Cười thỏa thích với 'Cú máy chết cười'

Hai ngôi sao Romain Duris và Bérénice Bejo vào vai chính trong 'Cú máy chết cười' (tên tiếng Anh: Final Cut), một bộ phim kinh dị hài đang tạo tiếng vang của điện ảnh Pháp.

“Cú máy chết cười” được làm lại từ bộ phim Nhật Bản đình đám “Quay trối chết” (One Cut of the Dead) của đạo diễn Shinichirou Ueda vào năm 2017. Đạo diễn Michel Hazanavicius đã tăng thêm độ hư cấu nhằm biến “phiên bản Pháp” còn lập dị và buồn cười hơn so với bản gốc.

Bộ phim kinh dị hài kỳ lạ

Được chọn chiếu mở màn LHP Cannes, điều này khiến nhiều người ngạc nhiên vì “Cú máy chết cười” là một bộ phim siêu hư cấu thuộc thể loại kinh dị hài (comedy-horror movie). Tuy nhiên, đằng sau những xác sống đầy máu và những tràng cười sảng khoái là thông điệp vô cùng ý nghĩa liên quan đến những buồn vui trong ngành điện ảnh.

Với kinh phí vỏn vẹn 3 triệu yên nhưng đạt doanh số phòng vé hơn 3 tỷ yên, bộ phim kinh dị hài “Quay trối chết” của Nhật Bản sản xuất vào năm 2017 nhận được nhiều lời có cánh từ giới phê bình nhờ thông điệp vừa châm biếm, vừa tôn vinh vẻ đẹp điện ảnh. Bản gốc của đạo diễn Ueda gần như hoàn chỉnh về mặt “kể chuyện làm phim”, còn đạo diễn Hazanavicius đã thổi thêm chút ngôn ngữ tình yêu vào phiên bản Pháp, giúp khán giả cảm nhận bộ phim theo hướng hài lãng mạn bên cạnh… những xác sống.

Chuyện kể về việc thực hiện một bộ phim ngắn kinh phí thấp liên quan đến “xác sống”. Vì đoàn làm phim đã vi phạm một điều cấm kỵ cổ xưa của địa phương, quá trình làm phim liên tục bị gián đoạn bởi những thây ma “có thật”. Các diễn viên tham gia diễn xuất không ngờ những thây ma này đã làm hài lòng đạo diễn (Romain Duris đóng). Ông ta muốn các diễn viên trải nghiệm sự sợ hãi thật sự, nhằm khơi dậy khả năng diễn xuất của họ trong phim.

Bộ phim ngắn dựa trên ý tưởng quay “một lần liên tục” (long take) và chỉ kéo dài 37 phút. Do nó được quay với kinh phí thấp nhất có thể nên bất kỳ sai sót nào cũng phải cho qua để quay tiếp, vì họ không thể trở lại điểm xuất phát. Quá trình làm bộ phim ngắn được diễn tả giống như một màn ứng biến trên sân khấu. Khán giả Việt có thể mường tượng đến gameshow “Ơn giời, cậu đây rồi!” từng được phát trên sóng VTV, người tham gia phải nhanh nhạy phản hồi bất kỳ tình huống nào miễn là không được làm đứt mạch diễn.

 Một cảnh vừa kinh dị vừa vui nhộn trong phim

Một cảnh vừa kinh dị vừa vui nhộn trong phim

Vừa “chết cười”, vừa “ý nghĩa”

“Cú máy chết cười” được chia ra làm 3 phần như một bộ phim hoàn chỉnh. Phần đầu, khán giả thưởng thức bộ phim ngắn dài 37 phút với đầy đủ những yếu tố kinh dị nhưng không kém phần điên rồ. Tiếp đến là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của bộ phim. Cuối cùng là quá trình làm phim đầy “nhố nhăng”, những yếu tố đời thường nhất đều được thể hiện qua góc nhìn của đạo diễn “The Artist”. Càng thưởng thức, người xem sẽ nhận ra những khoảnh khắc hài hước tưởng chừng “vớ vẩn và xàm xí” thực ra đều nhờ tài sắp xếp tình huống thượng thừa của tổ biên kịch. Những gì tưởng chừng ngẫu nhiên thì lại không hề ngẫu nhiên mà đều nằm trong sự tính toán vô cùng liền mạch.

