Cuối năm đi chơi chợ phiên

Mường Lát một ngày mưa phùn, cô gái nhỏ đã đặt chân đến đó. Thị trấn bé nhỏ và bình dị này nằm yên bình trong lòng thung được bao bọc bởi lớp lớp núi cao, núi thấp. Nơi ấy có những đứa bé lấp ló trong khung cửa bạc màu thời gian. Có những nếp nhà xanh rêu như đã tự ngàn năm... Những tấm giấy đỏ dán trước cửa nhà là điểm nhấn đem lại không khí vui tươi cho những mảng màu xám đen, vương mùi khói; những chiếc bánh chưng, xâu xúc xích treo trên gác bếp đã xua đi vẻ nghèo túng của những bản làng vùng biên.

Niềm vui của những đứa trẻ theo mẹ đi chợ là được ăn cây xúc xích.

Niềm vui của những đứa trẻ theo mẹ đi chợ là được ăn cây xúc xích.

Buổi sáng mờ sương hôm ấy, cô gái đi chơi chợ tình Nhi Sơn. Mỗi tháng, chợ này chỉ họp đúng ngày 15. Xe vén từng lớp sương, hơi lạnh tê buốt luồn qua người, ngấm vào da thịt. Trong cơn mưa, cảnh vật nhạt nhòa, mặt người nhễu nhại. Ngước lên những dãy núi trập trùng, sương mờ mịt che khuất đỉnh. Sương đặc sánh đổ tràn xuống lòng đường, quấn lấy những bóng người ẩn hiện. Họ âm thầm, nhẫn nại, nhấp nhô chiếc gùi theo nhịp bước, đổ xuống chợ phiên. Chợ như chỗ nước dồn tụ về: quần tụ người, quy tụ sản vật và quây quần niềm vui. Thi thoảng, bóng những chiếc xe máy chở đồ dưới xuôi cách hàng trăm cây số ngược lên; đồ nông sản từ mãi trên núi cao, từ những bản làng sâu hút mấy chục cây số ngược xuống. Con đường vốn bình yên với núi non, sương lấp vào ngày chợ phiên, cũng hừng hực sức sống.

Những vị khách từ xa lẳng lặng nhìn, nghe và hòa mình vào dòng người, hưởng ké sức xuân.

Từ xa chạy xuống, chợ nổi bật với những gam màu chói: hồng, xanh, đỏ, tím, vàng... Sặc sỡ nhất có lẽ là những tấm khăn đội đầu, những chiếc váy xòe thổ cẩm... Hai bên đường vào chợ cũng nhuộm bởi sắc màu, từ màu xanh của bó cải mèo, rau dớn, su hào, bắp cải,... đến màu đỏ của ớt, gừng,... trộn thêm màu vàng của cam, bưởi, chuối,.... Và, chợ cũng rất thơm với mùi thảo quả, mắc khén,... đặc biệt có rất nhiều loại lâm thổ sản, hoa quả rừng tên gọi không dịch ra được tiếng phổ thông. Lợn, gà, chó,... cũng được bày bán ở chợ, chúng thi nhau hòa âm bát nháo bằng ngôn ngữ của giống loài, càng khiến chợ thêm ồn ả, huyên náo.

Chợ phiên Nhi Sơn.

Chợ phiên Nhi Sơn.

Chợ phiên bán nhiều nhất có lẽ là quần áo. Dọc đường, góc chợ, những sạp quần áo dựng san sát, đủ loại, đủ họa tiết, đủ hoa văn, đủ màu sắc. Người ta tíu tít lựa chọn, ướm thử, cười nói rúc rích. Em bé người Mông đứng nép phía sau nghe mẹ trả giá, đôi mắt mở to thu nạp ngôn ngữ sinh hoạt đời thường. Nhộn nhịp bán mua còn thấy ở khu vực bán nông sản, nông cụ. Các bà, các mẹ tất bật tra lại cán cuốc, lưỡi đục, lưỡi cày; lựa một con dao đi rừng, dao phát nương, kéo. Xong xuôi lại kéo đến gian hàng bán hạt rau giống. Những người phụ nữ hết nâng lên lại đặt xuống, đôi mắt đăm chiêu nghĩ đến mảnh ruộng sau nhà trồng cải mèo, trước nhà trồng gừng, trồng bí. Chỉ vậy thôi, niềm vui cũng ăm ắp sau chiếc gùi đang đầy dần những đồ đạc.

