Cuối tuần này, đưa cát về công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sau 9 tháng khởi công

Sau hơn 9 tháng khởi công, nhà thầu thi công dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị đưa cát về công trường vào cuối tuần này.

Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 16km, tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2025. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án là 2.300.000m3.

Hai mỏ cát được cấp theo cơ chế đặc thù

Để đảm bảo nguồn cát thi công dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, tỉnh Đồng Tháp đã cấp cho nhà thầu là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C trực tiếp khai thác hai mỏ cát.

Mỏ cát thứ nhất trên sông Tiền đoạn thuộc xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh; xã Mỹ An Hưng A và xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, có diện tích 25,31ha.

Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp phê duyệt trong khu mỏ là 1.754.892m3. Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác là 1.200.000m3. Công suất khai thác là 1.000.000m3/năm, trong đó, số lượng khai thác tối đa 83.333m3/tháng và 2.778m3/ngày.

Mức sâu khai thác thấp nhất đến mức âm 15m. Phương pháp khai thác theo hình thức lộ thiên. Thời gian hoạt động của dự án là 21 tháng. Trong đó, thời gian khai thác là 15 tháng, thời gian cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ là 6 tháng.

Hai mỏ cát được Đồng Tháp cấp theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Hai mỏ cát được Đồng Tháp cấp theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Mỏ cát thứ hai được giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C trực tiếp khai thác cũng trên sông Tiền đoạn thuộc xã Long Khánh A, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự và phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự.

Mỏ cát này có diện tích 11,59ha, với tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp phê duyệt trong khu mỏ là 757.574m3. Trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác là 533.150m3.

Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác là 430.000m3. Công suất khai thác là 533.150m3/năm. Số lượng này tương đương 44.429m3/tháng và khai thác trung bình 1.481m3/ngày.

Mức sâu khai thác thấp nhất đến mức âm 15m. Phương pháp khai thác theo hình thức lộ thiên. Thời gian hoạt động của dự án là 16 tháng, trong đó, thời gian khai thác là 10 tháng và thời gian cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ là 6 tháng.

Tranh thủ đưa cát về công trường và phân bổ cho các nhà thầu khác

Phía Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C cho biết, nhằm đảm bảo việc khai thác được thuận lợi và đúng quy định, công ty đã bố trí tại mỏ cát thứ nhất ba xáng cạp và tại mỏ cát thứ hai, công ty cũng sẽ bố trí hai xáng cạp. Tại hai mỏ cát này, công ty bố trí gầu với dung tích là 3,5m3.

Trên công trường khai thác cát, công ty cũng sẽ cho công nhân bắt đầu làm việc với thời gian từ 7-17h cùng ngày, không khai thác vào ban đêm.

Để có thể đưa cát về công trường phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp sau nhiều tháng chờ đợi, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục có liên quan.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chức năng kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thực hiện, công ty cũng đã cho lắp đặt camera và thiết bị định vị phương tiện theo đúng quy định.

Nhà thầu chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để sớm đưa cát về công trường thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Nhà thầu chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để sớm đưa cát về công trường thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Đồng thời, thuê đơn vị có chức năng giám sát sự ổn định của đường bờ, khảo sát địa hình đáy sông trong khu vực khai thác nhằm đưa ra kế hoạch khai thác phù hợp, cảnh báo rủi ro khi có dấu hiệu bất thường.

"Công ty đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và dự kiến đến cuối tuần này đưa cát về công trường phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp sau nhiều tháng không có cát về công trường.

Bên cạnh đó, việc khai thác cát được công ty tổ chức thực hiện theo đúng quy định và sẽ thực hiện việc phân bổ cho các nhà thầu khác đang cùng thi công trên công trường nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện theo kế hoạch đề ra", một cán bộ Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C thông tin.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuoi-tuan-nay-dua-cat-ve-cong-truong-cao-toc-cao-lanh-an-huu-sau-9-thang-khoi-cong-192240515154808946.htm