“Một tác phẩm giải trí kỳ lạ thực sự. Bề ngoài là về điện ảnh, nhưng lại đem đến trải nghiệm như đang thưởng thức trong nhà hát kịch.

Nhật báo The Guardian (Anh)

Những bộ phim chủ đề “xác sống” thường đi kèm với những hình ảnh bạo lực, hoang tàn, máu đổ… “Cú máy chết cười” tuy vẫn khai thác chủ đề trên nhưng đã tiếp cận khác đi. Những tình huống ngộ nghĩnh và bất ngờ trong phim được vẽ ra vô cùng “trần trụi” khiến người xem cười không ngớt. Hàng loạt sự cố bất ngờ trong công tác làm phim chính là điều mà các nhà làm phim “cố ý” gửi gắm thông điệp đến khán giả. Rằng một sản phẩm điện ảnh chỉn chu thì không chỉ nhờ những diễn viên màn bạc, đó còn là công sức của rất nhiều người thầm lặng. Ngoài ra, phim như “cú máy” chế giễu vào thực trạng xấu xí của ngành công nghiệp điện ảnh, nơi những đoàn làm phim kém tên tuổi thường phải chấp nhận những đòi hỏi phi lý từ nhà tài trợ.

Cô gái tìm mẹ “Mất tích”

Nữ diễn viên Storm Reid nhập vai June trong “Mất tích”

Nữ diễn viên Storm Reid nhập vai June trong “Mất tích”

Bộ phim chuyên án nhan đề “Mất tích” (tựa gốc: Missing) của 2 đạo diễn kiêm biên kịch Nick Johnson và Will Merrick với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn sẽ khiến người xem đứng ngồi không yên.

“Mất tích” kể về một cô gái 18 tuổi tên là June (Storm Reid đóng) có mẹ bị mất tích. Người ta nhìn thấy mẹ của June lần cuối cùng khi bà đi tới Cartagena cùng với bạn trai (Ken Leung). Dù là một đứa trẻ ngỗ nghịch, nhưng khi có mẹ bị mất tích, June không thể ngồi yên chờ tin của cảnh sát và quyết tâm cứu lấy mẹ mình. Thế là cô bé tuổi teen đã dùng công nghệ và mạng Internet để tìm mẹ.

“Hoạt động điều tra” của June được lưu trữ trong các ứng dụng. Tất cả đều “thật” đến mức người xem ngỡ như “Mất tích” là một bộ phim tài liệu tội phạm thật sự được phát trực tuyến trên chiếc máy tính xách tay của June. Khi kế hoạch của June bị mọi người biết thì “cuộc điều tra” gần như vuột khỏi tầm tay của chính cô ấy.

Hình ảnh năng động của June đại diện cho thế hệ “gen Z” hiện đại, cô ấy làm bạn với các thiết bị điện tử, tương tác với hàng chục cửa sổ màn hình cùng một lúc. Khi làm chủ công nghệ, June sẽ cảm thấy đang làm chủ cuộc đời mình. Nhịp phim “Mất tích” đi nhanh và được lập trình giống như một cỗ máy tính. Các công cụ FaceTime, Venmo, Safari, Google, Streetviews… đều được đưa vào mạch phim với nhiều tình tiết xoắn vào nhau đầy kịch tính. Phim gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc con người thời hiện đại có thể dễ dàng trở thành “con mồi” của mạng xã hội hoặc thông qua bất kỳ thiết bị nào. Qua câu chuyện cô bé Jane cứu mẹ, các nhà làm phim muốn nêu cao tầm quan trọng của sự gắn kết trong gia đình, nhất là cần cân bằng không gian mạng với thời gian dành cho người thân.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoi-thoa-thich-voi-cu-may-chet-cuoi-post532799.antd