Cuối năm đời sống văn hóa văn nghệ lại rộn ràng
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, đời sống văn hóa văn nghệ (VHVN) thường xôn xao các sự kiện như xét kết nạp hội viên; trao giải thưởng các cuộc thi; xét giải thưởng hằng năm, giải thưởng năm năm; hoặc xét các danh hiệu, chức danh..., không ít thì nhiều đều có những dư luận trái chiều, bàn luận.
Nhân dịp này Chuyên đề Văn nghệ Công an xin giới thiệu cuộc trò chuyện của ba nhà văn Sương Nguyệt Minh, Mai Tiến Nghị và Nguyễn Thế Hùng xung quanh các vấn đề VHVN đang được dư luận quan tâm.
- Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh! Có lần ông đã nói: “Giải thưởng không làm nên nhà văn”, còn nhà thơ Lê Đạt thì nói: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Theo ông nên hiểu thế nào về danh hiệu nhà văn, nhà thơ nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung?
+ Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Vấn đề này hay và khó. Bởi từ xưa đến nay người ta bàn nhiều rồi, quan niệm về nhà văn cũng khác nhau. Nhà văn, nhà thơ hay văn nghệ sĩ nói chung đều là người sáng tạo, biểu diễn. Tôi chỉ xin bàn về tác giả văn chương. Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do Hoàng Phê chủ biên thì giải nghĩa nhà văn là: “Người chuyên sáng tác văn xuôi và đã có tác phẩm có giá trị được công nhận”. Tương tự, nhà thơ cũng như thế. Quan niệm này về cơ bản là nhiều người dẫn ra khi bàn về học thuật. Tôi thì nghĩ: nhà văn là người sáng tác văn xuôi và có phong cách tự sự riêng đặc sắc, tiếng nói độc đáo, được bạn đọc đón nhận. Tương tự nhà thơ cũng thế, phải là người sáng tác thơ và có phong cách trữ tình riêng đặc sắc, tiếng nói độc đáo, được bạn đọc đón nhận.
- Còn quan điểm của nhà văn Mai Tiến Nghị, ông thấy sao? Qua cuộc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ vừa rồi cũng lắm chuyện để bàn.
+ Nhà văn Mai Tiến Nghị: Tôi có suy nghĩ thế này: danh hiệu Nhà văn và danh hiệu Nghệ sĩ nói chung đều là do nhân dân tôn vinh chứ không phải danh hiệu do Hội Nhà văn hoặc Hội đồng xét danh hiệu Nghệ sĩ ban phát. Dĩ nhiên người được kết nạp Hội Nhà văn, người được danh hiệu NSƯT, NSND phải được Hội Nhà văn, Hội đồng xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ bằng chuyên môn nghiệp vụ của mình có trách nhiệm thẩm định xét duyệt.
Tuy nhiên chuyện để bàn ở đây là cái trọng trách giao cho Hội Nhà văn, Hội đồng xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ có phát hiện đúng người, đúng đối tượng đủ tư cách, tài năng để trao danh hiệu theo đúng sự tôn vinh của nhân dân hay không? Ngoài ra còn có chuyện đối tượng có nguyện vọng hay không. Bởi vì trong thực tế nhiều người viết, nhiều nghệ sĩ có sức lan tỏa rất rộng, nhưng họ không có nhu cầu về danh hiệu chả nhẽ lại đưa họ vào danh sách, mà nếu đưa vào danh sách người ta không nhận thì xử lý thế nào? Mọi ý kiến thắc mắc, mọi chuyện ì xèo có lẽ cũng từ hai vấn đề này mà ra.
- Thế thì cũng khó nhỉ. Có người là hội viên Hội Nhà văn, nhưng không được “chữ bầu”, không có phong cách riêng, tiếng nói riêng? Và có nhiều người là Nghệ sĩ Nhân dân nhưng quả thật đông đảo quân chúng nhân dân, những người hưởng thụ nghệ thuật thì ít biết đến họ.
