Hết thời sếp chiều nhân viên
Amazon, Dell và nhiều công ty yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng, cắt giảm hàng loạt phúc lợi và thưởng. Điều này phản ánh sự thay đổi trong quyền lực giữa sếp và nhân viên.
Bề ngoài, thị trường việc làm dường như vẫn duy trì sự ổn định. Nhưng thực tế, quyền kiểm soát đang dần nghiêng về phía các nhà tuyển dụng. Nhiều tập đoàn lớn đang thắt chặt chính sách làm việc từ xa, giảm ngân sách công tác và cắt giảm phúc lợi.
Công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia JPMorgan Chase thông báo từ tháng 3, phần lớn nhân viên làm việc kết hợp sẽ phải trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian.
Amazon đã yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng từ đầu tháng 1, trong khi công ty công nghệ Dell Technologies cũng đã áp dụng chính sách này đối với đội ngũ bán hàng từ mùa thu năm ngoái. Đồng thời, nhiều phúc lợi như hỗ trợ học phí đại học và nghỉ phép chăm sóc thú cưng ốm cũng bị cắt giảm.
Những động thái này phản ánh sự thay đổi trong mối quan hệ quyền lực giữa các nhà tuyển dụng và người lao động khi thị trường lao động không còn giữ được mức độ sôi động như trước, Wall Street Journal đưa tin.
Thời thế thay đổi
Trong giai đoạn 2020-2022, thiếu hụt lao động do đại dịch đã làm tăng mạnh lương và tạo cơ hội cho nhân viên dễ dàng "nhảy việc". Tỷ lệ nghỉ việc tăng vọt, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 3,4% vào đầu năm 2023, mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua.
Tuy nhiên, đến tháng 12, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4,1%. Cùng lúc, tỷ lệ công việc trống so với số người thất nghiệp đã giảm từ mức kỷ lục 2 công việc/người thất nghiệp vào năm 2022 xuống còn 1 công việc/người thất nghiệp vào tháng 11.
Mặc dù vậy, thị trường việc làm vẫn giữ được sự ổn định. Số lượng việc làm đã tăng thêm 256.000 trong tháng 12 so với tháng 11, với mức tăng trung bình 186.000 mỗi tháng trong năm 2024. Tuy nhiên, 76% việc làm mới trong năm qua chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, giải trí, khách sạn và chính phủ. Trong khi đó, các ngành tài chính, công nghệ thông tin và dịch vụ kinh doanh chuyên nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng việc làm thấp hơn.
Sự thay đổi quyền lực này thể hiện rõ qua những điều chỉnh về điều kiện làm việc, thay vì thông qua việc sa thải hay cắt giảm lương. Một số công ty đã chấm dứt chế độ làm việc từ xa để giảm bớt nhân sự, mặc dù biết rằng điều này có thể khiến không ít nhân viên nghỉ việc.
Khái niệm "nghỉ việc thầm lặng" (quiet quitting) hiện được thay thế bằng "cắt giảm thầm lặng" (quiet cutting), khi các công ty tiến hành cắt giảm nhân sự mà không công khai thông báo chính thức.
Ông Michael Gibbs, giáo sư kinh tế tại trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago (Mỹ), cho rằng các yêu cầu mới là thông điệp từ doanh nghiệp nhằm nhắc nhở nhân viên về sự thay đổi của thời thế.
Mayrian Sanz, cựu Giám đốc vận hành tại một công ty công nghệ, đã quyết định nghỉ việc vào tháng 10 sau khi công ty yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng 4 ngày/tuần. Việc di chuyển từ nhà cô ở bang New Jersey (Mỹ) đến văn phòng tại thành phố New York (Mỹ) đã làm tăng thời gian làm việc thêm vài giờ, đồng thời kéo theo chi phí cho việc chăm sóc trẻ em và thuê người dắt chó.
"Điều này ảnh hưởng đến cả gia đình tôi", cô nói.
Hiện là cố vấn kinh doanh độc lập, Sanz cho biết cô đã nộp đơn vào 25-30 công việc từ xa nhưng không nhận được phản hồi. Khi nhận được hồi âm, nhiều công ty thông báo rằng các vị trí làm việc từ xa hiện yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng.