Giữa bận rộn của chợ phiên, hai người phụ nữ chuyện trò hồi lâu giữa lối chợ đông người qua lại. Với họ, chuyện bán - mua giờ đây đã không còn quan trọng. Đi chợ là để chơi, để gặp bạn bè, người thân; để hít thở không khí, hưởng chút nắng ấm và ánh sáng. Nên mới có chuyện, có người đi cả ngày đường đến chợ chỉ để mua một đôi dép, cân muối... Cũng có người chỉ đi bán một con gà, hoặc đơn giản là ăn một bát phở. Mong chợ nhất có lẽ là đám thanh niên, chợ là chốn chơi, có khi cũng là chốn hò hẹn. Từng tốp nam thanh, nữ tú túm tụm nơi bãi đất trống trò chuyện, chụp ảnh làm kỷ niệm..., trên tay họ là những đôi giày, chiếc khăn, mũ vừa mới mua hoặc được tặng ở chợ. Thấy những vị khách dưới xuôi tò mò với tất cả mọi thứ, mấy cô cậu bịt miệng cười, vội vàng kéo nhau đi góc khác. Người trẻ xuống chợ phiên chỉ cần như thế, thể hiện chút duyên dáng, bẽn lẽn và tìm cho mình những điều thú vị trong ánh nhìn.

Gia đình nhỏ tự thưởng bữa ăn ngon mỗi ngày chợ phiên.

Gia đình nhỏ tự thưởng bữa ăn ngon mỗi ngày chợ phiên.

Đi chơi chợ một hồi, mỏi chân, đói bụng, cô gái tạt vào khu ẩm thực gọi một bát thắng cố. Thắng cố giờ không khó ăn như ngày trước mà thơm ngon, có mùi vị đặc trưng lạ miệng. Trong khí lạnh của vùng núi cao mà được nhâm nhi bát thắng cố nóng hổi vừa được múc ra từ nồi thắng cố sôi sục sục với bát rượu men lá thì còn gì thú bằng. Các thanh niên trong bản đã tụ tập từ sớm, khề khà bên bát rượu, vui với câu chuyện làm quà. Góc bên, người chồng kéo vợ vào quán rồi gọi đĩa chân gà, chai nước ngọt. Họ lặng lẽ ăn giữa những ồn ào náo nhiệt.

Chợ về chiều bắt đầu vãn. Những chiếc gùi đã đựng đầy mặt hàng thiết yếu, vợ chồng con cái đủng đỉnh ra về trên con đường núi hun hút. Họ trở về với ngôi nhà tường trình, với những gốc đào, gốc mận sần sùi nơi lưng núi. Cô gái cũng đã mua được rất nhiều đặc sản núi rừng mang về xuôi làm quà, quá đủ cho một lần đi chợ. Mường Lát về đêm càng thêm lạnh, lạnh tê tái. Túi gừng đỏ già, thơm nồng, ấm nóng tỏa ra khắp căn phòng. Cắt vài lát gừng bỏ vào cốc nước nóng, nhấp từng ngụm cảm giác như cơ thể được tiếp thêm sinh khí. Sản vật vùng cao luôn chất lượng như thế, củ gừng nhỏ, cái măng rừng... thôi cũng đã gói ghém tất cả màu sắc, hương vị, giá trị của phiên chợ xa vời vợi này.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cuoi-nam-di-choi-cho-phien/30054.htm