Chùa Chén Kiểu còn có tên là chùa Sà Lôn, nằm ven QL1A đoạn qua xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, cách TPHCM hơn 180km. Ban đầu chùa được dựng bằng lá, đến năm 1969, chùa được xây lại có kiến trúc như hiện nay gồm chánh điện và các bảo tháp… Ảnh: Henry Dương
Khác với sắc vàng nổi bật của những ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ, chùa Chén Kiểu sặc sỡ với những họa tiết đủ màu, từ tím, xanh, đỏ…đến hồng, cam. Ảnh: Henry Dương
Trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa… từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ảnh: Henry Dương
Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa còn được người dân biết đến với tên gọi thứ hai “Chùa Chén Kiểu”. Ảnh: Henry Dương
Khuôn viên chùa Chén Kiểu khá rộng, có nhiều cây xanh. Nhìn từ trên cao, mái chùa như một tấm thổ cẩm tinh xảo, nhiều họa tiết đan xen đẹp mắt. Ảnh: Henry Dương
Chùa Chén Kiểu là một ngôi chùa nổi tiếng tại Sóc Trăng, là địa điểm hành hương tâm linh không thể thiếu đối với đời sống của người dân và cộng đồng người Khmer. Ảnh: Henry Dương
Khi đến đây, khách tham quan sẽ ấn tượng với những bức tường được ốp các loại chén kiểu đủ loại hoa văn, kết hợp cùng những mảnh gạch men nhỏ vô cùng khéo léo và tinh tế. Ảnh: Henry Dương
Phía sau chùa là khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của đức Phật Thích Ca. Ảnh: Henry Dương
Đến Sóc Trăng, ngoài tham quan chùa Chén Kiểu, du khách có thể dành thời gian ghé thăm chùa Dơi, vườn cò Tân Long, chùa Đất Sét, cồn Mỹ Phước, chùa đá Vĩnh Hưng… Ảnh: Henry Dương
Henry Dương