bút danh là Vô Ngã. Mong rằng sắp tới, tạp chí Văn nghệ Sóc Trăng duy trì thú chơi tao nhã này.