+ Nhà văn Mai Tiến Nghị: Tôi nghĩ Nhà văn Nguyễn Thế Hùng đang nói đến vận dụng tiêu chí để kết nạp Hội Nhà văn và tiêu chuẩn để phong tặng danh hiệu nghệ sĩ. Riêng đối với Hội Nhà văn thì các tiêu chuẩn để được kết nạp hội viên đã ghi trong Điều lệ Hội. Nếu căn cứ vào Điều lệ thì số lượng nhà văn kết nạp hàng năm có thể lên tới vài trăm. Thật. Nó rất chung chung, chỉ duy nhất một tiêu chí mang tính định lượng: “có ít nhất 2 tác phẩm đã xuất bản riêng, được đánh giá tốt”. Vế sau của tiêu chí này cũng rất định tính chứ cũng không định lượng được. Vậy thì vấn đề có tính chất quyết định nhất là tiêu chí: “Được Ban Chấp hành Hội xem xét, công nhận là Hội viên chính thức”. Nhưng Ban Chấp Hành chỉ có 15 người, có khóa chỉ có 7 người (như nhiệm kỳ 2015-2020) vậy thì phải dựa vào các Hội đồng. Nhưng thực sự số lượng các thành viên Hội đồng cũng không nhiều. Mà mỗi năm có tới 300-400 người đủ tiêu chí 2 đầu sách. Với số lượng 600-800 đầu sách BCH và các Hội đồng phải thẩm định sẽ không đọc xuể. Và như vậy chắc chắn sẽ để sót đối tượng xứng đáng kết nạp. Chỉ những nhà văn xuất hiện nhiều trên báo chí, tạo nên dấu ấn đặc biệt mới được quan tâm hơn.
Cũng từ cái việc đọc không xuể… nên người ta mới có những động tác lobby ngoài hành lang để được chú ý. Hệ lụy nó xảy ra từ đây. Kết quả bên cạnh những người xứng đáng thì cũng có thể có nhà văn được kết nạp không được “chữ bầu”, không có phong cách riêng, tiếng nói riêng.
Đối với xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ thì lại hơi khác: Tính định lượng trong tiêu chí lại quá rõ (số lượng giải Vàng, quy đổi bao nhiêu giải Bạc thành một giải Vàng). Bám vào tiêu chí đấy thì nhiều nghệ sĩ ít được công chúng biết đến (có huy chương Vàng trong vở diễn mà vở diễn đó sống được chỉ một lần trong Hội diễn chứ chưa được diễn trước công chúng buổi nào) lại được tôn vinh. Ngược lại nhiều Nghệ sĩ tài năng thực sự, tư cách xứng đáng lại bị bỏ ngoài danh sách vì có khi do chuyển công việc từ biểu diễn sang giảng dạy hoặc quản lý hoặc do tuổi tác, hoặc họ không tham gia vào các vở diễn đi dự thi…
+ Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chuyện đó là có thật. Không phải cứ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là nhà văn. Bởi chữ nghĩa nhợt nhạt, nếu có viết nhiều đến mức sách cao hơn đầu tác giả thì chữ cũng không hè nhau cõng người viết lên thành nhà văn. Chữ nó phải cựa quậy, sinh động, có hồn, chứ không mang tính thông tấn. Rồi tác giả có cách viết riêng, phải gửi một thông điệp nào đó, có thể hiểu là ý tưởng, hay tư tưởng vào tác phẩm, chứ không chỉ kể cho xong chuyện. Kể cho xong chuyện, thì bà nội bà ngoại, hay chị bán cá, bác đạp xe xích lô, anh lính chiến còn kể hay hơn người viết “kể vô duyên”.
- Hàng năm, có nhiều Hội chuyên ngành kết nạp hội viên, nhưng nóng hơn cả có lẽ là kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có lần tôi đã nói đại ý rằng, vòng một đề cử thì không cần phải ban chuyên môn đề cử, mà hãy lấy ý kiến của những biên tập viên các mảng thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật… ở các tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản có uy tín trong nước, chính những người này họ làm nghề, họ đọc hàng ngày, họ biên tập nên họ hiểu rõ cái hay cái dở của từng tác giả, tác phẩm, vì thế khi họ đề cử sẽ rất đúng và trúng. Bản thân ông cũng đã từng là Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, từng là biên tập viên văn xuôi, rồi Trưởng ban Văn xuôi của một tạp chí uy tín văn chương hàng đầu của cả nước là Văn nghệ Quân đội, liệu ông có cao kiến gì cho Hội Nhà văn Việt Nam trong việc kết nạp hội viên hàng năm?
+ Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Cái ý của ông thật hay và thú vị. Biên tập viên văn chương ở các báo, tạp chí, nhà xuất bản do phải đọc biên tập nên biết nhiều người sáng tác, phê bình, dịch thuật, và vì phải chọn để in nên biết người nào viết hay viết dở. Họ hoàn toàn có phẩm chất năng lực đề xuất tác giả để xét kết nạp hội viên, và tác phẩm vào xét giải thưởng. Nhưng, đó cũng chỉ là một kênh tham khảo thôi. Các hội đồng chuyên môn vẫn phải là “cửa chính”. Các nhà văn, nhà thơ tham gia hội đồng, có nhiều người đã và đang làm biên tập văn chương, và xét giải thưởng nhiều năm, chấm nhiều cuộc thi. Đặc biệt quá trình sáng tạo, lao động nghề nghiệp nhiều năm thì họ cũng đã từng đọc, từng biết bạn nghề viết thế nào. Khi Ban chấp hành quyết định mời họ vào các hội đồng chuyên môn thì họ cũng phải đủ tiêu chuẩn, và có quyền thẩm định tác phẩm cũng như xét kết nạp.
Chuyện vào hội năm nào cũng tưng bừng, xôn xao, được dư luận những người làm nghề, và người yêu văn chương quan tâm. Tôi thì nghĩ đừng để người sáng tác làm đơn xin vào hội, cũng không xét kết nạp nữa, mà hội đồng chuyên môn và ban chấp hành thảo luận, và thấy ai xứng đáng là hội viên thì… mời vào. Tác giả đồng ý vào sinh hoạt, thì Ban chấp hành làm một cái quyết định công nhận là hội viên của hội.
+ Nhà văn Mai Tiến Nghị: Tôi nhất trí với ý kiến nhà văn Nguyễn Thế Hùng là vòng một đề cử xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn cần lấy ý kiến của những biên tập viên các mảng thơ, văn, nghiên cứu phê bình, dịch thuật… ở các báo, tạp chí, nhà xuất bản có uy tín trong nước. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Hội Nhà văn đã có cử một số biên tập viên tham gia vào các Hội đồng. Đó cũng là sự đổi mới tích cực.
- Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh: Ông cũng đã từng nhiều lần tổ chức các cuộc thi văn chương có uy tín và đã tìm ra được những “Trạng nguyên” mà ít nhiều tên tuổi và tác phẩm của họ vẫn còn đọng lại trong lòng bạn đọc. Vậy ông đánh giá thế nào về các cuộc thi văn chương mấy năm gần đây? Riêng tôi thấy không hiểu sao dạo này họ đua nhau thi văn chương với lại thi Hoa hậu đến thế. Có nhiều tờ báo không liên quan gì đến VHNT cũng tổ chức thi, rồi bộ thi, ngành thi, tỉnh thi, huyện thi, còn Hoa hậu thì nhiều đến nỗi… không thể nhớ hết, chỉ nhớ được mấy cô sau khi đăng quang rồi đi bán dâm, bị bắt báo chí rùm beng mới biết.
- Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Quả thật là có quá nhiều cuộc thi văn chương. Có lần ngồi trà dư tửu hậu, mấy anh em nhà văn nhà thơ bảo nhau: bây giờ ông bà nào sáng tác đang sung sức không làm cái gì, chỉ viết tham dự các cuộc thi lấy giải thưởng thì sống cũng ổn.
Tôi thì thấy tổ chức các cuộc thi cũng là chuyện bình thường của thời sự văn chương. Ngành thể dục thể thao thì người ta cũng thi quanh năm, hết giải nọ đến giải kia đấy thôi. Ai thích thì thi, ai không thích không thi cũng chẳng sao. Có người thi đâu trúng đó, có kẻ càng thi càng trượt cũng chẳng sao. Càng thi nhiều, càng có đất dụng võ cho người viết, càng kích thích cảm xúc sáng tạo và luyện bút. Qua các cuộc thi mới biết sức mình đến đâu. Chỉ nên tránh cái không bình thường là coi giải thưởng như lá bùa hộ mệnh, như nấc thang tài năng. Rồi thấy mình lớn quá, rồi đánh giá thấp những người không dự thi hoặc dự thi không được giải. Giải thưởng chưa chắc đã làm nên nhà văn. Bởi như ông nói, có quá nhiều cuộc thi. Được giải cuộc thi chuyên về văn chương, và do những vị giám khảo có uy tín văn chương, với thái độ chấm thi khách quan nghiêm túc khác với cuộc thi phong trào, cuộc thi lấy đề tài làm tiêu chí đầu tiên. Cũng như cuộc thi Hoa hậu làng, hay Hoa hậu ngành nuôi ong thì làm sao sánh với Hoa hậu toàn quốc.