Theo dữ liệu từ trang tìm kiếm việc làm Dice, tỷ lệ nhân viên ngành công nghệ nhận được các phúc lợi như giờ tình nguyện có trả lương, hỗ trợ học phí, tư vấn tài chính miễn phí và chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần đã giảm khoảng 4% trong năm 2024 so với năm 2023. Tiền thưởng trung bình cũng giảm hơn 800 USD, từ 15.011 USD xuống 14.194 USD. Bên cạnh đó, Netflix đã âm thầm rút lại chính sách nghỉ phép không giới hạn trong năm đầu tiên sinh con.
"Chúng tôi sẽ xem xét lại phúc lợi nghỉ phép chăm sóc thú cưng khi nền kinh tế hồi phục trong 4 năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nhân viên sẽ không được nghỉ để chăm sóc thú cưng ốm", John Frehse, Giám đốc mảng nhân sự tại công ty tư vấn Ankura, nhận định.
Làm việc từ xa được áp dụng ban đầu như một giải pháp đối phó với đại dịch Covid-19. Sau khi nhận thấy năng suất không giảm sút, nhiều công ty đã duy trì mô hình này. Tuy nhiên, hiện nay, một số doanh nghiệp bắt đầu nhận ra rằng làm việc từ xa lâu dài có thể ảnh hưởng đến tinh thần hợp tác, sự sáng tạo và hiệu quả làm việc nhóm.
Doanh nghiệp siết chặt làm việc từ xa
Corpay, công ty thanh toán doanh nghiệp toàn cầu với khoảng 4.200 nhân viên tại Mỹ, đã điều chỉnh chính sách làm việc từ xa. Giám đốc nhân sự Crystal Williams cho biết nhân viên sống gần văn phòng sẽ phải làm việc ít nhất 3 ngày/tuần tại văn phòng. Bên cạnh đó, công ty sẽ chỉ cho phép làm việc từ xa đối với những nhân viên sở hữu kỹ năng đặc thù.
Williams cho biết sự thay đổi này phản ánh vị thế ngày càng vững mạnh của Corpay trên thị trường lao động, khi tỷ lệ nghỉ việc đã giảm 12% so với năm trước và nhiều ứng viên tiềm năng đã chấp nhận các lời mời làm việc từ công ty.
Tuy nhiên, tác động thực tế của việc trở lại văn phòng vẫn chưa rõ ràng. Một số chuyên gia kinh tế bày tỏ hoài nghi về khả năng tăng năng suất từ chính sách này.
Ông Nicholas Bloom, giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng mô hình làm việc kết hợp (hybrid), chỉ yêu cầu nhân viên làm việc vài ngày tại văn phòng mỗi tuần, có thể mang lại hiệu quả tương đương với yêu cầu làm việc toàn thời gian ở công ty. Ông cũng nhấn mạnh rằng đối với những công việc cần sự tập trung cao, làm việc tại nhà có thể giúp tăng năng suất.
Điều này lý giải vì sao các chính sách làm việc kết hợp, như của Corpay, ngày càng trở nên phổ biến hơn so với yêu cầu làm việc đủ 5 ngày/tuần. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Flex Index, tỷ lệ công ty yêu cầu làm việc 5 ngày/tuần không có nhiều thay đổi so với mùa xuân năm ngoái và đã giảm đáng kể so với năm 2023. Ngược lại, số liệu từ LinkedIn cho thấy tỷ lệ công việc kết hợp đã tăng nhẹ trong năm qua.
Mark Gazdik, trước đây là quản lý khách hàng cho một hãng du thuyền lớn, đã bị sa thải vào tháng 8. Ở tuổi 57, ông quyết định tham gia chương trình đào tạo tiếp viên hàng không, dù mức lương của công việc mới chỉ bằng một nửa so với công việc cũ.
"Tôi đã từng lo lắng khi phải từ bỏ công việc văn phòng với mức lương 200.000 USD, nhưng công việc hiện tại mang lại sự ổn định và cảm giác được trân trọng", ông chia sẻ.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/het-thoi-sep-chieu-nhan-vien-post1524978.html