Cuối năm, gửi tiết kiệm kỳ hạn nào có lợi nhất?

Lãi suất huy động được dự báo có thể tăng nhẹ do đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng cao dịp cuối năm...

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2019 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy lãi suất huy động vốn tăng nhẹ trong quý. Cụ thể, các tháng đầu năm, lãi suất huy động có xu hướng tăng ở các kỳ hạn. Đến cuối tháng 8, lãi suất huy động ghi nhận mức cao nhất là 10%/năm (chứng chỉ tiền gửi 5 năm của một số ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ), cao hơn so với mức cao nhất 8,5-8,6%/năm hồi đầu năm.

Về mức lãi suất tiền gửi cụ thể, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã niêm yết biểu lãi suất mới theo hướng nhích lên ở kỳ hạn dài. Người gửi tiền kỳ hạn dài trên 12 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất từ 8%/năm trở lên, thậm chí 9-10%/năm nếu mua chứng chỉ tiền gửi cá nhân.

Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 24 tháng là 8,6%/năm; Vietbank huy động lãi suất cao nhất từ 8,3%-8,5%/năm kỳ hạn từ 15-36 tháng; mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trong tháng 10 là 9%/năm, áp dụng tại SHB ở kì hạn 13 tháng, với số tiền gửi trên 500 tỉ đồng…

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài được dự báo tiếp tục nhích lên

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài được dự báo tiếp tục nhích lên

Nếu gửi tiết kiệm trực tuyến, người gửi sẽ được hưởng lãi suất cao hơn từ 0,1%/năm so với gửi tại quầy. Chẳng hạn, tại Nam A Bank, nếu gửi tiết kiệm tại quầy lãi suất cao nhất là 7,9%/năm kỳ hạn từ 25-36 tháng. Trong khi nếu gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất lên tới 8,7%/năm kỳ hạn 36 tháng và mức lãi suất đã lên tới 8%/năm khi gửi từ 6 tháng.

Đại diện Nam A Bank cho biết người gửi còn được tặng thêm lãi suất nhân dịp sinh nhật ngân hàng. Cụ thể, khi mở mới hoặc tái tục sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi tại quầy từ 20 triệu đồng khách hàng sẽ được ưu đãi cộng thêm lãi suất lên đến 0,8%/năm; riêng khách hàng gửi tiền trực tuyến trên eBanking Nam A Bank từ 10 triệu đồng sẽ được cộng thêm lãi suất tới 0,3%/năm…

Theo các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, lãi suất huy động tăng trong 3 tháng gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu tăng tín dụng đặc biệt là tín dụng trung dài hạn thường tăng cao vào cuối năm; đáp ứng yêu cầu về hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basell II từ năm 2020 và quy định giảm dần vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Cạnh tranh từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là yếu tố khiến các ngân hàng đẩy lãi suất tiền gửi cao hơn để hút vốn từ thị trường.

Nhận định về lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ, đặc biệt là huy động kỳ hạn dài khi áp lực tỉ giá do chiến tranh thương mại leo thang khiến các tổ chức tín dụng cần duy trì chênh lệch lãi suất VNĐ/USD ở mức nhất định để thu hút người gửi tiền.

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh nhìn nhận lãi suất dịp cuối năm sẽ khó giảm bởi yếu tố chu kỳ, khi cuối năm nhu cầu vốn tín dụng tăng cao buộc ngân hàng thương mại phải đẩy lãi suất đầu vào để thu hút tiền gửi từ dân cư, bên cạnh những yếu tố khác.

Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối tài chính để áp dụng lãi vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng...

Lãi suất cho vay vẫn ổn định

Dù lãi suất đầu vào liên tục đi lên nhưng theo các chuyên gia, lãi suất cho vay nhìn chung vẫn ổn định. Quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vào giữa tháng 9-2019 (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất thị trường mở...) được kỳ vọng sẽ ổn định thanh khoản, giúp ổn định mặt bằng cho vay trong bối cảnh lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng gần đây.

Bài và ảnh: Thái Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/cuoi-nam-gui-tiet-kiem-ky-han-nao-co-loi-nhat-20191006150241726.htm