Dĩ nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ. Ở Cuộc thi truyện ngắn về nông thôn do Báo Văn nghệ, Báo Nông nghiệp và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1990, nhà văn Tạ Duy Anh được giải Nhì với truyện ngắn “Bước qua lời nguyền”. Cuộc thi chuyên đề tài nông thôn, nông nghiệp, và “Bước qua lời nguyền” cũng không phải đoạt giải cao nhất, mà tác phẩm này cứ sống mãi với thời gian. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng: “Nếu chỉ chọn 10 truyện ngắn đương đại của Việt Nam thì không thể thiếu “Bước qua lời nguyền”. Trường hợp này là hiếm hoi.
Tìm kiếm giải thưởng hàng năm, hay giải thưởng các cuộc thi cũng chỉ là một phần của hoạt động có tính tổ chức thôi. Vì chả thi thì tác giả vẫn viết. Nhiều người, nhiều tác phẩm không dự thi mà vẫn đi cùng năm tháng.
- Thưa nhà văn Mai Tiến Nghị, ông đã dự khá nhiều cuộc thi và đã gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá. Ông có thể “bật mí” cho độc giả Văn nghệ Công an biết mục đích dự thi các giải thưởng văn chương của ông? Và tại sao mấy năm gần đây không thấy ông tham gia các cuộc thi nữa? Ông có nhớ được tác phẩm nào vừa đoạt giải qua các cuộc thi gần đây không?
+ Nhà văn Mai Tiến Nghị: Thực ra khi viết chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện viết để đi thi. Có lẽ tất cả các lần tôi được giải thưởng đều ngẫu nhiên (do bạn văn đọc được thì “xui” đăng ký dự thi). Kể cả giải thưởng truyện ngắn và tiểu thuyết đều như vậy. Do bản thân vốn là giáo viên toán nhảy sang viết văn nên đối với tôi viết là để chia sẻ. Viết là nghiệp chứ không phải là nghề.
Những năm gần đây tôi không dự thi nữa bởi vì trước đó tôi tham gia các cuộc thi truyện ngắn thì lần nào cũng vào vòng chung khảo nhưng không có giải. Nhiều bạn văn gọi đùa là “ngôi sao chung khảo”. Cũng từ đó tôi nhận ra nhược điểm của mình để tiếp tục làm mới mình để dần khắc phục những nhược điểm đó.
Tuy nhiên, tôi vẫn theo dõi các cuộc thi gần đây. Đọc để thấy nhược điểm của mình và cũng là để học. Đặc biệt những truyện được giải cao thì tôi đọc kỹ hơn. Cụ thể các truyện “Nhà Thánh” của Vũ Thanh Lịch (Giải nhất cuộc thi “Lửa mới” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội nawm-2019), “Con chú con bác” của Trần Chiến (Giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” do Báo Dân Việt tổ chức năm 2021), “Chiếc khoen đồng” của Phạm Lưu Vũ (Giải nhất cuộc thi truyện ngắn năm 2018-2020 của Tạp chí Nhà văn và tác phẩm), “Mắt hồ đêm” của Nguyễn Hiệp (Giải nhất truyện ngắn Trại sáng tác văn học về hình tượng “Người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân”) hay tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương giải thưởng Hội Nhà văn năm 2021.
- Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh, ông cũng là người có nhiều tác phẩm văn chương được/bị chuyển thể sang các hình thức nghệ thuật khác như “Người ở bến sông Châu” chuyển thể phim “Người trở về” hay phim “Mười ba bến nước” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên…vv. Theo ông nguyên tắc cứng và nguyên tắc mềm trong thao tác chuyển thể là gì? Riêng tôi thấy ngay từ đầu cái phim “Đất rừng phương Nam” đã trật đường ray khi chuyển/ dựa theo tác phẩm văn học khá nổi tiếng “Đất rừng phương Nam”, vì chính vì thế mà nó đã không được giải trong Liên hoan phim 2023 vừa rồi ở Đà Lạt là đúng. Nhưng xung quanh liên hoan phim năm nay cũng không ít lùm xùm, nhà thơ, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát đã phải viết một cái “tút” dài trên Facebook của mình để “than thở” về liên hoan phim, về Ban giám khảo.
+ Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Về cơ bản, có ba hình thức chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh, hoặc sân khấu. Một là, chuyển thể chỉ dựa theo ý tưởng, dựa vào mô tuýp truyện, và không gian của tác phẩm văn học. Hai là, chuyển thể trung thành với nguyên tác văn học, theo sát với bản gốc cả tên tác phẩm, ý tưởng, câu chuyện, hệ thống nhân vật, không gian nghệ thuật… Ba là, chuyển thể vừa theo nguyên tác, vừa sáng tạo, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học.
Tôi cho rằng phim “Đất rừng phương Nam” là hình thức chuyển thể thứ ba, chỉ lấy ý tưởng, lấy mô tuýp bé An đi tìm cha, lấy các nhân vật quan trọng và lấy không gian nghệ thuật; còn lại là sáng tạo, lấy cảm hứng nghệ thuật từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi.
Liên hoan phim hoặc cuộc trao giải cuộc thi nào thì cũng có ý kiến đồng thuận và ngược lại. Chả tránh được đâu. Được giải thì vui, không được giải thì buồn. Chuyện này chỉ chấm dứt khi không còn thi cử nữa. Chỉ có điều, hạn chế những ì xèo, lùm xùm tí nào hay tí ấy. Cái đó thuộc về Ban tổ chức, và cái cấp được quyền chọn ban giám khảo.
- Quan điểm của nhà văn Mai Tiến Nghị về vấn đề này?
+ Nhà văn Mai Tiến Nghị: Tôi không có điều kiện để xem “Đất rừng phương Nam” nên không dám lạm bàn. Qua dư luận thì tôi nghĩ điều quan trọng nhất khi chuyển thể tác phẩm văn học thành phim thì ít nhất phải giữ hồn cốt nguyên tác của tác giả văn học đó là nguyên tắc cứng.
- Hai ông có bình luận gì với câu nói: “Tác phẩm được giải là ý chí của Ban giám khảo, thay Ban giám khảo kết quả sẽ khác”. Riêng tôi, tôi đồng tình với ý này nhưng vẫn cứ “lăn tăn” làm sao kéo được khoảng cách giữa Ban giám khảo và đại chúng được gần nhau hơn, bởi xét cho đến tận cùng, thì tác phẩm nghệ thuật là để phục vụ công chúng, trong lúc đó công chúng đông đảo thấy tác phẩm chưa hay, chưa toàn bích mà ban Giám khảo lại trao giải cao và ngược lại thì chán quá.
+ Nhà văn Mai Tiến Nghị: Tôi nhất trí với ý kiến “Tác phẩm được giải là ý chí của ban Giám khảo” vì xét cho cùng thành viên BGK là những con người cụ thể với gu thẩm mỹ, trình độ, tình cảm riêng của mỗi người. Tác phẩm thực sự hay bao giờ nó cũng đáp ứng được sự thỏa mãn tự giác của tất cả các thành viên giám khảo dẫu rằng mỗi giám khảo vẫn còn băn khoăn về chi tiết này hoăc chi tiết khác. Với công chúng cũng vậy. Nếu BGK thực sự công tâm thì chắc không có chuyện giải cao mà đông đảo công chúng không thích.
Tuy nhiên cũng như khoa học tự nhiên trong lịch sử văn học thế giới có những tác phẩm không được đồng nghiệp là các nhà văn, nhà phê bình ưa thích trong thời mà nó ra đời nhưng lại là tác phẩm kinh điển còn mãi với thời gian. Ví dụ "Trăm năm cô đơn" của Marquez, "Những người khốn khổ" của Victor Hugo...".
+ Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Nói trọn vẹn là: Tác phẩm được giải là ý chí, là hiểu biết và cảm thụ của ban giám khảo, thay ban giám khảo thì kết quả sẽ khác, thậm chí chỉ cần thay một thành viên ban giám khảo cũng đã khác rồi.
Ban giám kháo và khán giả, độc giả đại chúng gần nhau ở kết quả thẩm định tác phẩm chỉ là mong muốn lý tưởng thôi.
Cách hay nhất, mà một số cuộc thi, một số liên hoan điện ảnh, hội diễn sân khấu đã làm, là thành lập 2 ban giám khảo. Ban giám khảo gồm những chuyên gia am tường chuyên môn chấm thi và Ban giám khảo do tất cả người xem, hoặc người đọc chấm, gọi là Ban giám khảo đại chúng.
Bây giờ Internet phát triển như vũ bão, sử dụng phần mềm chương trình để người xem, và độc giả chấm các tác phẩm dự thi cũng chẳng khó khăn lắm. Dĩ nhiên, sẽ có hai hệ thống giải thưởng song song. Lúc đó, chưa biết giải thưởng nào oách hơn giải thưởng nào.
- Vâng. Xin cảm ơn hai nhà văn Sương Nguyệt Minh và Mai Tiến Nghị đã tham ra cuộc trò chuyện rất bổ ích và lý thú này.